Sảy thai không hoàn toàn: nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng

Sảy thai đề cập đến hiện tượng mất em bé trước khi đạt đến tuần thứ 20 của thai kỳ. Sẩy thai sau tuần 20 được gọi là thai chết lưu. Ngoài ra, một số phụ nữ còn mắc phải tình trạng sảy thai không hoàn toàn khiến họ nhầm lẫn sang những triệu chứng thai kỳ bình thường.

1. Sảy thai không hoàn toàn là gì?

Sảy thai không hoàn toàn hay còn gọi là sảy thai không trọn là hiện tượng sảy thai nhưng một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung, chưa được tống ra ngoài. Thông thường, thai trước 10 tuần khi bị sảy thường bị tống xuất ra khỏi tử cung hoàn toàn nhưng sau 10 tuần, thai và nhau thai thường bị tách rời nhau dẫn đến nguy cơ bị sót thai trong tử cung sau sảy tăng. Khi bị sảy thai không hoàn toàn, tình trạng ra máu âm đạo ở sản phụ vẫn còn âm ỉ và tiếp diễn, các cơn đau bụng dưới vẫn còn tuy có phần nhẹ hơn khi đang sảy thai.

2. Nguyên nhân gây sảy thai không hoàn toàn

2.1. Nguyên nhân đến từ người mẹ

Mẹ có cấu trúc cổ tử cung bất thường có thể gây sảy thai
  • Niêm mạc tử cung không phát triển. Ngoài ra, tình trạng u xơ tử cung cũng ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung, dẫn đến sảy thai không hoàn toàn nếu mô thai không được trục xuất khỏi cơ thể người mẹ.
  • Cổ tử cung có cấu trúc bất thường: tình trạng này sẽ can thiệp vào quá trình trứng đã thụ tinh bám vào lòng tử cung.
  • Mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ có vấn đề về tuyến thượng thận và tuyến giáp là những lý do quan trọng nhất dẫn đến việc mẹ bầu không thể giữ được thai.
  • Người mẹ mắc một trong số các bệnh nhiễm trùng như rubella, virus herpes hay nhiễm nấm chlamydia khi mang thai có thể cản trở sự phát triển của thai nhi, từ đó dẫn đến sảy thai.
  • Người mẹ sử dụng thuốc lá, rượu, các chất kích thích, các thực phẩm chứa nhiều caffeine, dùng dụng cụ ngừa thai đặt trong tử cung,…

2.2. Nguyên nhân từ thai nhi

  • Thai có bất thường về nhiễm sắc thể. Các nghiên cứu nhiễm sắc đồ ở những thai bị sảy cho thấy phần lớn những trường hợp sảy thai là do rối loạn nhiễm sắc thể. Những rối loạn nhiễm sắc thể thường gặp là các cặp nhiễm sắc thể số 13,18, 21 hoặc nhiễm sắc thể giới tính.
  • Thai làm tổ bất thường, làm tổ ở góc hoặc eo tử cung cũng dễ bị sảy hơn.
  • Thai đôi, thai ba, đa ối, chửa trứng toàn phần hoặc bán phần cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.

2.3. Nguyên nhân từ yếu tố môi trường

Thai phụ sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật hay thai phụ phải làm việc với cường độ cao, căng thẳng, mệt mỏi trong một thời gian dài có nguy cơ khiến người mẹ sảy thai.

3. Dấu hiệu của sảy thai không hoàn toàn

Một số biểu hiện của sảy thai mà mẹ bầu cần chú ý bao gồm:

3.1. Xuất huyết nhiều

Xuất huyết âm đạo có thể là dấu hiệu của sảy thai không hoàn toàn

Bạn có thể bị xuất huyết âm đạo một cách đột ngột và tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn chỉ trong vòng vài giờ. Nếu gặp phải hiện tượng này, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để được hỗ trợ y tế kịp thời.

3.2. Thải ra huyết khối

Nếu bạn đột nhiên nhận thấy âm đạo tiết ra huyết khối trong thời gian mang thai, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu của sảy thai không hoàn toàn.

