Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục khi mang thai

Khi mang thai, việc xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (STD) là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nhiều bệnh lý có thể âm thầm gây nguy hiểm mà mẹ bầu không hề hay biết. Vì vậy, chủ động xét nghiệm sớm sẽ giúp phát hiện và điều trị kịp thời, đảm bảo thai kỳ an toàn.

1. Phụ nữ mang thai có thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không? 

​​Câu trả lời là có. Mang thai không bảo vệ phụ nữ hay thai nhi khỏi các bệnh lây qua đường tình dục, vì vậy thai phụ vẫn có thể bị nhiễm bệnh như phụ nữ bình thường.

Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng rõ ràng, nên bạn có thể không biết mình mắc bệnh. 

Nếu đang mang bầu, hãy làm xét nghiệm để kiểm tra. Nếu có bệnh, những người bạn đã quan hệ cũng nên đi kiểm tra và điều trị.

2. Tại sao cần xét nghiệm STDs khi mang thai?

2.1. Ảnh hưởng đến mẹ bầu

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho phụ nữ mang thai như: ung thư cổ tử cung, viêm gan mãn tính, viêm vùng chậu và vô sinh. 

Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh diễn tiến âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng. 

Ngoài ra, STDs còn làm tăng nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm và nhiễm trùng tử cung sau sinh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của mẹ.

Theo Tổ chức về sức khỏe phụ nữ (OWH), mắc STDs trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung sau sinh.  

2.2. Ảnh hưởng đến thai nhi 

Các mầm bệnh STDs có thể dễ dàng truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhiều con đường: nhau thai (như giang mai, HIV), trong lúc sinh (như lậu, Chlamydia, viêm gan B, Herpes) hoặc qua sữa mẹ (HIV). 

Đối với thai nhi, STDs có thể gây thai chết lưu, nhẹ cân (< 2000g), viêm kết mạc mắt, viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh, tổn thương thần kinh, mù, điếc, viêm gan cấp, viêm màng não, bệnh lý gan mạn và xơ gan.

Đặc biệt, những bệnh như giang mai bẩm sinh hay HIV ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện và can thiệp sớm để hạn chế biến chứng.

STDs có thể lây truyền từ mẹ sang bé trong thai kỳ và trong lúc sinh nở.

3. Các xét nghiệm STDs thường gặp trong thai kỳ

3.1. HIV/ AIDS

Virus HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, trong quá trình chuyển dạ hoặc khi cho con bú. Nếu không được điều trị, nguy cơ lây nhiễm có thể lên tới 15-45%.

Tuy nhiên, nếu thai phụ được sử dụng thuốc ARV và theo dõi sát sao trong thai kỳ, nguy cơ này có thể giảm xuống dưới 2%. 

Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc HIV sớm là vô cùng quan trọng để kịp thời can thiệp và bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

3.2. Chlamydia

Chlamydia là bệnh nhiễm khuẩn khá phổ biến ở phụ nữ. Nếu mẹ bầu mắc bệnh, vi khuẩn có thể lây sang bé trong lúc sinh, gây các biến chứng như: vỡ ối sớm, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân. Trẻ cũng có thể bị nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi sau sinh.

Để phòng tránh, mẹ nên xét nghiệm Chlamydia ngay từ lần khám thai đầu tiên. Bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu nước tiểu hoặc dịch âm đạo để thực hiện xét nghiệm.

3.3. Giang mai

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất nguy hiểm trong thai kỳ. 

Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây sinh non, thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh.

Trẻ sinh ra từ mẹ mắc giang mai còn có nguy cơ tổn thương nhiều cơ quan như não, mắt, tai, tim... dẫn đến các biến chứng như mù, điếc, động kinh.

Giang mai có thể lây từ mẹ sang conGiang mai có thể lây từ mẹ sang con. 

Mẹ bầu nên xét nghiệm giang mai ít nhất một lần trong thai kỳ. Đây là một xét nghiệm máu đơn giản, hoặc bác sĩ có thể lấy mẫu từ vết loét để chẩn đoán.

Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh Penicillin, an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, xét nghiệm sớm là cực kỳ cần thiết.

3.4. HPV

HPV thường không gây triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng có thể truyền sang trẻ khi sinh qua đường âm đạo. 

Nếu mẹ nhiễm HPV trong 3 tháng cuối thai kỳ, nguy cơ lây sang con sẽ cao hơn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm, và trẻ sẽ được điều trị sau sinh để phòng bệnh.

Mẹ bầu có thể phát hiện nhiễm HPV khi làm xét nghiệm PAP kiểm tra ung thư cổ tử cung.

3.5. Trichomonas

Trichomonas là bệnh viêm nhiễm âm đạo do ký sinh trùng, có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ nhẹ cân nếu không được điều trị. 

Triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với các viêm nhiễm khác, nên việc chẩn đoán chính xác cần dựa vào xét nghiệm dịch âm đạo hoặc nước tiểu. 

