Những điều mẹ cần biết khi mang thai 3 tháng cuối

Mang thai 3 tháng cuối kéo dài từ 29 đến 40 (có mẹ bầu sinh trước hoặc sau 40 tuần) của thai kỳ. Trong giai đoạn cuối cùng này, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả về thể chất lẫn cảm xúc. Tìm hiểu về giai đoạn quan trọng này để thuận lợi chuẩn bị đón bé yêu nhé!

 

1. Thai nhi 3 tháng cuối phát triển như thế nào?

Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, thai nhi vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện tất cả các chức năng của các cơ quan. Từ tuần 34 – 36 thai nhi quay đầu để chuẩn bị chào đời. Khi mới sinh, em bé của bạn có thể nặng từ 2,7 – 4kg và dài từ 48 – 53cm.

1.1 Tháng thứ 7

Lúc này, thai nhi đã đủ sức để thở bằng phổi thông qua mũi, đại não đã phát triển, mạng lưới thần kinh phức tạp đã được cấu thành. Nhờ vậy, nếu gặp sự cố bị sinh non, trẻ vẫn có khả năng tồn tại và phát triển nếu được chăm sóc đặc biệt NICU. 

Một số dấu mốc phát triển khác của thai nhi ở tháng thứ 7 này:

  • Luyện tập các phản xạ.
  • Bắt đầu kiểm soát được các hoạt động của cơ thể. 
  • Đã phân biệt được sáng tối do thị giác phát triển.
  • Cố định vị trí trong bụng mẹ.

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 7: Mẹ bầu cần lưu ý những gì?

1.2 Tháng thứ 8

Não bộ của thai nhi phát triển nhanh chóng, bắt đầu luyện tập bằng hô hấp bằng phổi. Thời kỳ này, bé nhận dược miễn dịch (globulin) từ mẹ nên đã có sức đề kháng để tồn tại ở môi trường bên ngoài. 

Sự phát triển của thai nhi:

  • Dần hoàn thiện năng ghi nhớ và cảm xúc.
  • Chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể được hoàn thiện.
  • Luyện tập hô hấp bằng phổi.
  • Các cơ quan nội tạng đã hoàn thiện. 

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 8: Những chú ý mẹ bầu không thể bỏ qua

1.3 Tháng thứ 9

Thai nhi tháng thứ 9 chuẩn bị vào bước phát triển vào giai đoạn cuối cùng. Bé có sự tăng trưởng nhanh để thích ứng với môi trường bên ngoài. Thai nhi lặp lại uống nước ối rồi thải ra nước tiểu, chuẩn bị cho quá trình bú sữa mẹ. 

Hình ảnh thai nhi tháng thứ 9 đã quay đầu

Một số dấu mốc phát triển khác:

  • Tóc, móng tay của bé dần dài ra.
  • Phổi phát triển hoàn chỉnh.
  • Tăng tích mỡ dưới da
  • Gần hoàn thiện việc phát triển hệ xương. 

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 9: mẹ bầu cần chuẩn bị gì để sinh con an toàn

1.4 Sau tuần thai thứ 36

Thai đủ tháng là thai đủ 40 tuần tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt đến ngày dự sinh. Tuy nhiên, một số phụ nữ chuyển dạ từ sau tuần 37 thì vẫn bình thường. Bởi lẽ, từ tuần 37 trở đi, tất cả các cơ của thai nhi đã được hoàn thiện cả về kích thước và chức năng để sẵn sàng chào đời bất cứ lúc nào. 

>> Xem thêm: Mang thai tháng cuối: Mẹ chuẩn bị gì để đón bé chào đời khỏe mạnh?

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng cuối

Cùng với sự phát triển của thai nhi, cơ thể mẹ cũng ngày càng trở nên nặng nề hơn. Trong giai đoạn cuối thai kỳ cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thai nhi và chuẩn bị cho cuộc đẻ đang sắp tới gần. 

  • Tăng cân nhanh: trong 3 tháng cuối thai kỳ mẹ tăng từ 5-6kg, trung bình mỗi tháng tăng từ 1,5-2kg.
  • Bụng và ngực to ra: đến tháng thứ 9, tử cung của mẹ đã to dần đến vị trí dưới lồng ngực gây cho mẹ cảm giác khó chịu khi nằm ngửa hoặc giữ nguyên tư thế một lúc lâu. Sau tuần 36, càng tới gần ngày sinh, tử cung tụt thấp xuống cùng với thai nhi khiến mẹ dễ chịu hơn. 
  • Cơn gò tử cung (Braxton-Hicks): xuất hiện ở tháng thứ 7 và tần suất tăng dần khi càng đến gần ngày sinh. Cơn gò này dù không dữ dội như cơn gò thật nhưng cũng có thể khiến bạn khó chịu.
  • Phù nề nhiều hơn: Mẹ có thể bị phù ở mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra, khuôn mặt của mẹ cũnghơi sưng hơn trước. 
  • Đau lưng và vùng chậu: Thai càng lớn dần lên làm trọng lượng của mẹ dồn về phía trước gây mất cân bằng cơ thể và áp lực lên vùng chậu. Những ngày cuối thai kỳ mẹ còn cảm thấy tê đau vùng mông, đùi và thắt lưng, xương mu vì đầu của thai nhi tụt thấp xuống dưới. 
  • Đi tiểu thường xuyên hơn: do bàng quang nằm bên dưới tử cung bị chèn ép nên sức chứa ít hơn. 
  • Ợ hơi, ợ chua, táo bón: do tử cung tăng kích lên gấp 10 lần so với trước khi mang thai nên gây ra sự chèn ép đối với các cơ quan tiêu hoá và các tạng xung quanh. 
mang thai 3 tháng cuối
Mang thai 3 tháng cuối cơ thể mẹ trở nên nặng nề hơn

