Thai 27 tuần phát triển thế nào và lời khuyên dành cho mẹ bầu

Bước sang giai đoạn thai 27 tuần, mẹ chính thức bắt đầu tam cá nguyệt thứ 3, và cũng là tam cá nguyệt cuối cùng. Thời điểm này thai nhi có nhiều thay đổi về ngoại hình và những phát triển bên trong cơ thể, mẹ cùng đón xem bài viết để biết được nên làm gì vào tuần này nhé.

1. Dấu hiệu thai 27 tuần khoẻ mạnh

Tuần thai thứ 27 là tuần đầu tiên của tháng thứ 7. Mẹ đã “chia tay” giai đoạn 3 tháng giữa dễ chịu nhất và bước vào những tháng nước rút cuối cùng. Thời điểm này, tốc độ phát triển thể chất và chức năng các cơ quan của thai càng mạnh mẽ hơn.

1.1 Kích thước và cân nặng thai 27 tuần

Chỉ số của thai 27 tuần:

  • Kích thước: Dài khoảng 36,6 cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Nặng khoảng 875 gram

kích thước thai 27 tuần

Ở tuần này, bé con tiếp tục tăng đến 120gram khối lượng cơ thể.

Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi đang như 1 chiếc súp lơ trong bụng của mẹ.

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Ngoài kích thước và cân nặng, mẹ cùng xem thai 27 tuần bé sẽ có những thay đổi gì trong cơ thể nhé:

  • Phổi: tiếp tục hình thành các chất hoạt động bề mặt giúp thai nhi có thể hít thở sau khi sinh. Vì vậy, nếu mẹ bị sinh non ở tuần này, thai nhi vẫn có khả năng sống sót nhờ đã được hoàn thiện khả năng hít thở.
  • Da: Nếu như một vài tuần trước da của em bé còn nhăn nheo như quả táo tàu, nhưng bây giờ các nếp gấp của da đang được lấp đầy bởi các chất béo.
  • Mắt: Hiện tại mắt của thai nhi đã hình thành võng mạc, có thể mở, nhắm và phản ứng với ánh sáng. Nếu mẹ thử chiếu đèn pin vào bụng, mẹ sẽ cảm nhận được thai nhi đang ngọ nguậy mạnh hơn.
hình ảnh thai nhi 27 tuần
Hình ảnh thai nhi 27 tuần
  • Não bộ của thai nhi vẫn đang tiếp tục phát triển rất nhanh, thai phản ứng rất mạnh với âm thanh.
  • Tất cả các cơ quan khác cũng đang hoàn thiện dần để thai nhi chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài tử cung.
  • Thai 27 tuần đã bắt đầu hình thành các thói quen như:

– Nấc cục: Khi nào mẹ thấy trong bụng mình đang rung lắc nhẹ nhàng thì do thai nhi đang nấc cục mẹ nhé. Việc này chỉ kéo dài vài khoảng khắc và nó hoàn toàn bình thường.

Uống nước ối trong bụng mẹ và biết đi tiểu nhờ hệ bài tiết đã tương đối hoàn thiện.

1.3. Cử động đạp của thai nhi

  • Vào thời gian thai 27 tuần, thai nhi bắt đầu ngủ và thức theo lịch trình. Khi thức thai nhi sẽ đạp nhiều hơn, còn nếu mẹ thấy yên tĩnh là lúc đó thai nhi đang bận đi ngủ rồi mẹ nhé. Nếu chú ý theo dõi thời gian xuất hiện các cử động đạp của thai, mẹ sẽ nắm được “thời khoá biểu” của bé con.
  • Vì thai nhi đã lớn nên không còn “nhào lộn” trong bụng mẹ dễ dàng. Tư thế nằm của thai 27 tuần chủ yếu là đầu hướng lên trên.

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 27

Bước sang thời điểm thai 27 tuần không chỉ riêng thai nhi có nhiều thay đổi và phát triển, mẹ cũng có những thay đổi về cơ thể:

  • Đau lưng: là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn thai kỳ từ 27 tuần trở đi.
    • Nguyên nhân: trọng lượng của thai nhi tác động lên cột sống của mẹ bầu.
    • Giải pháp: nghỉ ngơi thường xuyên, thực hiện các bài tập thể dục đơn giản để tăng cường cơ bắp lưng.
  • Bụng nhô cao và cảm giác nặng bụng: 
    • Nguyên nhân: Thai nhi đã lớn lên và tạo nên một áp lực lớn trên cơ bụng của mẹ bầu, gây ra cảm giác nặng bụng.
    • Giải pháp: nghỉ ngơi thường xuyên, sử dụng gối đỡ bụng khi ngủ
  • Xuất hiện các vết bầm tím trên tay, chân:
    • Nguyên nhân: thai nhi tăng cân và phát triển, gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh trong cơ thể mẹ bầu.
    • Giải pháp: đi lại và tập thể dục nhẹ nhàng và giữ tư thế thoải mái khi ngủ.
  • Đau đầu:
    • Nguyên nhân: thay đổi nồng độ hormone và áp lực của thai nhi lên toàn bộ cơ thể mẹ
    • Giải pháp: nghỉ ngơi thường xuyên, thư giãn bằng các bài tập thở và yoga, giảm thiểu các tác nhân gây đau đầu như ánh sáng chói, tiếng ồn và mùi hôi.
  • Khó thở:
    • Nguyên nhân: Trong giai đoạn thai kỳ từ 27 tuần trở đi, thai nhi phát triển nhanh chóng và tăng cân, gây áp lực lên phổi và hệ thống hô hấp của mẹ bầu.
    • Giải pháp: mẹ bầu nên tránh những hoạt động gây mất sức, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên hít thở sâu để giúp phổi được thông thoáng hơn.
Hình ảnh thai 27 tuần trong bụng mẹ

Đây là những vấn đề hoàn toàn bình thường khi tam cá nguyệt thứ 3 nên mẹ không cần quá lo lắng nhé. Tuy nhiên, nếu các tình trạng trên nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, mẹ bầu nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 27

Sau đây là một số lưu ý cho mẹ về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt trong tuần 27 này nhé.

3.1. Khám thai tuần 27

Nếu bạn chưa đi khám thai trong thời gian từ tuần 24-26 thì mẹ hãy đi khám ngay vào tuần này nhé. Bởi tuần 24 – 28 là mốc khám thai quan trọng để phát hiện tiểu đường thai kỳ hoặc đánh giá nguy cơ tiền sản giật.

3.2. Mang thai 27 tuần nên ăn gì?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong Tam cá nguyệt thứ ba, mẹ cần bổ sung 2550Kcal mỗi ngày, tức là tăng 250Kcal so với giai đoạn trước đó.

Vì vậy trong tuần thứ 27 này, mẹ cần chú ý tăng lượng thực phẩm hằng ngày để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi.

Thêm vào đó, chế độ dinh dưỡng tuần 27 cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (protein, canxi, sắt, rau quả…)
  • Bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin K như cải bó xôi, củ cải xanh, rau diếp, súp lơ, bông cải xanh, đậu Hà Lan, rau mùi, bắp cải, cà rốt, kiwi để giảm thiểu rủi ro xuất huyết trong quá trình sinh nở, do Vitamin K là chất rất quan trọng cho quá trình đông máu.
Từ tuần thứ 27, bên cạnh các thực phẩm giàu sắt, protein…, mẹ nên chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin K
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, hạn chế táo bón
  • Uống đủ 2->2,5 lít nước mỗi ngày để bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể 

3.3. Chế độ sinh hoạt

Hãy điều chỉnh một số vấn đề sau trong chế độ sinh hoạt tuần này để có một thai kỳ dễ chịu hơn nhé:

  • Tư thế ngủ: nằm nghiêng bên trái, để gối ở giữa hai chân và đặt chân lên gối. Kê bụng bằng một chiếc gối mỏng.
  • Mát xa các vị trí bị sưng nề để cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ có thể ngâm chân vào nước ấm và xoa bóp chân mỗi tối để giảm phù nề.
  • Tập những bài thể dục nhẹ nhàng dành riêng cho bà bầu
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái
  • Theo dõi sự chuyển động và số lần đạp của thai nhi hằng ngày
  • Nếu có điều kiện, mẹ hãy đo chỉ số huyết áp hằng ngày để sớm phát hiện nguy cơ tiền sản giật
  • Đừng quên thai giáo hằng ngày nữa nhé. Mẹ hãy “canh” thời điểm bé con trong bụng thức giấc để nói chuyện với bé, bật nhạc hoặc đọc sách cùng bé con.

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Trong quá trình thai 27 tuần nếu mẹ có những biểu hiện bất thường sau, mẹ không được chủ quan mà hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ:

  • Thai nhi nấc cục quá mức bình thường hoặc thiếu cử động
  • Huyết áp cao cùng các triệu chứng khác của tiền sản giật
  • Sưng nề nghiêm trọng
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Sốt cao, ớn lạnh, ngất xỉu
  • Ra dịch âm đạo bất thường.

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 27 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu.