Thai 33 tuần phát triển thế nào và lời khuyên dành cho mẹ bầu

Thời điểm thai 33 tuần chỉ còn cách vài tuần ngắn ngủi nữa trước khi bé chào đời. Mẹ sẽ cảm thấy cơ thể ngày một “nặng nề” hơn đó là do em bé đang lớn dần từng ngày. Vậy ở thời điểm này mẹ cần lưu tâm những điều gì? Cùng tìm hiểu nhé

 

1. Dấu hiệu thai 33 tuần phát triển khoẻ mạnh

Tuần 33 thuộc tháng thai kỳ thứ 8, thời điểm em bé chào đời đã rất gần.

1.1. Kích thước và cân nặng thai 33 tuần

Chỉ số trung bình của thai tuần 33 như sau:

  • Kích thước: Dài khoảng 43.7 cm, gần sát với chiều dài khi em bé chào đời
  • Cân nặng: Nặng khoảng 1.9 kg

Thai 33 tuần tiếp tục phát triển về cân nặng, mỗi tuần tăng khoảng 200g. Trong khi đó, chiều dài của cơ thể sẽ chỉ tăng khoảng 1cm/tuần cho đến khi chào đời.

Mẹ có thể hình dung bé con ở tuần thứ 33 có tương đương với một quả dứa trong bụng mẹ.

kích thuớc và cân nặng thai 33 tuần

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

  • Làn da  trở nên mịn màng hơn, các nếp nhăn và ửng đỏ đã biến mất, thay vào đó là làn da mềm mại để chuẩn bị cho con chào đời. 
  • Hộp sọ linh hoạt tạo không gian cho não phát triển. Tuy nhiên, các xương trong hộp sọ của bé sẽ không hoàn toàn hợp nhất với nhau trong vài năm đầu đời, sẽ có những điểm mềm cho não và các mô khác tiếp tục phát triển. 
  • Thị giác của em bé đã hoàn toàn phát triển, bé có thể nhìn, với đôi mắt có thể co lại, mở rộng và phát hiện ánh sáng.
  • Hệ thống khung xương của em bé trở nên cứng cáp hơn mỗi ngày.
  • Hệ thống miễn dịch độc lập đang phát triển nhanh chóng, “chạy nước rút” đến ngày em bé chào đời. Tuy nhiên ở thời điểm thai 33 tuần, thai vẫn đang phụ thuộc vào các kháng thể mà mẹ cung cấp qua nhau thai.
hình ảnh thai 33 tuần
Hình ảnh thai nhi 33 tuần

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Trong những tuần cuối cùng của thai kỳ, mẹ ít cảm nhận được những động tác nhào lộn hay cuộn tròn của em bé. Lý do đơn giản là bé con đang lớn lên từng ngày trở nên vừa khít với khoảng không gian trong bụng mẹ.

Sau khi em bé chuyển sang tư thế đầu cúi xuống để chuẩn bị chào đời, mẹ có cảm thấy những chuyển động ở các vị trí mới, chẳng hạn như bên dưới xương sườn.

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 33

Ở những tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ cần chú ý những thay đổi của cơ thể như sau: 

