Sinh non: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

1. Chuyển dạ sớm và sinh non là gì?

1.1. Chuyển dạ sớm

Chuyển dạ sớm là tình trạng co bóp tử cung thường xuyên dẫn đến cổ tử cung bắt đầu có sự thay đổi, gây dọa sinh non trước khi thai nhi được 37 tuần tuổi.

Những thay đổi trong cổ tử cung khi chuyển dạ sớm bao gồm sự thoát ra (cổ tử cung di chuyển ra ngoài) và sự giãn nở (cổ tử cung mở ra để thai nhi có thể đi vào ống sinh). Trong một số trường hợp, chuyển dạ sớm có thể dẫn đến nguy cơ trẻ sinh non.

1.2. Sinh non

Sinh non được hiểu là khi em bé chào đời quá sớm. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non. Trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định vì các bé được sinh ra quá sớm không được phát triển đầy đủ. Em bé sinh non thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe cao nhất đối với em bé sinh ra trước tuần thai thứ 34. Tuy nhiên, các bé sinh ra trong khoảng 34 đến 37 tuần mang thai cũng có nguy cơ nhất định. Những em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng nhiều.

Thời gian sinh non được phân loại như sau:

  • Sinh cực non: dưới 28 tuần thai kỳ
  • Sinh rất non: từ 28 đến 32 tuần thai kỳ
  • Sinh non vừa đến muộn: từ 32 đến 37 tuần thai kỳ.

2. Nguyên nhân dẫn đến sinh non 

Uống rượu bia khi mang thai có thể dẫn đến tình trạng sinh non

Nguyên nhân cụ thể của sinh non thường không rõ ràng. Tuy nhiên, có những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm:

  • Đã có tiền sử sinh con sớm.
  • Có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non.
  • Khoảng thời gian giữa hai lần mang thai quá ngắn.
  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba,…)
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung.
  • Sảy thai nhiều lần hoặc phá thai
  • Một số rối loạn khi mang thai như chảy máu âm đạo, nhiễm trùng nước ối và bộ phận sinh dục
  • Các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.

3. Các dấu hiệu của sinh non

Đau thắt lưng theo từng cơn cũng là dấu hiệu của sinh non

Cần liên lạc với bác sĩ ngay nếu cơ thể mẹ bầu xuất hiện các dấu hiệu sau đây trước tuần thai thứ 37:

  • Rỉ dịch âm đạo nhiều hơn bình thường. Điều này có nghĩa dịch âm đạo của bạn sẽ trở nên lỏng, nhầy hơn hoặc có lẫn máu
  • Xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo. Bạn cảm thấy đau bụng, đau quặn giống với đau bụng kinh hoặc đau kèm với những cơn co thắt nhiều hơn bốn lần trong một giờ
  • Gia tăng áp lực trong vùng xương chậu hoặc vùng dưới bụng.
  • Đau lưng ở vùng thấp (đau thắt lưng), đặc biệt là có cảm giác đau theo chu kỳ.
  • Chuột rút nhẹ ở bụng.
  • Vỡ màng ối (thấy nước ối xuất hiện và tuôn ra ngoài, đôi khi chỉ là một giọt chất lỏng).

4. Kiểm soát những cơn chuyển dạ sinh non

Nếu tiếp tục gặp phải những cơn co thắt dọa sinh non, sản phụ cần được chăm sóc và kiểm soát với chế độ phù hợp nhất cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định để đối phó với tình trạng co thắt dọa sinh non của mẹ bầu:

  • Corticosteroid: thuốc có khả năng đi qua nhau thai và giúp tăng tốc độ phát triển các cơ quan của thai nhi như phổi, não và hệ tiêu hóa.
  • Magie sulfat: giúp giảm nguy cơ bại não liên quan đến sinh non, ngoài ra còn có tác dụng giảm co thắt ở mẹ.
  • Tocolytics: Để hoãn thời điểm sinh con của sản phụ trong thời gian ngắn (không quá 48 giờ). Trong thời gian đó, bác sĩ có thể kịp thời cho thai phụ sử dụng Corticosteroid hoặc Magie sunfat, hoặc chuyển thai phụ đến bệnh viện có chuyên môn cao hơn về kinh nghiệm xử lý các ca sinh non.

Tuy nhiên thuốc dùng để trì hoãn tình trạng sinh non không phải lúc nào cũng phát huy hết tác dụng. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cho sinh sớm nếu điều này tốt hơn cho sức khỏe cũng như sự an toàn của mẹ và bé.

5. Phòng ngừa sinh non

Mẹ bầu chăm tập yoga làm giảm nguy cơ sinh non

Để tránh tình trạng sinh non, phụ nữ mang thai cần trang bị kiến thức phòng ngừa từ trước khi mang thai, cụ thể:

  • Bổ sung progesterone: Phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc cả hai yếu tố trên có thể làm giảm nguy cơ sinh non khi bổ sung progesterone.
  • Chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh: Khi mang thai, bạn cần có một chế độ ăn uống cân bằng, môi trường sống lành mạnh và tránh bị căng thẳng. Bạn cần khám thai định kỳ hàng tháng để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe về thể chất, tinh thần và có thể hướng dẫn bạn tốt hơn. Thông thường, những phụ nữ không có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt sẽ dễ rơi vào trường hợp sinh non.
  • Quan tâm sức khỏe răng miệng: Thực tế nhiều bà bầu thường không quan tâm đến sức khỏe răng miệng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bà bầu mắc các bệnh về răng miệng cũng ảnh hưởng nhiều đến thai kỳ và em bé. 
  • Hãy đảm bảo rằng chế độ ăn mỗi ngày của bạn có nhiều trái cây và rau xanh. Uống nhiều nước và kiểm soát tốt cân nặng của bản thân.
  • Không sử dụng thuốc lá và chất kích thích
  • Nên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng thường xuyên. Tập yoga cũng làm giảm nguy cơ sinh non. Đi bộ, thiền và một số bài tập khác cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho mẹ bầu. Tuy nhiên, bạn hãy lựa những bài tập nhẹ và không tập gắng sức nhé!

Nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ sinh non cao, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận biết kịp thời các dấu hiệu dọa sinh non và có cách xử lý tốt nhất, đảm bảo được sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.