Thai 32 tuần phát triển thế nào và lời khuyên dành cho mẹ bầu

Thai 32 tuần đánh dấu em bé của bạn đã có 8 tháng ở trong bụng mẹ. Bé đang tiếp tục phát triển một cách toàn diện để sẵn sàng chào đời. Trong giai đoạn nước rút này, mẹ cần lưu ý các vấn đề sau

 

1. Dấu hiệu thai 32 tuần phát triển khoẻ mạnh

1.1. Kích thước và cân nặng thai 32 tuần

Chỉ số trung bình của thai 32 tuần như sau:

  • Kích thước: Dài khoảng 42.4cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Nặng khoảng 1,7 kg

Ở nửa đầu tháng thứ 8, thai nhi tăng khoảng 200g mỗi tuần. Mẹ có thể hình dung thai 32 tuần như một củ đậu lớn trong bụng mẹ.

kích thước và cân nặng thai 32 tuần

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Ở thời điểm 32 tuần, em bé sẽ tiếp tục hoàn thiện các bộ phận trong cơ thể. Phần lớn cơ thể nhỏ bé đã sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, nhưng vẫn cần thêm chút thời gian nữa để đạt để sự phát triển toàn diện và trọn vẹn nhất. 

  • Ngoại hình: Bé đã có móng tay, móng chân và đang mọc dài cho đến khi bé chào đời. Nếu mẹ để ý kỹ khi siêu âm đã có thể nhìn thấy tóc của con cả về màu sắc và kết cấu tóc. 
  • Phổi: tiếp tục phát triển và dần hoàn thiện, thai 32 tuần cũng được gọi là giai đoạn em bé tập thở. Mẹ có thể theo dõi thông qua nhịp lên xuống ở bụng bầu. 
  • Hệ thống khung xương của thai nhi đã được hình thành đầy đủ, tuy nhiên xương lúc này vẫn còn khá mềm. 
  • Thị giác đã phát triển nhiều hơn. Ở trong bụng mẹ, bé con bắt đầu nhắm, mở mắt, thi thoảng còn nheo mắt, luyện tập điều tiết mắt. Mắt của bé trở nên tập trung hơn, khi mẹ tiếp xúc với ánh sáng mạnh bé đã có thể che mắt, tự tránh đi.
  • Cơ quan sinh dục của bé đang hoàn thiện dần. Nếu là bé trai tinh hoàn đã đi xuống bìu. Còn với bé gái, tử cung và buồng trứng cũng đã ở đúng vị trí của nó.
hình ảnh thai 32 tuần
Hình ảnh thai 32 tuần tuổi

Khi được 32 tuần, cơ thể của em bé cũng bắt đầu tích trữ các loại khoáng chất quan trọng (như sắt, canxi, phốt pho), trong đó lượng dự trữ sắt sẽ được sử dụng trong 6 tháng đầu đời của bé cho đến khi em bé làm quen với ăn dặm. 

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Em bé của mẹ bây giờ đã lớn hơn rất nhiều, không gian trong bụng mẹ trở nên chật hẹp hơn, do đó em bé ít có các cử động mạnh hơn, hay phải cuộn tròn người lại.. Mẹ vẫn cần thường xuyên theo dõi và cảm nhận từng cử động của bé. Nếu em bé ngừng cử động trong một thời gian dài, mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Thai 32 tuần là thời điểm em bé quay đầu xuống dưới để sẵn sàng chào đời trong một vài tuần sắp tới. Nếu trong 4 – 5 tuần nữa mà em bé vẫn chưa quay đầu, bác sĩ theo dõi sẽ đưa ra cho mẹ những lời khuyên trong các lần thăm khám và đưa ra phương pháp tối ưu để đón em bé chào đời.

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 32

Ở những tháng cuối cùng của thai kì, đặc biệt là khi thai 32 tuần với cân nặng tăng nhanh chóng, mẹ cần chú ý những thay đổi của cơ thể nhé!

2.1. Thay đổi về thể chất

  • Rạn da đi kèm với cảm giác ngứa nhẹ
    • Nguyên nhân: Em bé và tử cung tăng kích thước mỗi ngày khiến làn da đang căng ra nhanh chóng để theo kịp. Ngoài ra, tăng cân nhanh chóng, mang đa thai , mang thai lớn và thừa nước ối cũng có thể làm tăng khả năng bị rạn da.
    • Giải pháp: Mẹ có thể sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm, kem trị rạn da, thay đổi chế độ ăn uống để tăng cân ở mức hợp lý khi mang thai. 
  • Phù nề (Sưng) tay và mặt
    • Nguyên nhân: Cơ thể sản sinh nhiều máu và thể dịch hơn để đáp ứng nhu cầu của thai nhi, vì vậy gây ra hiện tượng sưng phù ở tay, chân hay mặt. Một số mẹ bầu mắc tình trạng này nghiêm trọng hơn do thiếu kali hoặc do công việc thường xuyên phải đứng lâu.
    • Giải pháp: Tập thể dục mỗi ngày, uống nhiều nước để loại bỏ các natri dư thừa. Khi mẹ đi ngủ vào ban đêm, hãy ngủ nghiêng về bên trái và gác chân lên một chiếc gối kê, điều này có thể giúp giảm phù nề.