  • Khó ngủ, đau lưng: 
    • Nguyên nhân: Bụng mẹ ngày càng to và cơ thể mẹ có thể bị đau do trọng lượng tăng thêm, dây chằng bị giãn và sưng tấy. Ngoài ra cảm giác lo lắng, bồn chồn vì sắp đến ngày sinh nở cũng làm mẹ khó ngủ hơn.
    • Giải pháp: Mẹ có thể tập một số bài thể dục nhẹ nhàng, lựa chọn một chiếc gối dành riêng cho bà bầu để có giấc ngủ ngon hơn
  • Khó thở:
    • Nguyên nhân: mẹ thường bị khó thở nhẹ vì tử cung đang phát triển gây áp lực lên cơ hoành và đẩy lên phổi. Nếu huyết áp của mẹ cao hơn bình thường hoặc nếu mẹ có quá nhiều nước ối , điều này cũng có thể gây khó thở.
    • Giải pháp: Mẹ nên tập yoga hoặc một vài bài thể dục nhẹ nhàng để duy trì một thể chất khỏe mạnh, hạn chế tình trạng khó thở. Ngoài ra, mẹ có thể uống nước ấm, ngâm chân thảo dược,… vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ để dễ ngủ hơn.
  • Đi vệ sinh thường xuyên hơn
    • Nguyên nhân: Đây là triệu chứng thường gặp trong tam cá nguyệt thứ ba, khi tử cung đang phát triển chèn ép bàng quang của mẹ.
    • Giải pháp: Mẹ hạn chế uống nước khi đến giờ đi ngủ. Ngoài ra, bỏ qua cà phê và soda có thể giúp mẹ giảm nhu cầu đi tiểu.
  • Hay quên, tâm trạng thất thường
    • Nguyên nhân: Hàm lượng hormon sinh dục nữ tăng cao vào giai đoạn cuối thai kỳ, ảnh hưởng đến các nơ ron thần kinh của não
    • Giải pháp: Mẹ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách: đặt báo thức làm lời nhắc, ghi chú để ghi nhớ những thông tin quan trọng. Quan trọng vẫn là nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Vị trí thai 33 tuần
Vị trí thai 33 tuần trong bụng mẹ

Đây là khoảng thời gian “nặng nề” mà mẹ bầu nào cũng gặp phải, mẹ hãy cố gắng thích nghi với từng thay đổi của cơ thể, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống giữ tinh thần lạc quan vui vẻ để chuẩn bị đón bé con chào đời nhé. 

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 33

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và quá trình phát triển của em bé, nhất là ở giai đoạn thai 33 tuần.

3.1. Siêu âm tuần 33

  • Nếu đã khám thai ở tuần 32 và không có dấu hiệu bất thường nào, mẹ có thể không cần đi siêu âm ở tuần 33.
  • Nếu chưa khám thai ở tuần 32, mẹ bắt buộc phải đi khám vào tuần 33 này nhé. Các bác sĩ sẽ kiểm tra dị tật thai lần cuối cùng, xem xét ngôi thai và dự đoán ngày dự sinh. Ngoài ra, mũi uốn ván thứ 2 sẽ được tiêm trong lần khám thai này.
Hình ảnh siêu âm thai 33 tuần

3.2. Dinh dưỡng

  • Bổ sung các thực giàu  axit béo omega-3; canxi như: cá, các loại thịt đỏ, rau xanh, hoa quả (cam, chuối,…), sữa và các sản phẩm từ sữa. 
  • Mẹ cần tránh tuyệt đối các chất kích thích, caffeine, các loại cá chưa thủy ngân (cá thu, cá kiếm); thực phẩm đông lạnh, gan, đồ chiên rán nhiều giàu mỡ, chất béo,…

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Nghỉ ngơi điều độ, hạn chế tuyệt đối các công việc nặng
  • Vận động và tập thể dục thường xuyên nhưng chỉ với các hoạt động nhẹ nhàng
  • Theo dõi cử động đạp của thai nhi hằng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế suy nghĩ tiêu cực
  • Một số công việc bố mẹ cần làm trong tuần 33 này:
    • Lựa chọn bệnh viện dự sinh và đặt lịch trước
    • Sắp xếp lại công việc, chuẩn bị cho kì nghỉ thai sản trọn vẹn bên con. 
    • Chuẩn bị mua sắm các đồ dùng cần thiết cho em bé

3.4 Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Còn khoảng 6 – 7 tuần nữa mới là thời điểm lý tưởng để em bé chào đời. Tuy nhiên từ thai 33 tuần trở đi mẹ cần đặc biệt lưu ý đến từng thay đổi nhỏ trong cơ thể. Rất có thể các cơn co thắt kéo dài là triệu chứng của việc chuyển dạ sớm: 

  • Chảy máu âm đạo, hay các thay đổi của âm đạo như bị chảy nước, trông giống như chất nhầy hoặc có máu (ngay cả khi nó chỉ có màu hồng)
  • Vỡ ối 
  • Các cơn co thắt liên tục. 
  • Đau bụng, đau thắt lưng hoặc chuột rút liên tục, không dứt

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 33 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.