Khi phát hiện nhiễm Trichomonas, thai phụ sẽ được điều trị bằng thuốc đặc hiệu để ngăn ngừa biến chứng.

3.6. Herpes sinh dục

Thường thì xét nghiệm Herpes không nằm trong danh sách sàng lọc định kỳ cho mọi bà bầu. 

Tuy nhiên, mẹ cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử mắc Herpes, hoặc nếu mẹ hay bạn tình có các triệu chứng như mụn nước, vết loét ở bộ phận sinh dục.

Herpes sinh dục có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh nếu mẹ có tổn thương hoạt động trong lúc sinh. 

Để phòng ngừa, thai phụ nhiễm herpes sẽ được dùng thuốc kháng virus trong thai kỳ và cân nhắc sinh mổ nếu có nguy cơ lây nhiễm cao.

Virus herpes có thể lây sang trẻ, gây nhiễm trùng da, mắt, thậm chí tổn thương hệ thần kinh. 

3.7. Viêm gan B 

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây từ mẹ sang con qua đường máu khi sinh. 

Trẻ nhiễm viêm gan B từ mẹ có nguy cơ cao phát triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. 

Để phòng ngừa, trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc-xin viêm gan B và globulin miễn dịch ngay trong vòng 12-24 giờ sau sinh.

4. Thời điểm vàng để thực hiện xét nghiệm STDs là khi nào?

Việc xét nghiệm STDs nên được thực hiện sớm và tuân theo lịch trình khám thai của mẹ:

4.1. Ngay lần khám thai đầu tiên

Đây là thời điểm lý tưởng và quan trọng nhất. Bác sĩ thường sẽ chỉ định các xét nghiệm máu và nước tiểu để sàng lọc HIV, viêm gan B, giang mai và có thể cả Chlamydia, lậu.

Nếu phát hiện bệnh ngay từ đầu, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn và giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.

4.2. Trong tam cá nguyệt thứ ba (thường quanh tuần 28-36)

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm lại một số bệnh như giang mai, HIV, viêm gan B, Chlamydia, lậu, đặc biệt nếu mẹ thuộc nhóm có nguy cơ cao (ví dụ: có bạn tình mới, bạn tình không được xét nghiệm, có triệu chứng mới...). 

Xét nghiệm giúp đảm bảo mẹ không bị nhiễm bệnh trong giai đoạn sau của thai kỳ.

4.3. Bất cứ khi nào mẹ có triệu chứng nghi ngờ

Nếu mẹ thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như: tiết dịch âm đạo lạ (màu sắc, mùi hôi), ngứa rát, đau vùng kín, đau khi đi tiểu, xuất hiện vết loét, mụn nước ở bộ phận sinh dục... hãy đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

5. Quy trình thực hiện và chuẩn bị trước xét nghiệm 

Nhiều mẹ có thể cảm thấy lo lắng về quy trình xét nghiệm, nhưng thực tế chúng thường khá đơn giản, nhanh chóng và hoàn toàn an toàn cho cả mẹ và bé. 

Các phương pháp phổ biến bao gồm:

- Xét nghiệm máu: Nhân viên y tế sẽ dùng kim nhỏ lấy một ít máu từ tĩnh mạch ở cánh tay của mẹ. Mẫu máu này được dùng để xét nghiệm HIV, Viêm gan B, Giang mai. 

- Xét nghiệm nước tiểu: Mẹ sẽ được hướng dẫn lấy mẫu nước tiểu vào một lọ sạch theo đúng quy trình (thường là lấy nước tiểu giữa dòng). Mẫu nước tiểu này thường dùng để phát hiện Chlamydia và Lậu. 

- Lấy mẫu dịch tiết (Swab test): Bác sĩ sẽ dùng tăm bông chuyên dụng lấy dịch âm đạo hoặc cổ tử cung để xét nghiệm các bệnh như chlamydia, lậu, trichomonas hoặc herpes.

- Khám lâm sàng: Bác sĩ quan sát bộ phận sinh dục để phát hiện dấu hiệu bất thường như vết loét, mụn nước.

Nhìn chung, mẹ không cần quá lo lắng về các xét nghiệm này. Hãy coi đó là những bước kiểm tra sức khỏe cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành trình mang thai của mình.

6. Nếu không may có kết quả dương tính, mẹ cần làn gì? 

Nhận được kết quả xét nghiệm STDs dương tính chắc chắn sẽ khiến mẹ lo lắng, sợ hãi, thậm chí là sốc. Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên.

Nhưng mẹ ơi, đừng quá lo lắng! Hiện nay, phần lớn các bệnh này đều có thể điều trị hoặc kiểm soát an toàn trong thai kỳ.

Dưới đây là những việc mẹ cần làm ngay: 

6.1. Giữ bình tĩnh 

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là mẹ phải giữ bình tĩnh. Kết quả dương tính không đồng nghĩa với việc em bé sẽ gặp nguy hiểm. 

Với sự chăm sóc và hướng dẫn từ bác sĩ, mẹ hoàn toàn có thể bảo vệ con yêu một cách hiệu quả.

6.2. Trao đổi thẳng thắn và chi tiết với bác sĩ

Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ tất cả những gì mẹ băn khoăn: Kết quả này có ý nghĩa gì? Mức độ ảnh hưởng đến mẹ và bé ra sao? Hướng điều trị như thế nào? Có an toàn cho thai nhi không? 

Bác sĩ là người có chuyên môn, sẽ giải thích cặn kẽ và đưa ra kế hoạch chăm sóc phù hợp nhất cho mẹ.

6.3. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị

Một số bệnh như Chlamydia, lậu, giang mai, Trichomonas và nhiễm khuẩn âm đạo có thể được điều trị dứt điểm bằng kháng sinh an toàn trong thai kỳ.

Các bệnh do virus như Herpes sinh dục và HIV tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng thuốc kháng virus có thể giúp kiểm soát bệnh và giảm triệu chứng cho mẹ bầu.

Tùy theo từng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

- Chlamydia/Lậu: Được điều trị bằng kháng sinh trong suốt thai kỳ. Ngay sau khi sinh, em bé sẽ được nhỏ thuốc kháng sinh vào mắt để phòng viêm kết mạc.

- HIV: Dùng thuốc ARV để kiểm soát virus, giảm nguy cơ lây truyền cho con.

- Giang mai: Tiêm penicillin hiệu quả và an toàn trong thai kỳ.

- Viêm gan B: Bé sẽ được tiêm vắc-xin và globulin miễn dịch (HBIG) ngay sau sinh.

- Herpes: Dùng thuốc kháng virus hoặc sinh mổ nếu cần để bảo vệ bé.

6.4. Theo dõi và lập kế hoạch

Trong suốt thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình trạng của mẹ và lập kế hoạch sinh nở phù hợp. 

Ví dụ, nếu mẹ có herpes đang hoạt động vào thời điểm chuyển dạ, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để ngăn ngừa lây nhiễm cho bé.

6.5. Thông báo cho chồng/ bạn trai

Đây là một bước rất quan trọng nhưng cũng khá tế nhị. Bạn tình của mẹ cũng cần được biết để đi xét nghiệm và điều trị (nếu cần). 

Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho anh ấy mà còn giúp mẹ tránh bị tái nhiễm sau khi đã điều trị khỏi.

6.6. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Đừng giữ nỗi lo một mình. Hãy chia sẻ với người thân mà mẹ tin tưởng, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý. 

Một tinh thần vững vàng sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.

7. Biện pháp phòng ngừa STDs trong thai kỳ 

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" luôn là phương châm đúng đắn, đặc biệt là trong thai kỳ. Để giảm thiểu nguy cơ mắc STDs, mẹ có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:

7.1. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ 

Nếu từng có tiền sử STDs hoặc đang có nguy cơ, mẹ nên khám sàng lọc mỗi 3 tháng để theo dõi sức khỏe. 

Ngay cả khi không có dấu hiệu bất thường, cũng nên thực hiện các xét nghiệm máu theo khuyến nghị của bác sĩ để phát hiện bệnh sớm.

7.2. Quan hệ tình dục an toàn 

Luôn sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ, kể cả quan hệ qua đường miệng hay hậu môn. 

Chung thủy một vợ một chồng là cách tốt nhất để hạn chế lây nhiễm. Nếu bạn tình nhiễm STDs, mẹ cũng có nguy cơ cao bị lây bệnh, vì vậy tuyệt đối không quan hệ không an toàn, nhất là với nhiều đối tác.

quan hệ tình dục an toàn là việc làm cần thiếtQuan hệ tình dục an toàn giúp bạn tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh.

7.3. Cảnh giác và lưu ý với các dấu hiệu 

Nếu có triệu chứng như khí hư có mùi, tổn thương vùng kín, đau bụng dưới, nóng rát khi đi tiểu hoặc ngứa ngáy, mẹ nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

7.4. Tránh dùng chung vật dụng cá nhân có nguy cơ dính máu

Không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng... để phòng ngừa lây nhiễm các bệnh như HIV, Viêm gan B, C.

7.5. Khám sức khỏe tiền hôn nhân hoặc trước khi mang thai

Đây là cơ hội tốt để cả hai vợ chồng cùng kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm cả các xét nghiệm STDs cần thiết.

Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục khi mang thai là bước quan trọng để đảm bảo mẹ và bé khỏe mạnh. Dù kết quả ra sao, bạn luôn có thể kiểm soát tình hình với sự hỗ trợ của bác sĩ. Hãy chủ động khám thai, làm xét nghiệm và giữ tâm lý thoải mái.