Stress trong công việc có thể ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Những tác động của stress

Stress không phải là tất cả đều xấu. Khi bạn xử lý đúng, một chút stress có thể giúp bạn tiếp nhận những thử thách mới trong công việc. Tuy nhiên nếu stress kéo dài trong quá trình làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và do đó ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của thai nhi. Ví dụ những phụ nữ tăng ca nhiều, stress với những áp lực công việc mà  không được nghỉ ngơi có nguy cơ chuyển dạ sớm cao hơn.

Bên cạnh stress trong công việc thì bản thân việc mang thai cũng khiến nhiều chị em bị stress do những thay đổi hormone trong cơ thể hay những lo lắng về tình trạng mất thai, sức khỏe của em bé hoặc về quá trình chuyển dạ và sinh nở, trở thành mẹ trong tương lai gần. Nếu bạn cảm thấy nhiều áp lực và stress trong nhiều vấn đề như vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ để đưa ra những cách giải quyết phù hợp, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và thai nhi.

1. Stress ảnh hưởng tới thai phụ

  • Sức khỏe thể chất: Những thai phụ bị stress sẽ có thể kèm theo những biểu hiện như đau ngực, đau tim, đau đầu, rối loạn nhịp thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giảm thị lực, tăng nguy cơ cao huyết áp,…
  • Ảnh hưởng đến thần kinh, tính cách: stress dễ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hay quên, không tập trung,… Hơn nữa, bạn thường lo lắng quá mức, sợ hãi, đôi khi có cảm giác thất vọng về bản thân, giận dữ, khóc nhiều hơn,… vì cảm giác quá mệt mỏi. Đặc biệt hơn, nhiều trường hợp thai phụ thường muốn thu mình lại, ngại giao tiếp với đồng nghiệp xung quanh.
Stress trong công việc khiến nhiều thai phụ như muốn “phát điên”
  • Nguy cơ gây sinh non:  Stress quá mức trong công việc làm tăng nguy cơ sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. 
  • Rối loạn ăn uống: Stress kéo dài có thể dẫn tới rối loạn ăn uống. Một số trường hợp ăn uống không kiểm soát và cũng có trường hợp lại bỏ bữa, ngán ăn,… những thói quen này có thể dẫn đến một số bệnh như đau dạ dày hay viêm đường ruột và viêm ruột kích thích.

2. Stress ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi

Nếu sức khỏe của người mẹ tốt thì đương nhiên, thai nhi cũng được phát triển tốt và ngược lại. Khi mẹ bầu có tâm lý không vững vàng, stress thường xuyên trong công việc  thì bé sẽ không được phát triển khỏe mạnh. 

  • Thai nhi nhẹ cân: Những thai phụ bị stress lâu ngày có xu hướng ăn quá nhiều, hoặc ăn quá ít, thậm chí bỏ bữa sẽ khiến cho thai nhi không được cung cấp cân bằng và đầy đủ dưỡng chất để phát triển. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho thai nhi dễ bị nhẹ cân và làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ trong tương lai. 
  • Trẻ chậm phát triển: Trong giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và hoàn thiện cấu trúc não bộ mà mẹ bầu lại stress nặng, sẽ có thể làm tăng co bóp tử cung dẫn đến kích ứng vùng nước ối. Từ đó, ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. 
  • Trẻ bị rối loạn giấc ngủ: Đồng hồ sinh học của mẹ bầu và thai nhi có mối quan hệ mật thiết. Nếu mẹ bị rối loạn giấc ngủ do căng thẳng lo âu thì đứa trẻ cũng không thể có những giấc ngủ ngon. 
  • Trẻ bị rối loạn hành vi: Stress khi mang thai cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ hành vi của trẻ khi chào đời. Trẻ có nguy cơ cao bị tự kỷ, tăng động hay trầm cảm,… 
Mẹ bị stress dài ngày khi mang thai sẽ khiến trẻ em sau khi sinh ra dễ bị rối loạn hành vì
  • Trẻ bị dị tật: Đây là những trường hợp không phổ biến tuy nhiên, trên thực tế đã có một số mẹ bầu vì quá căng thẳng trong thời kỳ mang thai dẫn đến sinh ra con bị dị tật. 

Cách giúp mẹ bầu giảm stress trong công việc khi mang thai 

  • Làm việc theo giờ bình thường và thư giãn vào cuối tuần. Trong khi nhiều phụ nữ đang cố gắng “cạnh tranh” với đàn ông trong giới kinh doanh, tuy nhiên bạn nên nhớ rằng họ không có những giai đoạn bị gián đoạn khi mang thai. Nên bạn đừng quá cầu toàn, áp lực mà hãy thư giãn trong suy nghĩ bất cứ khi nào bạn có thể.
  • Hãy nghỉ ngơi ngắn:  mười phút mỗi giờ hoặc lâu hơn và thư giãn hoặc đi bộ một chút bên ngoài văn phòng của bạn.
  • Ngủ đủ giấc vào ban đêm. Ngay cả khi bạn không mang thai, các nghiên cứu cho thấy những người ngủ đủ giấc sẽ hiệu quả hơn trong công việc.
  • Tập yoga hoặc một số hình thức tập thể dục nhẹ nhàng khác cho phép bạn loại bỏ những stress trong ngày và dạy bạn các kỹ thuật giảm căng thẳng.
Những phút thư giãn và tập thể dục nhẹ nhàng khiến thai phụ cân bằng lại cảm xúc bản thân, loại bỏ bớt stress

Mặc dù stress đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, nhưng việc trở thành một người mẹ tương lai sẽ đặt bạn vào một vị trí có trách nhiệm hơn. Vì sức khỏe của bạn và thai nhi, hãy chậm lại và thư giãn nhiều hơn. Sự khác biệt sẽ rõ ràng ngay lập tức!

*Nguồn tham khảo:

  1. medlatec.vn

https://medlatec.vn/tin-tuc/stress-khi-mang-thai-anh-huong-nhu-the-nao-den-me-bau-va-thai-nhi-s195-n20678

2. australianunity.com.au

https://www.australianunity.com.au/health-insurance/existing-members/wellplan-online/having-a-baby/can-work-stress-affect-baby-to-be