3. Lời khuyên cho bà bầu 3 tháng cuối

3.1 Mang thai 3 tháng cuối nên ăn gì?

Mang thai 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất. Vì vậy, mẹ bầu cần ăn đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi. 

  • Tăng năng lượng bữa ăn: mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi mang thai 3 tháng cuối là cần tăng 450 kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý).
  • Về tính cân đối của khẩu phần ăn: 
    • Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ
    • Cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết.
    • Bổ sung chất đạm (protein) các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…)
    • Vitamin và chất khoáng: có trong rau xanh và trái cây tươi
    • Bổ sung nguồn canxi từ sữa và các hết phẩm từ sữa tương đương 6 đơn vị mỗi ngày
mang thai 3 tháng cuối nên ăn gì
Những thực phẩm tốt cho mẹ bầu 3 tháng cuối

3.2 Mẹ bầu cần chú ý những gì trong sinh hoạt hàng ngày?

  • Đi khám thai định kỳ: mẹ có thể đi khám mỗi tháng một lần. Từ tuần thứ 30 mẹ nên đi khám 2 tuần một lần, từ tuần thứ 36 trở đi mẹ nên đi khám mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn tuỳ vào tình hình sức khỏe của mẹ và bé. 
  • Vận động nhẹ nhàng: với các bài tập yoga, đi bộ hoặc các bài tập Kegel phù hợp cho 3 tháng cuối để làm giảm áp lực lên sàn chậu, có lợi cho quá trình sinh nở. 
  • Tư thế ngủ khi mang thai 3 tháng cuối:  tốt nhất là nằm nghiêng về bên trái, có thể kê một chiếc gối giữa hai chân và hơi co chân lại. 
  • Nghỉ ngơi: nếu mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, hãy thử chợp mắt hoặc ngồi xuống và thư giãn trong vài phút. Tránh công việc căng thẳng và áp lực. 
  • Giảm phù nề: những tháng cuối tình trạng ứ máu ở các chi dần trở nên nặng hơn, mẹ hãy vận động nhẹ nhàng tránh ngồi hoặc nằm yên quá lâu kết hợp với massage và ngâm chân vào nước ấm trước khi đi ngủ. 
  • Cẩn thận khi đi đứng: càng về cuối thai kỳ bụng mẹ càng to lên, ảnh hưởng tới việc đi lại. Mẹ hãy đi chậm rãi, cẩn thận, tránh nơi trơn trượt, đông người. Khi leo cầu thang phải vịn vào tay cầm hoặc tường để tránh trượt ngã. 
  • Quan hệ vợ chồng: với tần suất vừa phải và phụ thuộc vào sức khoẻ người mẹ. Lựa chọn tư thế phù hợp, tránh quan hệ thô bạo hoặc các tư thế khó. 
  • Theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ: từ tuần 37 trở đi, mẹ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào, hãy theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ như: cơn đau chuyển dạ, vỡ ối, ra dịch nhầy âm đạo có lẫn máu,… để có phương án di chuyển kịp thời đến bệnh viện. 
Tập các bài tập nhẹ nhàng đều đặn có lợi cho quá trình sinh nở

4. Những bất thường khi mang thai 3 tháng cuối

  • Không thấy dấu hiệu “thai máy” (các cử động đạp của thai nhi), hoặc “thai máy” yếu ớt
  • Ra máu đỏ tươi bất thường.
  • Sốt cao (>38,5 độ C)
  • Đau bụng, căng cứng bụng, đau lưng dữ dội. 
  • Chuột rút thường xuyên và kéo dài
  • Nôn mửa liên tục. 
  • Các dấu hiệu của viêm niệu đạo: đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu rắt.

Các biểu hiện đều cho thấy sự bất thường của thai nhi, có rủi ro cho mẹ và bé nên cần nhập viện ngay.

Mang thai 3 tháng cuối là trải nghiệm đầy thử thách nhưng cũng đầy mong chờ đến ngày con sinh ra. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ an toàn, ổn định để bé khỏe mạnh khi chào đời!