Mang bầu 2 tháng: Những điều mẹ cần biết để đảm bảo an toàn thai kỳ

Khi mẹ đã mang bầu 2 tháng, thai nhi bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng, cơ thể và tinh thần của mẹ cũng bắt đầu có những biến đổi rõ rệt. Việc theo dõi những thay đổi sẽ giúp mẹ có chăm sóc bản thân và thai nhi bé bỏng tốt hơn.

 

1. Thai nhi phát triển như thế nào khi mẹ mang bầu 2 tháng? 

Mẹ mang thai tháng thứ 2 bắt đầu từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8. Trong giai đoạn này, phôi thai có sự phát triển và phân hoá mạnh mẽ.

  • Phôi thai có đuôi giống cá nhưng đã phân biệt được đầu và tay chân. Các cơ quan chủ yếu của bé đã được định hình. 
  • Dây thần kinh của mắt, tai, não bộ, tủy sống phát triển với tốc độ rất nhanh. 
  • Mí mắt và nhãn cầu và các cơ quan nội tạng như tim, gan, dạ dày đã được hình thành.
  • Nhau thai và dây rốn chưa hoàn thiện nên bé nhận chất dinh dưỡng từ túi noãn hoàng để phát triển. 

Nếu như ở cuối tháng thứ nhất, bé thậm chí còn nhỏ hơn 1mm thì ở cuối tháng thứ 2 chiều dài từ đỉnh đầu đến mông đã gần bằng 1cm. Lúc này, bé có đuôi giống như cá nhưng đã phân biệt được đầu, thân và chân tay.

Cũng từ thời điểm này, mẹ bầu đã có thể đi siêu âm lần đầu để nhìn thấy hình ảnh của thai nhi.

hình ảnh thai nhi tháng thứ 2
Thai nhi phát triển nhanh ở tháng thứ hai

2. Biểu hiện của mẹ bầu khi mang thai 2 tháng

Về ngoại hình, khi mang thai tháng thứ 2, bụng bầu của của người mẹ vẫn chưa to lên và khó quan sát được bằng mắt thường.

Tuy nhiên, lúc này tử cung đã lớn hơn hẳn so với lúc trước, đồng thời có rất nhiều thay đổi khác ở bên trong cơ thể mẹ. Mẹ bầu sẽ bắt đầu gặp phải các biểu hiện như:

  • Chu kỳ kinh nguyệt dừng lại (mất kinh) do nồng độ các nội tiết tố estrogen và progesterone tăng lên, đây là dấu hiệu kinh điển nhất của việc có thai. 
  • Các triệu chứng ốm nghén sẽ tăng lên như buồn nôn hoặc nôn, thèm ăn hoặc chán ăn, mẫn cảm với mùi vị.
  • Đầy hơi, cảm thấy người căng cơ, bụng dưới hơi khó chịu hoặc đau nhói một chút. 
  • Thay đổi kích thước vú, bầu vú căng cứng, đầu vú căng đau. 
  • Thường xuyên táo bón. 
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tăng tiết dịch âm đạo, có thể chảy một chút máu những chỉ lấm tấm đốm nhỏ chứ không nhiều như hành kinh. 
  • Thay đổi tâm trạng, bồn chồn, khó chịu, uể oải và buồn ngủ
  • Những vấn đề về da dẻ như da khô, nổi mụn
bầu 2 tháng
Đến tháng thứ hai, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những biểu hiện rõ rệt của việc mang thai như ốm nghén, tắt kinh

Nếu như xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn có thể đến những cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra xét nghiệm nồng độ hCG trong máu hoặc siêu âm xem mình có đang mang thai hay không.

3. Chăm sóc mẹ bầu tháng thứ 2

Tháng thứ 2 vẫn là giai đoạn “nhạy cảm” mà mẹ bầu cần rất cẩn thận để giữ một thai kỳ an toàn. Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý sẽ giúp mẹ phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

3.1. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ mang thai tháng thứ 2

“Mang bầu 2 tháng nên ăn gì” là câu hỏi chung của được tất cả các mẹ bầu quan tâm. Trong tháng thứ 2 này, hệ thần kinh và xương của thai đang phát triển mạnh, vì vậy mẹ hãy ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm có chứa những vi chất sau: 

