1. Dấu hiệu thai phát triển khoẻ mạnh
Thời điểm thai 35 tuần là tuần đầu tiên của tháng thứ 9 thai kỳ - giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước kỳ bé chào đời.
1.1. Kích thước và cân nặng thai 35 tuần
Chỉ số trung bình của thai 35 tuần:
- Kích thước: Dài khoảng hơn 46.2 cm
- Cân nặng: Nặng khoảng 2.4 kg
Mẹ có thể hình dung em bé lúc này có trọng lượng tương đương một quả dưa mật. Đây cũng là thời điểm em bé tăng cân nhanh, trung bình em bé sẽ tăng khoảng 200 - 300g mỗi tuần.
Kích thước và cân nặng thai 35 tuần.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
- Da: mềm mại và hồng hào. Lớp lông tơ và lớp màng sáp Vernix bọc quanh cơ thể bé đang mất dần.
- Các cơ quan nội tạng: đã hoàn thiện, gan bắt đầu có thể xử lý chất thải.
- Thận: đã hoàn thiện các chức năng. Thai nhi có thể tiểu tiện ngay vào nước ối. Phân đầu tiên của bé (phân su) đang hình thành trong ruột của bé và sẽ bài tiết lần đầu tiên sau khi bé chào đời.
- Não: vẫn tiếp phát triển với tốc độ nhanh chóng. Xương hộp sọ vẫn mềm tạo không gian để não phát triển và em bé dễ dàng chui ra hơn khi mẹ chuyển dạ.
- Nước ối: bắt đầu giảm xuống để chuẩn bị cho quá trình chào đời.
1.3. Cử động đạp của thai nhi
- Sự phát triển nhanh chóng của em bé khi thai 35 tuần làm cho tử cung của mẹ ngày càng chật chội hơn. Bé có ít chỗ để di chuyển nhưng lại năng động hơn. Do đó mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn các tiếp xúc, cú “va chạm” của bé với tần suất dày hơn, đôi khi có thể làm mẹ hơi đau một chút.
- Lượng nước ối bắt đầu giảm, em bé đang di chuyển xuống thấp hơn ở vùng khung xương chậu của mẹ để chuẩn bị cho quá trình đời. Vì vậy mẹ sẽ thấy nặng bụng dưới hơn.
2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 35
Em bé và mẹ sẽ đều tăng cân rất nhiều ở những tuần cuối của thai kỳ. Trọng lượng và hình dáng cơ thể thay đổi sẽ khiến mẹ gặp đôi chút khó khăn trong thời gian này. Mẹ hãy lưu ý đến một số thay đổi sau của cơ thể nhé:
- Chứng ợ nóng (còn gọi là chứng khó tiêu hoặc trào ngược axit))
+ Nguyên nhân: Lúc này tử cung của mẹ đã nhô lên dưới khung xương sườn. Nó làm chật các cơ quan nội tạng của mẹ, đây là nguyên nhân mà mẹ phải đối mặt với chứng ợ nóng gia tăng.
+ Giải pháp: Mẹ hãy hạn chế các loại đồ ăn như đồ uống có ga, chocolate, các loại trái cây họ cam quýt,... Ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày và hạn chế ăn vài giờ trước khi đi ngủ.
- Bệnh trĩ
+ Nguyên nhân: Những mạch máu sưng lên ở khu vực trực tràng áp lực từ tử cung đang lớn lên, cộng với mức progesterone (hormon sinh dục nữ) tăng và chứng táo bón khi mang thai.
+ Giải pháp: Mẹ hãy đảm bảo cơ thể đủ nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ và tăng cường vận động nhẹ nhàng.
- Đi tiểu thường xuyên hơn
+ Nguyên nhân: Em bé di chuyển xuống thấp hơn ở vùng khung xương chậu chèn ép lên bàng quan nhiều hơn, vì vậy mẹ sẽ đi tiểu thường xuyên hơn cả giai đoạn trước. Tuy nhiên điều này lại giúp phổi của mẹ được “giải phóng” khỏi sự chèn ép và mẹ không còn cảm thấy khó thở như trước.
+ Giải pháp: Mẹ hãy chuyển sang phòng ngủ gần nhà vệ sinh hơn, hoặc để một chiếc bô nhỏ có nắp đậy trong phòng để tiện sử dụng.
- Chậm chạp hơn
+ Nguyên nhân: Cân bằng cơ thể sẽ khó khăn hơn khi mẹ đang cận kề ngày sinh nở. Mẹ sẽ cảm thấy vụng về hơn bình thường, điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mang thai 35 tuần.
+ Giải pháp: Mẹ nên vận động nhẹ nhàng, an toàn - nếu cần với lấy thứ gì đó trên kệ cao, hãy nhờ người thân thay vì trèo lên ghế để lấy nó.
Vị trí thai 35 tuần trong bụng mẹ.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 35
Những khó khăn và nặng nề của mẹ khi mang thai 35 tuần có thể được giảm bớt phần nào đó nhờ vào sự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Đồng thời, mẹ đừng quên đi khám thai định kỳ nhé.
3.1. Siêu âm thai tuần 35
Kể từ tháng thứ 9, mẹ nên đi siêu âm hàng tuần để kịp thời nắm bắt tình hình thai nhi, chuẩn bị cho ngày sinh nở.
Khi khám thai trong thời gian từ tuần 35 đến khi sinh, bác sĩ sẽ thực hiện:
- Siêu âm và nghe tim thai để đánh giá sự phát triển của trẻ.
- Kiểm tra cổ tử cung để chẩn đoán nguy cơ sinh non.
- Thử máu, nước tiểu để phát hiện tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và các vấn đề khác.
Hình ảnh siêu âm thai 35 tuần.
3.2. Dinh dưỡng
- Ăn uống cân bằng với đầy đủ các nhóm chất, tuy nhiên cần tuân thủ chế độ ăn uống theo tư vấn riêng của bác sĩ. Chẳng hạn, các mẹ có chỉ số đường huyết cao có thể sẽ phải hạn chế ăn tinh bột.
- Hạn chế ăn mặn và ăn các thực phẩm phẩm không tốt cho dạ dày như: đồ uống có ga, socola, mù tạt, giấm, các sản phẩm bạc hà, thịt chế biến và thực phẩm béo, cay, chiên hoặc nhiều gia vị,...
- Uống đủ 1,5 - 2l nước mỗi ngày.
- Có thể uống thêm vitamin bầu theo tư vấn của bác sĩ.
3.3. Chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga, hoặc thử các bài xoa bóp nhẹ nhàng giúp giảm chứng đau đầu ở những tuần cuối của thai kỳ.
- Chuẩn bị và hoàn thiện kế hoạch sinh. Từ thai 35 tuần, bố mẹ nên bắt tay vào sửa soạn giỏ đồ đi sinh của con, chuẩn bị các đồ dùng cần thiết cho mẹ. Tất cả đồ dùng này nên được phân loại và để riêng vào giỏ đồ đề phòng trường hợp chuyển dạ bất ngờ.
- Mẹ có thể thu xếp công việc để nghỉ thai sản từ khoảng thời gian này.
4. Dấu hiệu sinh non tuần 35
- Đau bụng từng cơn và cảm giác nặng ở bụng dưới.
- Ra dịch âm đạo màu hồng hoặc dịch nhầy.
- Xuất hiện các cơn co tử cung liên tục dưới 10 phút một lần, có khi đến mức 2-3 phút/lần.
- Vỡ ối, rỉ ối.
Nếu có một trong các dấu hiệu trên, mẹ nên đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra kịp thời.
Riêng với các nhóm bà mẹ có nguy cơ đặc biệt, có bệnh nền thì cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và nhập viện ngay khi có yêu cầu.