3.3. Co thắt dữ dội vùng bụng dưới

Khi bị sảy thai không hoàn toàn, bạn có thể có những cơn đau thắt dữ dội

Trong một số trường hợp sảy thai không hoàn toàn, bạn sẽ cảm nhận cơn đau co thắt dữ dội ở vùng bụng dưới tương tự như những cơn gò tử cung.

3.4. Thai chết lưu

Khi mẹ tiến hành siêu âm hoặc khám thai định kỳ phát hiện thai đã chết lưu, nhưng chưa có dấu hiệu sảy thai. Khi khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, máu chảy ra theo ngón tay khám, khối tử cung nhỏ hơn tuổi thai.

4. Biến chứng của sảy thai không hoàn toàn

Hầu hết các trường hợp sảy thai trong khoảng thời gian đầu mang thai đều không xuất hiện biến chứng gì gây nguy hại cho sức khỏe người mẹ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thận trọng và đi khám ngay nếu nhận thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng được đề cập dưới đây:

4.1. Chảy máu kéo dài

Sảy thai không hoàn toàn có thể gây chảy máu kéo dài

Các trường hợp sảy thai không hoàn toàn có thời gian đau thắt ở bụng và chảy máu lâu hơn so với sảy thai hoàn toàn nhưng nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu hoặc tăng nhịp tim, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để tránh phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong quá trình sảy thai không hoàn toàn.

4.2. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Sảy thai không hoàn toàn sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu nếu không được điều trị ngay lập tức. Sốt, ớn lạnh và dịch tiết âm đạo có mùi hôi thường là những triệu chứng cho thấy bạn đã bị nhiễm trùng.

4.3. Dính buồng tử cung (hay còn gọi là hội chứng Asherman)

Tình trạng dính buồng tử cung xảy ra khi các mô sẹo sẽ hình thành trong tử cung, gây ra các vấn đề về sinh sản và sảy thai. Đây là một biến chứng hiếm gặp của thủ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung. Tình trạng thường được điều trị bằng cách phẫu thuật loại bỏ mô sẹo để tạo điều kiện giúp phụ nữ mang thai.

5. Phương pháp điều trị

Việc điều trị sảy thai không hoàn toàn có thể bao gồm các phương pháp xâm lấn hoặc không xâm lấn.

5.1. Phẫu thuật nong cổ tử cung và nạo lòng cổ tử cung

Sảy thai không hoàn toàn có thể điều trị bằng các phẫu thuật nong và nạo lòng tử cung

Phẫu thuật nong và nạo lòng tử cung có khả năng giúp phụ nữ tránh hoặc dừng tình trạng xuất huyết. Biện pháp này thường được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung để tiếp cận tử cung và dùng một dụng cụ phù hợp nhằm làm sạch các mô thai còn lại.

5.2. Dùng thuốc để đẩy thai ra ngoài

Cytotec (misoprostol) là một loại thuốc có thể dùng cho phụ nữ sảy thai không hoàn toàn để loại bỏ mô thai với tỷ lệ thành công cao đối với thai kỳ dưới 13 tuần. Tác dụng phụ của hình thức điều trị này bao gồm đau, nôn mửa và tiêu chảy.

5.3. Thai phụ tự theo dõi sức khỏe

Ở những trường hợp nhẹ, bạn có thể tự theo dõi sức khỏe ở nhà, chờ thai tự đào thải ra ngoài

Thông thường, cơ thể người mẹ sẽ tự đào thải phôi thai ra ngoài mà không gặp phải vấn đề gì. Do vậy, một số mẹ bầu chọn hình thức đề nghị bác sĩ được tự theo dõi tình trạng sảy thai của mình mà không cần phải nhập viện và sẽ thăm khám khi có những triệu chứng bất thường. Đây là cách tiếp cận ít xâm lấn nhất.

Sảy thai hay sảy thai không hoàn toàn là điều không ai mong muốn. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, làm điều mình thích hoặc bất cứ điều gì mang lại niềm vui cho bản thân. Hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt về mặt thể chất cũng như tinh thần để có thể sẵn sàng chào đón một thiên thần khác đến với mình bạn nhé!