Thai 38 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Ở giai đoạn thai 38 tuần, ngày sinh của mẹ đã cận kề. Một số mẹ bầu có thể chuyển dạ ngay trong tuần này. Cùng xem một vài lời khuyên để chuẩn bị thật tốt cho lần "vượt cạn" sắp đến mẹ nhé! 

 

1. Dấu hiệu thai 38 tuần khỏe mạnh

Thai 38 tuần gần cuối của tháng thứ 9, thai nhi đã có mức độ phát triển tương đối hoàn thiện. Nếu sinh con trong tuần này, mẹ yên tâm là bé đã đủ tháng (không phải sinh non) rồi nhé.

1.1. Kích thước và cân nặng thai 38 tuần

Chỉ số trung bình của thai 38 tuần như sau

  • Kích thước: Dài khoảng 49,8 cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Khoảng 3 kg

kích thước thai 38 tuần

Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi đang như 1 cây hành baro trong bụng của mẹ.

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Ở tuần 38, thai nhi đã phát triển các bộ phận gần đạt đến hoàn thiện.

  • Da: Lông tơ của thai nhi hầu như đã rụng hết, giờ đây thai nhi đã có làn da mịn màng, mềm mại nhờ lớp mỡ được hình thành dầy lên dưới da.
  • Móng tay và móng chân: Đã hình thành đầy đủ, có nhiều thai nhi khi mới chào đời đã có móng tay, móng chân dài và phải cắt.
  • Hệ tuần hoàn và hô hấp: Vào tuần này phổi, tim của thai nhi đã phát triển gần như là hoàn chỉnh 
  • Não: đang phát triển rất mạnh mẽ, các nếp nhăn hình thành khá nhiều giúp tăng thêm diện tích bề mặt cho các tế bào thần kinh
  • Mắt: đã có khả năng nhận biết ánh sáng tốt, tuy nhiên sắc tố của tròng mắt thai nhi chưa ổn định. Sau khi thai ra đời khoảng 1 năm thì mẹ mới biết được màu mắt của thai nhi là màu gì.
  • Các bộ phận khác:
    • Các dây thanh âm đã phát triển, thai nhi có thể sẵn sàng cho việc cất tiếng khóc khi chào đời
    • Các khớp có thể cử động linh hoạt, thai nhi có thể tự cầm nắm các bộ phận trên cơ thể
    • Phân su tiếp tục hình thành trong ruột thai nhi từ những thứ thai nhi nuốt vào như: nước ối, lông tơ…
Hình ảnh thai 38 tuần
Hình ảnh 3D thai 38 tuần

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Tuy rằng thai nhi sẽ chuyển động trong bụng mẹ đến khi chào đời, nhưng trong tam cá nguyệt  thứ 3 thai nhi đã ít chỗ để “tung tăng” hơn do kích thước lớn hơn rất nhiều.

Chuyển động của thai nhi mà mẹ bầu cảm nhận rõ ràng nhất trong giai đoạn này là những cú duỗi chân, đạp nhẹ vào thành bụng và ngọ nguậy trong giới hạn tử cung. Những chuyển động này có thể ít hơn so với trước đây, vì vậy bạn có thể phải chú ý nhiều hơn trong các phiên đếm số lần đá.

2. Những thay đổi của mẹ bầu tuần 38

Bước vào giai đoạn thai 38 tuần, ngoài những thay đổi về cân nặng, làn da, chuột rút…mẹ bầu còn gặp những thay đổi như:

2.1. Thay đổi về thể chất

  • Phù nề ở chân
    • Nguyên nhân: Do cơ thể người mẹ trữ chất lỏng trong cơ thể nhiều gây ra tình trạng phù nề ở chân, đặc biệt bị nặng ở mắt cá chân. 
    • Giải pháp: Mẹ bầu có thể sử dụng vớ y khoa để giảm bớt tình trạng trên
  • Bầu ngực: phát triển lớn và núm vú to hơn, sẫm màu hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho quá trình cho bú khi thai nhi chào đời.

