Thai 31 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Thời điểm thai 31 tuần nằm trong tam cá nguyệt thứ ba. Lúc này, tử cung của mẹ có kích thước khá lớn và sẽ có tác động lên các bộ phận khác, mẹ nên đặc biệt lưu ý những biểu hiện dù là nhỏ nhất và bắt đầu lên kế hoạch để đón em bé chào đời.

1. Dấu hiệu thai 31 tuần phát triển khoẻ mạnh

Thai 31 tuần thuộc giai đoạn tháng thứ 8, chỉ còn 9-10 tuần nữa là em bé chào đời. Lúc này, bé phát triển rất nhanh cả về cân nặng và chiều dài cơ thế. Hệ thần kinh, não bộ cũng phát triển nhanh chóng để thích nghi được với cuộc sống sau khi chào đời. 

1.1. Kích thước và cân nặng thai 31 tuần

Chỉ số trung bình của thai 31 tuần như sau:

  • Kích thước: Dài khoảng 41,8 cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Nặng khoảng 1,75 kg

kích thước thai 31 tuần

Từ tuần này đến khoảng tuần 33, cân nặng của thai nhi có thể tăng khoảng 200g mỗi tuần, gấp đôi giai đoạn trước đó. Mẹ có thể hình dung thì hiện tại em bé có kích thước bằng một quả dừa trong bụng của mẹ.

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Tại thời điểm thai 31 tuần em bé đang dài ra và nặng hơn theo từng ngày, mẹ hãy sẵn sàng chờ đón những thay đổi của con qua mỗi lần khám cùng bác sĩ trong những tuần tới. Dấu mốc về sự hoàn thiện các bộ phận trong cơ thể bé nằm ở trong chính giai đoạn này.

hình ảnh thai nhi 31 tuần
Hình ảnh thai nhi 31 tuần
  • Ngoại hình: Lớp lông tơ sẽ rụng dần thay vào đó là một lớp lông mịn bao phủ toàn bộ cơ thể em bé, tóc sẽ mọc nhiều hơn. Các nếp nhăn cũng mờ dần, em bé của bạn ngày càng bụ bẫm hơn;
  • Tay và chân của em bé phát triển nhanh về chiều dài, em bé cũng bắt đầu có móng chân và móng tay;
  • Bàng quan đã phát triển có thể có nước tiểu của bé ở trong nước ối;
  • Tuỷ xương phát triển và các tế bào hồng cầu được sản sinh ngày càng nhiều. 
  • Não bộ: sự phát triển não bộ của em bé bắt đầu tăng tốc, trọng lượng não có thể tăng gấp ba lần trong tam cá nguyệt cuối cùng này. Ngoài ra, não cũng hình thành các rãnh sâu cung cấp thêm diện tích bề mặt mà không chiếm thêm không gian trong hộp sọ.
  • Các giác quan được hoàn thiện nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của các tế bào thần kinh. 

– Mắt (thị giác): Mắt của bé dần trở nên hoàn thiện, bé có thể nhận ra một số hình dạng mờ nhạt

– Thính giác (tai): Em bé có thể nhận biết âm thanh tốt, mẹ có thể cảm nhận rất rõ thông qua các phản ứng đạp, cử động của bé khi mẹ trò chuyện.

1.3. Cử động đạp của thai 31 tuần

  • Sự phát triển gần như hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể và hệ thần kinh của em bé khiến em bé trở nên nghịch ngợm hơn trong bụng mẹ. Tần suất cử động cư đạp, di chuyển của em bé sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Mẹ sẽ là người cảm nhận rõ nhất và đôi khi sẽ thấy hơi mệt mỏi, khó chịu và mất ngủ.
  • Cùng với đó, lịch trình ngủ và thức của em bé vẫn diễn ra đều đặn. Cách đơn giản để nhận biết khi bé đang thức là bé sẽ di chuyển, đạp vào thành bụng mẹ, còn bé không có phản ứng nào tức là bé đang ngủ.

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 31

Khi thai được 31 tuần, không chỉ riêng thai nhi phát triển và thay đổi, mẹ cũng sẽ cảm nhận được những thay đổi đặc biệt của cơ thể trong giai đoạn thai kì cuối cùng này:

  • Bụng mẹ nhô to khiến mẹ gặp nhiều khó khăn hơn trong di chuyển, sinh hoạt.
    • Nguyên nhân: Do thai nhi phát triển, kích thước tử cung tăng lên
    • Giải pháp: Chọn quần áo thoải mái, tránh phần nếp gấp ở eo gây khó chịu; đi lại nhẹ nhàng và tránh các loại giầy dép dễ trơn trượt.
  • Cơn gò sinh lí Braxton Hicks: Cơn gò sinh lý Braxton Hicks (hay cơn co thắt giả) thường kéo dài khoảng 30s, không đau nhưng đi kèm với cảm giác căng tức vùng bụng dưới
    • Nguyên nhân: cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho quá trình sinh con. Mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường
    • Giải pháp: Tập thở sâu, thư giãn và ngồi xuống nghỉ ngơi khi cơn gò xuất hiện. Đồng thời, mẹ hãy tìm hiểu về các cơn gò này để phân biệt với cơn đau sinh thật sự, kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu nguy hiểm.
  • Đi tiểu nhiều lần:
    • Nguyên nhân: tử cung mở rộng gây áp lực lên bàng quang, khiến cho dung tích bàng quang giảm và cảm giác tiểu xuất hiện nhanh hơn.
    • Giải pháp: không kiềm chế đi tiểu, hạn chế uống nước vào buổi tối để giảm đi tiểu đêm, tăng cường vệ sinh cá nhân để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Sữa non tiết ra từ vú: Một số mẹ bầu có thể phát hiện ngực của mình bắt đầu rỉ sữa non, một chất lỏng màu vàng nhạt và đặc sệt. 
    • Nguyên nhân: do sự chuyển đổi của cơ thể mẹ từ giai đoạn mang thai sang chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ
    • Giải pháp: mẹ có thể sử dụng miếng lót ngực để thấm hút sữa non, giúp giữ cho ngực và áo ngực luôn khô ráo; Vệ sinh ngực thường xuyên và nhẹ nhàng, tránh gây kích ứng hay làm tổn thương vùng da quanh núm vú; nhẹ nhàng mát-xa vùng ngực để giảm căng và đau.
  • Các thay đổi khác mà mẹ từng gặp ở các tuần trước như khó thở, giãn tĩnh mạch, rạn da, táo bón, ợ chua thì nay sẽ gây khó chịu hơn do kích thước của thai nhi ngày càng lớn.

Vị trí thai 31 tuần trong bụng mẹ

Dù sẽ có nhiều khó chịu và mệt mỏi ở 3 tháng cuối thai kỳ, nhưng mẹ cũng không nên quá lo lắng nhé. 

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 31

Bước vào giai đoạn thai 31 tuần, ngoài việc đi khám thai định kỳ theo lịch của Bác sĩ, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình để thai nhi được phát triển một cách toàn diện nhất mẹ nhé!

3.1. Khám thai tuần 31

Mốc 28-32 tuần là thời gian khám thai quan trọng để các bác sĩ phát hiện các dị tật hình thành muộn (như nhiễm trùng bào thai, tắc ruột, giãn não thất…)

Vì vậy nếu mẹ chưa đi khám ở tuần 28-30 thì nên sắp xếp lịch để đi khám thai ngay trong tuần 31 này nhé.

Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

siêu âm thai tuần 31
Hình ảnh siêu âm thai tuần 31

3.2. Dinh dưỡng

  • Giữ thói quen ăn uống lành mạnh, nói không với các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều chất béo và mặn; các loại rượu, bia, caffein và các chất kích thích khác.
  • Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm sau giàu các chất sau:

Protein (có nhiều trong thịt, cá, trứng, đậu, hạt và sữa): một thành phần cần thiết để giúp phát triển cơ bắp và tế bào cho thai nhi, đặc biệt cần thiết trong giai đoạn thai tăng trưởng cân nặng với tốc độ rất nhanh.

Sắt (có nhiều trong các loại thịt đỏ, rau cải, hải sản,…) giúp hạn chế thiếu máu thai kỳ

Vitamin K (có nhiều trong súp lơ, bắp cải, kiwi, rau mùi,…). Đây là loại vitamin cần thiết cho đông máu, rất quan trọng để chuẩn bị cho quá trình đông máu.

Canxi (có nhiều trong trứng, sữa, cá hồi…). Ở tuần 31, thai tăng trưởng chiều dài tay, chân rất nhanh, vì vậy mẹ bầu cần được bổ sung đầy đủ canxi.

bầu 31 tuần nên ăn gì

  • Uống nhiều nước hàng ngày để đảm bảo lượng nước ối trong mức cho phép

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Mẹ hãy dành thời gian tập các bài thể dục, yoga dành riêng cho bà bầu. Các bài tập giãn cơ, mở xương chậu, tăng cơ bụng sẽ giúp mẹ chuẩn bị tốt hơn cho kỳ sinh nở. Tuy nhiên mẹ cần được hướng dẫn tập bởi các chuyên gia nhé. 
  • Nếu có điều kiện, cả bố và mẹ nên đăng kí tham gia một số lớp học tiền sản để có thêm các kiến thức chăm sóc em bé trước và sau khi con chào đời. 
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế suy nghĩ tiêu cực
  • Mẹ cũng có thể bắt đầu lên danh sách những đồ dùng cần mua sắm cho em bé, sắp xếp và trao đổi lại công việc để chuẩn bị bước vào kì nghỉ thai sản.
  • Theo dõi những triệu chứng của cơ thể và cử động đạp của thai nhi, nếu có bất thường xảy ra hãy lập tức tái khám ngay.

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Từ tuần thứ 37 – 40 là thời điểm lí tưởng để các cơn chuyển dạ có thể xảy ra. Trước thời gian này nếu có bất kì dấu hiệu chuyển dạ nào sẽ đều được coi là sinh non. Trong quá trình thai 31 tuần nếu mẹ có những biểu hiện bất thường sau, mẹ không được chủ quan mà hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ:

  • Đau bụng dữ dội và có thể ra máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường 
  • Hoa mắt chóng mặt;
  • Đau lưng âm ỉ;
  • Em bé cử động ít hoặc ngừng cử động trong thời gian dài;
  • Xuất hiện cơn co tử cung liên tục trong thời gian dài và có thể vỡ ối.

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 31 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.