Thai 16 Tuần Phát Triển Ra Sao Và Lời Khuyên Cho Mẹ Bầu

Ở thời điểm thai 16 tuần, bé sẽ hình thành thói quen mút ngón tay cái. Hệ tuần hoàn của bé bắt đầu hoạt động bơm máu cho cơ thể. Cũng trong tuần thai này, cơ thể mẹ diễn ra nhiều thay đổi hơn để thích nghi với thai nhi đang ngày càng phát triển nhanh chóng.

1. Dấu hiệu thai 16 tuần phát triển khỏe mạnh

Tuần 16 là tuần giữa trong thai kỳ tháng thứ 4, thai nhi đã tương đối ổn định. Em bé phát triển như thế nào trong bụng mẹ rồi, cùng tìm hiểu nhé!

1.1. Kích thước thai 16 tuần

Chỉ số trung bình của thai 16 tuần như sau:

  • Cân nặng: khoảng 100g.
  • Chiều dài – đầu mông (CRL): 11.6cm

kích thước thai 16 tuần

Ở tuần này, kích thước của thai như một qủa bơ nhỏ.

1.2. Bộ phận sinh dục của thai 16 tuần

Cơ quan sinh dục của thai 16 tuần đã phát triển thêm khá nhiều so với tuần 15. Nếu thai nhi mang giới tính nữ thì giai đoạn này đã hình thành buồng trứng. 

Trong một số trường hợp, giới tính của thai nhi đã bắt đầu có thể nhận biết được thông qua siêu âm ở tuần 16. Những trường hợp khác khó quan sát hơn thì có thể phải đợi đến tuần 18-20 để biết giới tính thai. 

1.3. Các phát triển khác của thai nhi 16 tuần

  •  Phần đầu: Đầu của thai nhi bắt đầu thẳng hơn, không nghiêng về phía trước như những tuần đầu nữa.
  • Tóc: Xuất hiện các nang tóc. Số lượng nang tóc hình thành trong thai kỳ sẽ  cố định và theo bé suốt đời. 
  • Mắt: có thể chuyển động từ từ mặc dù mí mắt vẫn nhắm chặt.
  • Tai: cũng dần dần hoàn thiện hơn, các xương nhỏ trong tai bắt đầu hoạt động khiến bé có thể cảm nhận được âm thanh. 
  • Da: giai đoạn này, da của bé mỏng và trong mờ, nó sẽ dày và phát triển lên trong quá trình mang thai. 
  • Các chi: chân tay phát triển dài ra và cứng cáp hơn, thai nhi cũng vận động nhiều hơn. Một số mẹ bầu có thể cảm nhận được “thai máy” rất nhẹ ở giai đoạn này tuần 16.
  • Hệ tuần hoàn: bắt đầu hoạt động bơm máu cho cơ thể

 

2. Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 16 tuần?

  • Đầy hơi, chướng bụng: 
    • Nguyên nhân: Cơ thể mẹ đang tạo ra nhiều khí hơn bình thường nhờ hormone progesterone, giúp thư giãn các cơ khắp cơ thể, bao gồm cả đường tiêu hóa. Những cơ bắp thư giãn đó làm chậm quá trình tiêu hóa của mẹ, dẫn đến đầy hơi và cảm giác khó chịu trong bụng của mẹ. 
    • Giải pháp: Để giảm bớt triệu chứng này, mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn và tránh đồ uống có ga. 
  • Đau lưng: cụ thể làđau thắt lưng (vùng ngang lưng), đau khớp nối giữa xương cùng và xương chậu.
    • Nguyên nhân: Tử cung mở rộng chèn ép các cơ quan khác và gây đau lưng. Sự thay đổi nội tiết tố cũng khiến các khớp của mẹ bầu lỏng lẻo hơn, giãn dây chằng gắn xương vùng chậu với cột sống, gây ra tình trạng mất thăng bằng và đau đớn. 
    • Giải pháp: Các bài tập như yoga, đi bộ, bơi lội, thể dục nghiêng xương chậu có thể giúp tăng cường cơ bắp và giảm bớt sự khó chịu. Mẹ bầu cũng có thể đi massage khi mang để giảm đau cho vùng lưng. 
  • Tuyến vú tiếp tục phát triển: Mẹ bầu có thể nhận thấy những thay đổi ở vú như đau núm vú, căng tức ngực, tĩnh mạch nổi rõ, thay đổi sắc tố rõ rệt hơn trên quầng vú.
    • Nguyên nhân: Cơ thể đang chuẩn bị dần cho việc cho con bú sau này.
    • Giải pháp: Mẹ hãy chọn áo ngực phù hợp để tránh bị chèn ép ngực gây căng tức, khó chịu. 
  • Đau đầu khi mang thai
    • Nguyên nhân: do mẹ bầu căng thẳng, mất nước, thiếu ngủ, thay đổi nội tiết tố.
    • Giải pháp: nghỉ ngơi điều độ, tránh gối quá cao khi ngủ. Tuy nhiên, nếu mẹ bị đau đầu dữ dội trong thai kỳ 3 tháng giữa có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật và cần đi khám ngay.

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 16

3.1. Siêu âm thai tuần 16

Khoảng thời gian từ tuần 16-22 là mốc khám thai rất quan trọng. Nếu trước đó bạn đã đi khám thai ở tuần 12, thì ở tuần 16 này bạn có thể sắp xếp lịch cho buổi siêu âm thai tiếp theo.

hình ảnh siêu âm thai 16 tuần
Hình ảnh siêu âm thai 16 tuần

Ngoài siêu âm đo độ mờ da gáy ở tuần thứ 11 – 13, ở tuần 16, mẹ  có thể được chỉ định thêm một số phương pháp xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh như: Quad test, double test, triple test, NIPT, xét nghiệm để đo mức alpha-fetoprotein… Tùy vào thể trạng và sự phát trẻ của mỗi bé mà mẹ được chỉ định làm các xét nghiệm khác nhau. 

3.2. Mang bầu 16 tuần nên ăn gì

Khi mang thai 16 tuần, hầu hết phụ nữ đều trải qua cảm giác thèm ăn hoặc kén ăn một số món gì đó. Tuy nhiên, mẹ cũng nên bổ sung đa dạng và đầy đủ các nhóm chất thay vì chỉ tập chung ăn một số món nhất định. Chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ như rau xanh, ngũ cốc, các loại thịt nạc, trứng, sữa,… 

Mang bầu 16 tuần nên ăn gì
Mẹ bầu cần ăn đa dạng, đầy đủ nhóm chất. Đồng thời chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngoài ra, mẹ bầu tuần 16 cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu canxi vì đây là giai đoạn phát triển hệ xương rất mạnh mẽ của thai nhi.

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Theo dõi cân nặng: hãy ghi chú lại cân nặng mỗi tuần để đảm bảo rằng sự tăng cân của mẹ bầu đang trong ngưỡng cho phép, từ đó điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, tránh tăng cân quá nhanh hoặc không tăng cân ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. 
  • Tránh các hoạt động không an toàn: tránh làm việc quá sức, bê đồ nặng, thức khuya hay chơi thể thao quá mạnh. Ngoài ra, cần quan tình dục ở mức vừa phải, không quan hệ mạnh bạo hoặc các tư thế khó, chèn ép lên vùng bụng. 
  • Bôi kem dưỡng ẩm trên vùng bụng, đùi, ngực,… để phòng tránh rạn da. 
  • Thai giáo: chức năng nghe của thai nhi đang phát triển và dần hoàn thiện, mẹ hãy kết nối với con bằng cách trò chuyện, đọc sách hay cho bé cùng nghe những bản nhạc nhẹ nhàng,…
  • Tập yoga, đi bộ, bơi lội nhẹ nhàng, giúp tăng cường cơ bắp và giảm bớt sự khó chịu. Mẹ bầu cũng có thể đi massage khi mang để giảm đau cho vùng lưng. 
  • Chia nhỏ bữa ăn nếu hay bị đầy đủ và hạn chế dùng đồ uống có ga
  • Tập thói quen ghi chép lại các thông tin quan trọng vì bắt đầu từ tuần 16, mẹ có thể sẽ gặp phải chứng hay quên đó.

4. Khi nào mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ?

  • Sốt và các dấu hiệu nhiễm khuẩn. 
  • Đau bụng dữ dội, chảy máu bất thường vùng âm đạo. 
  • Dịch âm đạo có mùi hôi. 
  • Đi tiểu rắt, tiểu buốt. 
  • Đau đầu dữ dội và thường xuyên

Mặc dù 3 tháng giữa thai kỳ là giai đoạn dễ chịu nhất, nhưng mẹ bầu đừng chủ quan nhé. Hãy chú ý quan sát và tập làm quen với những thay đổi của cơ thể, đồng thời bồi bổ dinh dưỡng đầy đủ để em bé có đủ sức phát triển nha.