Thai tuần thứ 8 phát triển ra sao và lời khuyên dành cho mẹ bầu

1. Dấu hiệu thai tuần thứ 8 phát triển khỏe mạnh

Tuần thứ 8 là tuần cuối cùng của tháng thứ 2 thai kỳ. Em bé phát triển rõ rệt, các bộ phận cơ thể tách biệt hơn. Khuôn mặt bé đang hình thành, có thể thấy môi trên, mũi và mí mắt.

1.1. Kích thước thai tuần thứ 8

Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 8 như sau:

- Cân nặng: Khoảng 1g
- Chiều dài đầu - mông (CRL): 1.6cm 

Vì kích thước thai còn quá nhỏ, chỉ tương đương với một quả mâm xôi, vì vậy bụng bầu của mẹ chưa nhô ra rõ, mẹ cũng chưa cảm nhận được các cử động “thai máy” (các cử động của thai nhi trong bụng).

1.2. Tim thai

Ở tuần thứ 8, tim của thai nhi đã phân thành 4 ngăn, nhịp tim khoảng 140 - 170 nhịp/phút ở cả bé gái và bé trai

Khi siêu âm ở tuần thứ 8, nếu bác sĩ không phát hiện ra tim thai thì có thể do thai nhi phát triển chậm nên tim thai chưa hình thành. Lúc này mẹ bầu sẽ được chỉ định làm lại xét nghiệm đo nồng độ hCG hoặc đợi 1-2 tuần sau siêu âm lại.

Tuy nhiên, nếu siêu âm không thấy tim thai kèm theo các triệu chứng như đau bụng, ra máu,... thì có thể rơi vào tình trạng thai ngừng phát triển hoặc chết lưu trong bụng mẹ, mẹ bầu cần nhập viện ngay.

1.3. Các phát triển khác của thai tuần thứ 8

- Chân, tay: Các tế bào xương thay thế sụn ban đầu, tay chân dài ra và bắt đầu phân chia các ngón dù vẫn còn màng dính. 

- Môi, mũi và mí mắt: Hàm trên và mũi bắt đầu hình thành, xuất hiện vành tai và miệng, mắt hình thành, có lớp da phủ lên trên sau này sẽ phát triển thành mí mắt. 

- Mạng lưới thần kinh: bắt đầu lan rộng khắp cơ thể của thai nhi tạo nên các kết nối, liên kết không chỉ với nhau mà còn với các cơ, mô và những cơ quan khác như mắt, tai,… 

- Hệ hô hấp: bắt đầu phát triển rõ rệt. Đường thở từ cổ họng đến các nhánh phổi đang hình thành.

- Nhau thai: đã khá trưởng thành nhưng chưa thể thay thế noãn hoàng để cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. 

Hình ảnh thai 8 tuần

Hình ảnh thai tuần thứ 8.

1.4. Thai tuần thứ 8 đã bám chắc chưa?

Ở giai đoạn này, thai nhi chưa bám chắc vào tử cung vì quá trình làm tổ và nhau thai chưa hoàn thiện. Mẹ bầu cần tránh vận động mạnh và quan hệ tình dục.

2. Mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai tuần thứ 8?

Mang thai tuần thứ 8, bụng mẹ vẫn chưa nhô lên nhưng kích thước tử cung đã to ra đáng kể và có thể chèn ép một số cơ quan khác.

Những người xung quanh có thể chưa nhận ra nhưng bản thân mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ các thay đổi như:

- Ốm nghén: Cảm giác buồn nôn và nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mẹ bầu cũng bị chán ăn và khó chịu hơn.
+ Nguyên nhân: chưa xác định được chính xác nguyên nhân của ốm nghén và mức độ khác nhau ở từng thai phụ. Có thể do sự tăng cao nồng độ hormone ở những tháng đầu gây ra. Ở hầu hết mẹ bầu, tình trạng ốm nghén sẽ biến mất sau tuần thai 12-14.  
+ Giải pháp: Mỗi khi thấy buồn nôn, hãy thử một chút trà gừng, kẹo gừng… có thể giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. 

- Tăng tiết dịch âm đạo: Khi mang thai dịch âm đạo (khí hư) tiết ra nhiều hơn mà còn loãng và dễ dính hơn so với những ngày bình thường. Sự thay đổi này cũng khiến mẹ bầu cảm thấy rất khó chịu.
+ Nguyên nhân: Nồng độ estrogen trong cơ thể mẹ bầu cao hơn dẫn đến dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn giúp làm sạch, chống nhiễm trùng cho ống sinh dục.
+ Giải pháp: Mẹ nên thay quần lót thường xuyên và chú ý vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nấm candida.


