Thai máy (hay còn gọi là cử động thai) là dấu hiệu quan trọng phản ánh sự phát triển và sức khỏe của em bé trong bụng mẹ, đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ. Việc theo dõi những cử động này giúp mẹ yên tâm hơn về tình trạng của con. Tuy nhiên, nếu bé đột ngột không còn đạp, đây có thể là dấu hiệu bất thường mà mẹ cần chú ý và đi khám ngay.
1. Thai máy là gì? Khi nào mẹ có thể cảm nhận được?
Thai máy là những cử động của em bé khi còn nằm trong bụng mẹ, bao gồm các hoạt động như đạp, duỗi tay chân, vặn mình hay chuyển mình.
Thai nhi thực chất đã bắt đầu cử động từ khoảng tuần thứ 7 - 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, bé còn rất nhỏ và các cử động còn nhẹ nhàng nên mẹ chưa thể cảm nhận được.
Thông thường, mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận rõ ràng những chuyển động này vào khoảng tuần thứ 16 - 17, hoặc có thể muộn hơn một chút, từ tuần 20 đối với những mẹ mang thai lần đầu. Giai đoạn bé hoạt động tích cực nhất thường là từ cuối tuần 25 đến tuần 32.
Nếu sau 5 tháng mà mẹ vẫn chưa cảm nhận được thai máy, đó có thể là dấu hiệu bất thường.
Tùy vào giai đoạn cảm nhận về thai máy của mẹ sẽ khác nhau.
Những mẹ có thành bụng dày thường khó cảm nhận hơn người có thành bụng mỏng. Ngoài ra, lượng nước ối quá ít hoặc quá nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận thai máy.
Ban đầu, mẹ có thể chỉ cảm thấy như có gì đó “nhúc nhích” nhẹ trong bụng, nhưng khi thai lớn dần, cảm giác đạp, quẫy sẽ rõ ràng hơn.
Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ cần phân biệt thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung khiến bụng căng cứng toàn bộ và có thể gây đau, còn thai máy thường chỉ xuất hiện ở một vùng bụng nhất định.
2. Cách kiểm tra thai máy
Mẹ nên đếm cử động thai sau mỗi bữa ăn no, vì đây là lúc thai nhi thường hoạt động nhiều.
Tốt nhất, mẹ nên thực hiện việc này 2 - 3 lần mỗi ngày, vào các thời điểm khác nhau để có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng của bé.
Lưu ý, khi thai nhi đang ngủ, bé sẽ ít hoặc không cử động. Thời gian ngủ của thai nhi thường kéo dài từ 20 đến 40 phút và hiếm khi vượt quá 90 phút.
3. Thai máy như thế nào là bình thường?
- Thai nhi bình thường khi có hơn 4 cử động trong vòng 30 phút, lặp lại 3 lần mỗi ngày.
- Nếu mẹ cảm thấy bé cử động ít hơn 4 lần, hãy nằm nghỉ và tiếp tục đếm cử động trong vòng 1 giờ hoặc kéo dài từ 2 đến 4 giờ.
+ Nếu trong 1 giờ, bé cử động hơn 4 lần thì không có gì đáng lo ngại.
+ Nếu trong 4 giờ, bé có nhiều hơn 10 cử động, mẹ có thể yên tâm và tiếp tục theo dõi 3 lần mỗi ngày như bình thường.
Tháng cuối thai kỳ, thai máy hoạt động tối thiểu 3 - 4 lần/ giờ.
4. Thai máy như thế nào là bất thường?
4.1. Thai không máy, thai máy yếu
- Nếu mẹ cảm nhận được ít hơn 4 cử động của thai nhi, hãy nằm nghỉ và tiếp tục đếm thêm trong 1 - 2 giờ.
- Nếu sau 2 giờ mà bé vẫn cử động dưới 10 lần, mẹ cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và theo dõi bằng các phương pháp chuyên sâu hơn.
4.2. Có triệu chứng bất thường đi kèm
Nếu mẹ bị nôn nhiều, ngực bớt căng, ra máu âm đạo hoặc đau bụng, kèm thai không máy thì cần đến viện ngay. Đây có thể là dấu hiệu thiếu ối, thiếu oxy hoặc vấn đề ở nhau thai.
4.3. Thai máy quá nhiều
Khi thai nhi cử động quá nhiều, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thai máy bất thường. Nguyên nhân có thể do thai nhi đang trải qua căng thẳng, hoặc có thể là do người mẹ đang gặp phải những vấn đề stress.
Lúc này bà mẹ cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu thai máy vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra.
5. Mẹ bầu cần làm gì khi thai máy bất thường?
Trong suốt thai kỳ, đặc biệt là những tháng cuối, nếu mẹ nhận thấy thai máy yếu hoặc ít hơn 3 - 4 lần trong một giờ, hãy nằm nghỉ và tiếp tục theo dõi thêm một giờ nữa.
Nếu sau 2 giờ mà bé vẫn cử động dưới 10 lần, mẹ cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và theo dõi bằng các phương pháp chuyên sâu hơn.
5.1. Thăm khám bác sĩ kịp thời
Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để đánh giá sức khỏe và tình trạng tim thai, như: đo tim thai không stress (non-stress test), siêu âm, kiểm tra lượng nước ối, siêu âm Doppler mạch máu…
Tùy theo kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí phù hợp, thậm chí có thể chỉ định sinh sớm nếu cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp giảm thai máy đều có thể xử lý tốt để mẹ tiếp tục thai kỳ an toàn và bé chào đời khỏe mạnh.
Mẹ bầu cần đi khám nếu thấy thai máy bất thường.
5.2. Chú trọng dinh dưỡng
Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ không chỉ làm giảm sức đề kháng của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dễ gây sinh non hoặc khó sinh. Mẹ nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất:
- Chất đạm: từ thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa, đậu và ngũ cốc.
- Chất béo: hỗ trợ phát triển não bộ và hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).
- Chất đường và vitamin: có trong trái cây tươi, rau củ và ngũ cốc.
>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho bà bầu vào 3 tháng cuối thai kỳ
5.3. Giữ tinh thần thoải mái
Ngoài việc theo dõi thai máy và dinh dưỡng, mẹ cũng nên hạn chế căng thẳng, mệt mỏi. Hãy tạo cho mình một không gian sống thư giãn, luôn giữ tinh thần tích cực để bé yêu phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Tóm lại, thai máy là dấu hiệu sống còn cho thấy bé yêu đang phát triển khỏe mạnh. Khi mẹ nhận thấy tình trạng thai nhi không đạp hoặc đạp ít bất thường, điều quan trọng là không nên chủ quan. Hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xác định nguyên nhân chính xác.