2.2. Các vấn đề phát sinh

  • Cơn đau nhói ở vùng xương chậu
    • Nguyên nhân:  Do áp lực từ em bé đang lớn lên mỗi ngày. Trong tam cá nguyệt thứ ba, em bé đang dần tụt xuống khung xương chậu của mẹ và điều này gây áp lực lên cổ tử cung và các dây thần kinh xung quanh phần dưới của tử cung.
    • Giải pháp: Mẹ có thể tập các bài thể dục đơn giản, yoga để giảm bớt các cơn đau ở vùng xương chậu.
  • Thay đổi khẩu vị
    • Nguyên nhân: Em bé ngày càng lớn chèn ép các cơ quan nội tạng của mẹ, với không gian hẹp hơn, mẹ có thể sẽ cảm thấy những bữa ăn lớn khó tiêu hóa hơn, ít cảm giác thèm ăn.
    • Giải pháp: Mẹ hãy thử ăn chia nhỏ các bữa ăn và hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn để tập trung cho bữa chính tươi ngon.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng sẽ gặp các vấn đề như táo bón, ợ hơi, đau lưng và khó ngủ như đã giới thiệu ở tuần trước đó, tuy nhiên, cảm giác sẽ nặng nề hơn.

Dù sẽ có nhiều khó chịu và mệt mỏi ở 3 tháng cuối thai kỳ, nhưng mẹ cũng không nên quá lo lắng. Ở những tuần cuối cùng con ngày càng lớn hơn và không quen với không gian chật chội trong bụng. Con chỉ là đang mong đến ngày được đón ra với bố mẹ mà thôi. 

vị trí thai 32 tuần trong bụng mẹ
Vị trí của thai 32 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 32

Bước vào thai 32  tuần ngoài việc đi khám thai định kỳ theo lịch của Bác sĩ, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình, nhất là các dấu hiệu sinh non và chuyển dạ sớm.  

3.1. Siêu âm thai tuần 32

Tuần 32 đến 36 là mốc siêu âm quan trọng để chuẩn bị cho giai đoạn vượt cạn. Nếu sắp xếp được thời gian, mẹ bầu có thể đi khám thai ngay trong tuần 32 này nhé.

Khi siêu âm thai tuần 32, bác sĩ sẽ đánh giá:

  • Sự tăng trưởng của thai nhi
  • Kiểm tra ngôi thai và vị trí thai
  • Dị tật khởi phát muộn

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để dự phòng tiểu đường thai kỳ hoặc bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào khác.

Siêu âm thai 32 tuần
Hình ảnh siêu âm thai 32 tuần

3.2 Dinh dưỡng

  • Uống 1,5 – 2l hàng ngày để đảm bảo thai nhi có đủ nước ối
  • Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, đa dạng các nhóm chất. Trong đó lưu ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu đạm, chất xơ, sắt, canxi và axit folic. 
  • Sử dụng viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Rượu, bia, các chất kích thích, caffeine là điều mẹ tuyệt đối phải tránh và ngưng sử dụng trong suốt thời kì này.

3.3 Chế độ sinh hoạt

  • Mẹ hãy dành thời gian tập các bài thể dục, yoga dành riêng cho bà bầu. Hay đơn giản chỉ là đi bộ và tập hít thở nhẹ nhàng. 
  • Bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn bệnh viện dự sinh
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế suy nghĩ tiêu cực
  • Sắp xếp lại công việc, chuẩn bị cho kì nghỉ thai sản trọn vẹn bên con. 
  • Tham khảo các nguồn thông tin để chuẩn bị mua sắm các đồ dùng cần thiết cho em bé
  • Gặp bác sĩ theo lịch khám định kỳ, giữ liên lạc với bác sĩ khi có những triệu chứng sinh non, chuyển dạ sớm. 

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Thai 32 tuần trở đi, mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ trong cơ thể. Rất có thể các cơn co thắt kéo dài là triệu chứng của việc chuyển dạ sớm: 

  • Chảy máu âm đạo, hay các thay đổi của âm đạo như bị chảy nước, trông giống như chất nhầy hoặc có máu (ngay cả khi nó chỉ có màu hồng)
  • Sốt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
  • Các cơn co thắt liên tục. 
  • Đau bụng, đau thắt lưng hoặc chuột rút giống như đau bụng kinh nguyệt. 

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 32 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.