- Thay đổi ở vùng ngực: Ngực căng tức, núm vú sẫm màu hơn. 
+ Nguyên nhân: do nhu mô tuyến vú tăng sinh, ảnh hưởng bởi các hormone estrogen và progesteron. 
+ Giải pháp: Mẹ tránh sử dụng áo ngực chật chội, hãy sử dụng áo ngực rộng rãi cho bà bầu, có lớp đệm mềm mại. 
vị trí thai 8 tuần trong bụng mẹ

Vị trí thai tuần thứ 8 trong bụng mẹ.

3. Lời khuyên cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 8

3.1. Siêu âm ở tuần thứ 8

Nếu mẹ chưa đi khám thai ở tuần 5-7 thì đừng bỏ lỡ tuần thứ 8 này nhé. Đây là cột mốc siêu âm đầu tiên và rất quan trọng.

Lúc này, thai nhi đang ở bước đầu phát triển, siêu âm cho phép đánh giá được tình trạng chung của thai cũng như đưa ra độ tuổi chính xác nhất của thai nhi. 

Mẹ bầu có thể được bác sĩ chỉ định siêu âm thông qua 2 phương pháp: siêu âm qua thành bụng hoặc siêu âm đầu dò. 

Dựa trên tình trạng của mẹ bầu mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.

ảnh siêu âm thai 8 tuần

Ảnh siêu âm thai tuần thứ 8.

Ngoài siêu âm, khi khám thai tuần thứ 8, mẹ sẽ được thăm khám, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và nhận được những lời khuyên từ bác sĩ. 

3.2. Mẹ bầu tuần thứ 8 nên ăn gì để thai phát triển khỏe mạnh?

Giai đoạn 3 tháng đầu, mẹ bầu cần bổ sung thêm +50Kcal mỗi ngày so với khi chưa mang thai, tổng năng lượng mỗi ngày khoảng 1800-2100 Kcal.

Mẹ bầu không nên kiêng khem quá mức, cần ăn đủ các chất bột đường, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin, khoáng chất và uống viên bổ sung sắt và acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Tránh đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, cá chứa thủy ngân (cá hồi, cá ngừ, cá thu…), dứa, đu đủ, rau má, chùm ngây và các trái cây họ cam thảo để bảo vệ thai nhi.

3.3. Cách giảm ốm nghén

Mang thai tuần thứ 8 là thời kỳ mẹ gặp nhiều khó chịu do ốm nghén. Nếu nôn nghén quá nhiều, mẹ có thể thử một vài biện pháp sau:

- Lựa chọn thực phẩm cẩn thận, tránh lựa chọn các thực phẩm có mùi nồng, mùi lạ hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ khiến mẹ dễ nôn ói. 

- Thay đổi cách chế biến để món ăn vừa miệng hơn. 

- Chia nhiều bữa nhỏ. Luôn chuẩn bị một số đồ ăn vặt như trái cây, bánh quy, bánh mì,... bên người để thỉnh thoảng ăn.

- Bổ sung nước từng chút một, bổ sung sữa, nước ép trái cây... 

- Thử uống một chút trà gừng hoặc kẹo gừng sẽ có tác dụng giảm buồn nôn đáng kể.

- Tập luyện một số bài tập kéo giãn cơ kết hợp với hít thở nhẹ nhàng để lưu thông máu huyết, có thể giảm căng thẳng mệt mỏi và cảm giác khó chịu khi ốm nghén. 

>> Xem thêm: Cẩm nang ốm nghén: triệu chứng và cách khắc phục 

4. Dấu hiệu sảy thai 8 tuần tuổi

Lưu ý khi mẹ xuất hiện một số triệu chứng sau, mẹ phải đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và điều trị kịp thời:

- Chảy máu âm đạo nhiều, có thể ở dạng cục máu đông

- Đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội.

- Cảm giác tử cung co cứng, có thể kèm theo đau bụng.

- Mất các triệu chứng mang thai: Các triệu chứng như buồn nôn, căng tức ngực có thể giảm hoặc biến mất.

Ngoài ra, bạn nên biết thêm:

- Sảy thai sớm (trong 12 tuần đầu) thường do các vấn đề về nhiễm sắc thể của thai nhi.

- Các yếu tố nguy cơ sảy thai bao gồm tuổi mẹ cao, tiền sử sảy thai, bệnh lý của mẹ (như tiểu đường, bệnh tuyến giáp), hút thuốc, uống rượu và sử dụng chất kích thích.

Tuần thứ 8 của thai kỳ là lúc thai nhi phát triển nhanh chóng nhưng cũng rất nhạy cảm. Mẹ hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình để giữ thai an toàn và cố gắng vượt qua sự khó chịu của tình trạng ốm nghén nhé.