  • Chất sắt: giúp cấu tạo nên hồng cầu, cung cấp oxy cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời giúp đẩy lùi các triệu chứng ốm nghén, mệt mỏi ở tháng thứ 2 của thai kỳ. Việc hấp thụ sắt sẽ được tăng cường khi ăn các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, cà chua, dâu tây.
  • Acid folic: có vai trò ngăn ngừa và giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh. Nguồn cung cấp axit folic là các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, đậu…
  • Canxi: Đảm bảo cho sự hình thành và phát triển hệ xương của thai nhi. Ngoài ra, canxi còn hỗ trợ hệ cơ xương của mẹ thích nghi với những thay đổi do quá trình mang thai. Thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, trứng, cá ninh xương, rau xanh, ngũ cốc, v.v.
  • Vitamin D: có vai trò lớn trong việc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai kỳ như sự hình thành và phát triển của não bộ. Phụ nữ mang thai tháng thứ hai nên bổ sung vitamin D nguồn gốc từ động vật.
  • Chất xơ: bao gồm các loại rau củ trái cây. Khi mang thai, do sự tăng kích thước của tử cung và sự rối loạn của hệ tiêu hóa nên nhiều bà bầu thường gặp phải tình trạng táo bón. Vì vậy, phụ nữ mang thai thường được khuyên bổ sung nhiều chất xơ. 
dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ hai
Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu trong thai kỳ tháng thứ 2

3.2. Sinh hoạt của mẹ ở thai kỳ tháng thứ 2 

Khi mang bầu 2 tháng, biểu hiện ốm nghén bắt đầu xuất hiện khiến mẹ hay mệt mỏi, vì vậy mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức. Vận động hoặc tập thể dục nhẹ nhàng sẽ khiến tinh thần của mẹ thoải mái hơn. 

Tâm trạng của mẹ cũng hay thay đổi thất thường. Bố luôn ở bên cạnh săn sóc và động viên chân thành chính là động lực to lớn khiến giúp mẹ bớt khó chịu. 

Một số điều mẹ nên tránh:

  • Không tự dùng thuốc, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ và dược sĩ các loại thuốc được dùng trong thai kỳ. 
  • Không leo hoặc đi bộ lên cầu thang nhiều. 
  • Không xoa bụng, bởi nếu xoa bụng không đúng cách sẽ gây co bóp tử cung dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
  • Không mang vác vật nặng
  • Cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
  • Hạn chế thực phẩm chua như dưa chuột muối, măng chua, cà muối chua.
  • Hạn chế đi giày cao gót, có thể đi dép có độ bám tốt. 

4. Các lưu ý để mẹ bầu có thai kỳ tháng thứ 2 an toàn

4.1. Kiểm tra sức khỏe thai sản đúng lịch

Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên đi khám ngay từ tháng thứ 2 (thường là vào tuần thứ 8) để nhận được lời khuyên của bác sĩ, bao gồm:

  • Siêu âm: kiểm tra vị trí của phôi thai và tuổi thai. Siêu âm thai cũng nhằm phát hiện nhanh chóng những bất thường như chửa ngoài tử cung…
  • Xét nghiệm máu tìm nội tiết tố Hcg: được thực hiện trong trường hợp siêu âm không thấy rõ túi thai hoặc siêu âm thấy thai bất thường.
  • Đo chiều cao cân nặng và tính chỉ số BMI của mẹ: Đây là chỉ số cho biết thể trạng của mẹ, nếu có bất thường bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
  • Kiểm tra các chỉ số sinh tồn: Nhiệt độ, mạch, nhịp thở, huyết áp. Nếu huyết áp bị cao, bác sĩ sẽ đưa ra bước để ngăn ngừa tiền sản giật.
  • Thực hiện xét nghiệm máu để tầm soát một số bệnh như: sởi, thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV / AIDS, yếu tố Rh, nhóm máu, …

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ cách bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết trong thai kỳ, tư vấn lối sống, gợi ý các loại thuốc và thực phẩm nên tránh trong thời gian mang thai tháng thứ 2,…

hình ảnh siêu âm tháng thứ 2
Mẹ hãy đi khám thai định kỳ 

4.2. Một số dấu hiệu bất thường nên đi khám ngay

Mẹ nên đi khám ngay nếu thấy một số dấu hiệu như: đau dữ dội ở bụng hoặc lưng, sốt, chảy nhiều máu ướt quần lót, đau đầu dữ dội, tiểu buốt tiểu rắt (dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu). 

Khi mang thai tháng thứ 2, ốm nghén thông thường không gây nguy hiểm đến thai nhi. Tuy nhiên, ốm nghén quá nặng dẫn đến tình trạng mất nước, suy nhược cơ thể cũng cần được thăm khám bởi bác sĩ để có hướng giải quyết. 

Nhìn chung, khi mang thai tháng thứ 2, mẹ đã nhận biết được sự tồn tại của thai nhi trong cơ thể mình, mẹ hãy chú ý sinh hoạt điều độ, giữ tinh thần lạc quan thoải mái để vượt qua giai đoạn ốm nghén khó khăn này nhé!

>> Đọc tiếp: Mang thai tháng thứ 3: Mẹ bầu thay đổi như thế nào?