1. Dấu hiệu thai tuần thứ 30 khỏe mạnh
Tuần thứ 30, tốc độ phát triển của thai càng nhanh hơn để chuẩn bị cho thời điểm ra đời.
1.1. Kích thước và cân nặng thai nhi tuần thứ 30
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 30 như sau:
- Kích thước: Dài khoảng 39,9 cm tính từ đầu đến gót chân
- Cân nặng: Nặng khoảng 1,3 kg
So với tuần thứ 29, thai dài thêm khoảng 1,3cm và cân nặng tăng thêm khoảng 150gram.
Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi đang giống như 1 rau bắp cải trong bụng của mẹ.

Kích thước thai nhi tuần thứ 30.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
Ngoài kích thước và cân nặng, mẹ cùng xem thai nhi tuần thứ 30 bé sẽ có những thay đổi gì trong cơ thể nhé:
- Não: các nếp nhăn (vết các rãnh và vết lõm) trên não xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Các nếp nhăn này cho phép tăng số lượng mô não trên cùng thể tích, phát triển trí thông minh khi trẻ chào đời.
- Tuỷ xương: hoàn toàn đảm nhiệm việc sản xuất hồng cầu, chức năng mà trước đó do các mô và lá lách thực hiện.
- Da: Các tế bào da của thai nhi đang tạo ra hắc tố, tạo màu cho da. Lớp sáp màu trắng (vernix) và lớp lông tơ bao phủ làn da (langugo) tiếp tục rụng dần.
- Tóc bắt đầu mọc dầy hơn và rõ màu.
- Mắt: Em bé có thể mở mắt và có thể nhìn thấy những hình dạng lờ mờ.
- Thính giác: Phát triển gần đạt đến hoàn thiện, mẹ có thể thấy thai nhi cử động khi có tiếng động lớn.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 30
1.3. Cử động đạp của thai nhi
Bước sang tuần thứ 30, thai nhi đã lớn hơn nhiều và không gian trong tử cung trở nên chật chội hơn. Vì vậy, mẹ sẽ cảm thấy bé ít cử động hơn so với trước đây.
Ngoài những cú đạp quen thuộc, bé còn bắt đầu có phản xạ mút ngón tay.
Ở tuần này, thai nhi thường nằm ở tư thế đầu quay xuống và đầu có xu hướng tụt sâu hơn vào khung chậu của mẹ.
2. Những thay đổi của mẹ bầu tuần 30
2.1. Thay đổi về thể chất
- Bụng: tiếp tục tăng kích thước, tuy nhiên sẽ bắt đầu có xu hướng lớn hơn ở phía dưới khi thai nhi bắt đầu hạ xuống vùng xương chậu của mẹ để chuẩn bị chào đời.
- Rốn lồi hẳn ra rõ rệt: Rốn của bạn có thể đã bắt đầu nhô ra từ tam cá nguyệt thứ 3, tuy nhiên đến tuần 30 này, bạn sẽ thấy rốn lồi hẳn ra và trở nên nhạy cảm hơn, ngay cả khi chỉ bị quần áo cọ vào.
+ Nguyên nhân: Tử cung mở rộng tạo áp lực lên bụng để đẩy rốn ra ngoài
+ Giải pháp: Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cảm giác khó chịu cho rốn. Ngoài ra, nếu bạn bị đau vùng rốn, khi sờ vào thấy một cục cứng cạnh rốn thì nên đến bệnh viện ngay vì rất có thể bạn đã bị “thoát vị rốn” (một đoạn ruột bị lồi ra ngoài ở vùng rốn) rất nguy hiểm.
- Sưng phù ở chân và mắt cá nhân trở nên thường gặp hơn ở những tháng cuối thai kỳ
+ Nguyên nhân: Tử cung tăng kích thước gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, máu dồn xuống chân nhiều gây hiện tượng sưng phù
+ Giải pháp: Thường xuyên mát xa, xoa bóp chân trước khi đi ngủ.