2.2. Các vấn đề thường gặp

  • Đi tiểu thường xuyên hơn: Mẹ bầu đã gặp tình trạng này trong suốt thai kỳ nhưng càng đến gần ngày sinh, khoảng thời gian giữa những lần đi tiểu sẽ càng ngắn.
    • Nguyên nhân: Thai nhi tụt sâu xuống vùng xương chậu gây chèn ép nhiều hơn lên bàng quang.
    • Giải pháp: Mẹ hãy đổi phòng ngủ đến nơi gần nhà vệ sinh nhất, hoặc để sẵn một chiếc bô có nắp đậy ở trong phòng nhé.
  • Rỉ sữa non: Bước vào giai đoạn thai 38 tuần mẹ bầu bắt đầu rò rỉ sữa non và bầu ngực phát triển to hơn
    • Nguyên nhân: Cơ thể đang chuẩn bị cho việc tạo sữa ngay sau khi em bé sinh ra.
    • Giải pháp: Mẹ có thể mang theo khăn mùi xoa hoặc giấy mềm theo người để lau bớt nếu sữa non tiết ra quá nhiều gây bất tiện nhé.
  • Tiêu chảy: Mẹ bầu có thể gặp tình trạng này thường xuyên ở những tuần cuối
    • Nguyên nhân: Nhu động ruột trở nên lỏng lẻo và mềm mại hơn, các cơ trong tử cung giãn ra để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn
    • Giải pháp: Mẹ nên uống nhiều nước, hạn chế những thực phẩm khó tiêu và không nên ăn quá no.
Vị trí thai 38 tuần
Vị trí thai 38 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 38

Vào giai đoạn thai 38 tuần này, ngày chuyển dạ của mẹ đang đến gần, mẹ hãy chú ý tới khám thai đúng kỳ, duy trì dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt lành mạnh để thai nhi ra đời khỏe mạnh nhé.

3.1. Siêu âm thai 38 tuần

Gần ngày sinh, mỗi tuần mẹ cần đi siêu âm thai 1 lần kiểm tra tình trạng thai.

Khi siêu âm thai trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá sau:

  • Đo kích thước, cân nặng của thai, chu vi vòng đầu
  • Kiểm tra ngôi thai
  • Đánh giá các bất thường của thai nhi mà chưa phát hiện được ở các lần siêu âm trước, tuy nhiên tỉ lệ dị tật khởi phát muộn trong giai đoạn này khá thấp, chỉ khoảng 0.5% – 0.7%
  • Dự đoán nguy cơ tiền sản giật hoặc tử cung chậm tăng trưởng

Dựa trên những đánh giá này, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp cho mẹ để sinh con thuận lợi hơn. Ví dụ, nếu thai có chu vi vòng đầu quá lớn mà xương chậu của mẹ hẹp thì bác sĩ sẽ thường chỉ định sinh mổ.

siêu âm thai tuần 38
Hình ảnh siêu âm thai tuần 38

3.2. Chế độ dinh dưỡng

  • Dựa trên tình hình của mẹ bầu, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, mẹ bầu nên tuyệt đối tuân thủ.
  • Cần chú ý tăng cười những thực phẩm giàu chất xơ như (trái cây, các loại rau quả tươi..), thực phẩm giàu chất sắt như (thịt gà, cá hồi, lòng đỏ trứng…)
  • Nói không với đồ ăn sống, rượu, bia và đồ uống chứa caffein
  • Mẹ cũng nên hạn chế các thực phẩm khó tiêu, chẳng hạn như đồ chiên rán, đồ chế biến sẵn…

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Vào thời gian này, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, vì vậy hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và giữ cho tinh thần thoải mái nhé.
  • Tập những tập nhẹ nhàng dành cho bà bầu để tăng cường lưu thông máu
  • Lựa chọn những bộ trang phục rộng rãi, thoáng mats
  • Theo dõi sự chuyển động của thai nhi hằng ngày
  • Theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ 

4. Dấu hiệu sinh con ở tuần 38

Đây là thời gian nhạy cảm vì mẹ có thể sinh bất cứ lúc nào, nên nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ dưới đây mẹ hãy liên hệ tới ngay cơ  sở y tế gần nhất.

  • Tử cung giãn nở
  • Xuất hiện những cơn co thắt tử cung xuất hiện với tần suất liên tục, đi kèm với đó là những cơn đau xuất hiện 5-10p/lần
  • Vỡ ối

Ngoài ra mẹ cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Thai nhi không chuyển động
  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Nôn mửa, đau bụng dữ dội
  • Khó đi tiểu hoặc đi tiểu đau
  • Chảy máu âm đạo

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 38 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu.