Tầm quan trọng của sắt đối với phụ nữ mang thai

1. Vai trò của sắt đối với mẹ bầu

Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần khoảng 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh. 

Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi. Sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đặc biệt đối với những người phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Ngoài ra, sắt cũng có tác dụng là tăng cảm giác ngon miệng. Mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ không muốn ăn, không ngủ được và mệt mỏi vì không có oxy lên não và các tế bào trong cơ thể. Mặt khác, khi thiếu sắt, sức đề kháng của mẹ kém sẽ dẫn tới nhiễm trùng. Điều này còn ảnh hưởng đến em bé sinh ra mang tiềm tàng của thiếu máu thiếu sắt giống mẹ, khó đạt được sức khỏe như mong muốn.

Nếu cơ thể không bổ sung đầy đủ sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, đây là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai và nó sẽ gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Giai đoạn thai kỳ thứ nhất và thứ 2, nếu mẹ bầu bị thiếu sắt có thể dẫn đến sinh non (gấp 2 lần), trẻ nhẹ cân (nguy cơ gấp 3 lần).
  • Mẹ bầu sẽ gặp các tình trạng như: mệt mỏi, chán ăn, ngủ không ngon, người không có sức.
  • Thai nhi phát triển không bình thường.
  • Thai nhi bị thiếu máu, tình trạng sức khỏe yếu kém.
  • Mẹ bầu bị thiếu sắt có thể bị nhiễm trùng hậu sản, băng huyết, cơ thể suy nhược.
  • Bào thai bị suy dinh dưỡng, sinh non, nhẹ cân, trí tuệ, thể lực kém.

2. Nguyên nhân mẹ bầu bị thiếu sắt

Mẹ bầu rhiếu sắt cũng có thể do mang đa thai
  • Cơ thể mẹ bầu cần nuôi thêm một cơ thể khác vì thế nhu cầu về sắt tăng lên là điều dễ hiểu. Khi có bầu, nồng độ huyết sắc tố trong cơ thể sẽ bị giảm, bị pha loãng dẫn đến thiếu máu.
  • Chế độ ăn uống của bà bầu thiếu sắt, hoặc bà bầu ăn kiêng nên bị thiếu sắt.
  • Trước thai kỳ bà bầu bị thiếu máu, quá nhẹ cân, bị nghén quá nặng cũng là nguyên nhân gây thiếu sắt.
  • Một số tình trạng như dọa sảy thai, xuất huyết cũng là nguyên nhân thiếu sắt ở bà bầu.
  • Thiếu sắt cũng có thể do mang đa thai.
  • Thời gian mang thai quá gần so với lần sảy thai trước đó.

3. Biểu hiện của việc thiếu sắt cho bà bầu

Khi thiếu sắt, cơ thể mẹ bầu sẽ mệt mỏi hơn bình thường

Khi mẹ bầu bị thiếu sắt sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn như:

  • Da mặt bị tái xanh, người mệt mỏi bất thường, nhất là khi về chiều.
  • Khả năng chịu đựng kém hơn bình thường.
  • Luôn cảm thấy khó chịu, bực tức trong người.
  • Cơ thể dễ nhiễm bệnh.
  • Thường xuyên cảm thấy khó thở.
  • Tình trạng hoa mắt, chóng mặt xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí có người bị ngất.
  • Niêm mạc mắt mẹ bầu nhợt nhạt nếu thiếu sắt, biểu hiện này không dễ nhận biết, nếu nhận biết được thì tình trạng thiếu sắt đã ở mức độ nặng.
  • Thích ăn những thứ lạ như: phấn, cát, đất sét.

4. Mẹ bầu cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?

Khi có thai, lượng sắt cần cho cơ thể mẹ bầu khoảng 30mg/ngày

Trước khi mang thai, cơ thể người phụ nữ cần 15 mg sắt mỗi ngày. Đây là một lượng vi chất không nhỏ và nhiều người thường không đáp ứng đủ lượng sắt cho cơ thể như khuyến nghị. Khi có thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi, khoảng 30mg/ngày. Nếu không cung cấp đủ, mẹ bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.

Theo khuyến cáo Tổ chức y tế thế giới, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên uống ngay viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày. Ngoài ra cũng nên sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt, acid folic cho phụ nữ mang thai.

Với mẹ bầu được xác định thiếu máu do thiếu sắt sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung 50-100mg/ngày. Thậm chí nhiều trường hợp, mẹ bầu bị thiếu sắt nghiêm trọng sẽ phải điều trị tại viện 2- 3 tháng bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch để đảm bảo lượng máu cần thiết ở mức ổn định.

5. Phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ có thai

5.1. Sử dụng thực phẩm
Mẹ bầu có thể bổ sung sắt thông qua thực phẩm ăn hàng ngày

Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như thiếu các vi chất dinh dưỡng khác là duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày như các loại thịt bò, thịt lợn, gan động vật, lòng đỏ trứng và các loại thủy hải sản. Sắt trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh đậm như rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay…

Muốn sắt hấp thu tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm có chứa nhiều sắt, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc động vật, ăn nhiều quả chín (cam, quýt, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối, dưa hấu…) để tăng cường lượng vitamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường khả năng hấp thu sắt cho cơ thể. Mẹ bầu không nên uống trà sau bữa ăn vì trong trà có tanin sẽ làm ức chế hấp thu sắt.

5.2. Bổ sung viên sắt/acid folic

Đối với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu chỉ duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý thì rất khó để cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, một giải pháp hữu hiệu được khuyến khích đối với các đối tượng này là sử dụng viên sắt hàng ngày, hàng tuần theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, cần cân bằng lượng sắt trong cơ thể, vì nếu như lượng sắt trong cơ thể bị quá tải có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho sức khỏe như ứ đọng sắt, có thể gây hại tới tim, gan, tuyến nội tiết…

Các em gái tuổi dậy thì, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ trước khi mang thai cần phải bổ sung viên sắt theo phác đồ hàng tuần để phòng chống thiếu sắt. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai có vai trò quan trọng giúp dự trữ sắt và đem lại kết quả tốt hơn cho thai nghén. Để đảm bảo nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ phải có lượng sắt dự trữ, ít nhất là 300mg trước khi mang thai. Theo hướng dẫn của chương trình phòng chống thiếu máu, phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic dự phòng thiếu máu một đợt trong năm và kéo dài trong 16 tuần (4 tháng liên tục) mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định.(16 viên/ năm/ phụ nữ).

Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau sinh 1 tháng. Thiếu máu là giai đoạn cuối của thiếu sắt kéo dài. Vì vậy khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Kể cả khi không bị thiếu máu, việc bổ sung uống viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt tăng cao của phụ nữ trong thời kỳ có thai giúp bà mẹ phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.