Hình ảnh thai tuần thứ 30 trong bụng mẹ.
2.2. Các vấn đề thường gặp
Ngoài các vấn đề như táo bón, trĩ, khó ngủ, đau lưng... đã được nhắc đến ở các bài trước, mẹ bầu còn có thể gặp phải những vấn đề sau:
- Mệt mỏi: Mẹ dễ gặp mệt mỏi hơn ở cuối tam cá nguyện thứ 3, ngay cả khi làm những công việc bình thường.
+ Nguyên nhân: Cơ thể mẹ phải mang thêm trọng lượng (bao gồm cả em bé đang nhanh chóng lớn lên) nên tiêu hao nhiều năng lượng hơn khi hoạt động. Ngoài ra, đây cũng có thể là biểu hiện của việc thiếu sắt.
+ Giải pháp: Hạn chế làm việc nặng, dừng công việc và nghỉ ngơi ngắn trong 5-10 phút ngay khi cảm thấy mệt, sau đó mới bắt đầu làm tiếp. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc.
- Khó thở
+ Nguyên nhân: Cơ thể mẹ cần nhiều oxy hơn khi mang thai và tử cung đang phát triển gây áp lực lên cơ hoành – dẫn đến khó thở.
+ Giải pháp: Đây là biểu hiện bình thường ở những tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên mẹ bầu cũng nên hạn chế leo cầu thang và làm các việc nặng để hạn chế tình trạng này.
- Tâm trạng bất ổn: Mẹ có thể gặp nhiều cảm xúc tiêu cực hơn trong những tháng cuối thai kỳ.
+ Nguyên nhân: Do các triệu chứng khó chịu mà cơ thể gặp phải, sự căng thẳng gần ngày em bé chào đời và sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể.
+ Giải pháp: Khi gặp cảm xúc tiêu cực, mẹ hãy nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Đồng thời gia đình hãy thường xuyên quan tâm, động viên và nhường nhịn mẹ bầu trong thời gian này nhé.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 30
Mẹ cùng xem một số vấn đề cần lưu ý ở tuần thai thứ 30 nhé!
3.1 Siêu âm thai tuần thứ 30
Tuần này, không nhất thiết phải đi siêu âm thai, nhưng nếu mẹ muốn thấy đường nét rõ hơn của bé hoặc có lịch hẹn với bác sĩ thì có thể đến siêu âm nhé.
3.2. Mang thai tuần thứ 30 nên ăn gì?
- Cẩm nang dinh dưỡng tuần 30 vẫn bao gồm các loại thực phẩm giàu sắt, protein, canxi, axit folic, vitamin K và các loại rau xanh, hoa quả.
- Riêng với các thực phẩm giàu tinh bột như cơm, bánh mì, ngũ cốc..., mặc dù rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ, tuy nhiên mẹ hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Nếu mẹ có chỉ số đường huyết cao, tiềm ẩn nguy cơ tiểu đường thai kỳ thì nên hạn chế.

Ngoài ra mẹ nên tránh:
+ Những thực phẩm nhiều đường, đồ ăn chế biến sẵn nhiều giàu mỡ.
+ Không được hút thuốc lá, uống rượu, và những đồ uống chứa caffein.
3.3. Chế độ sinh hoạt
Không chỉ riêng dinh dưỡng mẹ cũng cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh để thai nhi có thể phát triển một cách tốt nhất:
- Tập thể dục nhẹ nhàng dành cho bà bầu.
- Cố gắng ngủ đủ giấc.
- Theo dõi chuyển động của thai nhi hằng ngày.
- Vì mẹ đang khá mệt mỏi và đau lưng nên mẹ có thể tham khảo những chiếc gối dành riêng cho bà bầu mẹ nhé.
4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay
- Xuất hiện các cơn đau thắt tử cung.
- Chảy máu âm đạo.
- Chóng mặt, buồn nôn.
- Thai nhi thiếu cử động.
- Sưng phù bất thường, chẳng hạn như chỉ phù một bên chân.
Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu ở tuần thai thứ 30. Hy vọng đây là những thông tin hữu ích cho các mẹ bầu.