Táo bón - tình trạng mẹ bầu thường gặp vào những tháng cuối thai kỳ

Táo bón là một vấn đề phổ biến mà nhiều mẹ bầu gặp phải trong suốt thai kỳ. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp mẹ hiểu rõ hơn về táo bón và biết cách xử lý hiệu quả vấn đề này.

1. Tại sao bà bầu thường bị táo bón? 

1.1. Tăng Hormone Progesterone

Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao làm thư giãn các cơ trơn trong cơ thể, bao gồm cả cơ ruột. 

Điều này khiến nhu động ruột hoạt động chậm lại, thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa lâu hơn, nước bị tái hấp thu nhiều hơn, dẫn đến phân trở nên khô, cứng và khó tống ra ngoài.

1.2. Áp lực từ thai nhi đang lớn 

Thai nhi và tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép lên các cơ quan trong ổ bụng, đặc biệt là phần ruột già (trực tràng), các tĩnh mạch và dây thần kinh vùng chậu. 

Sự chèn ép này làm cản trở đường đi của phân và làm chậm thêm quá trình tiêu hóa, tình trạng này thường nặng hơn vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Tử cung lớn do thai nhi phát triển có thể chèn ép ruột, làm chậm tiêu hóa và đào thải phân.

1.3. Ít vận động 

Bụng bầu to và nặng nề hơn khiến việc đi lại, vận động trở nên khó khăn, làm nhiều mẹ bầu có xu hướng ít vận động. 

Thiếu hoạt động thể chất cũng góp phần làm giảm sự co bóp và hoạt động của ruột.

1.4. Nhịn đi vệ sinh 

Nhiều mẹ bầu có thói quen nhịn khi buồn đi tiêu. Việc này khiến phân tích tụ lâu trong ruột, gây táo bón.

1.5. Ăn quá nhiều

Ăn nhiều để nuôi thai nhi là điều cần thiết, nhưng nếu ăn vượt quá khả năng tiêu hóa, thức ăn sẽ tồn đọng và gây táo bón.

1.6. Uống nhiều sắt và canxi

Việc bổ sung các viên sắt và canxi, dù rất cần thiết cho thai kỳ, cũng là một tác dụng phụ phổ biến gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng táo bón, đặc biệt là sắt.

2. Táo bón ảnh hưởng thế nào đến mẹ bầu? 

Dù táo bón ở bà bầu không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nó vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của mẹ. 

Nếu không được khắc phục sớm, táo bón có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng thai nhi, thậm chí gây bệnh trĩ.

Táo bón lâu ngày chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ ở mẹ bầu. 

Khi bị táo bón, áp lực từ ruột và trực tràng gần thai nhi khiến mẹ cảm thấy nặng nề hơn. Tình trạng này còn gây chán ăn, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, và tích tụ chất thải trong cơ thể do không đi ngoài được. 

Các bác sĩ cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu táo bón kéo dài trong thai kỳ:

- Thiếu hụt dinh dưỡng: Táo bón khiến mẹ đầy bụng, khó chịu, ngại ăn, dẫn đến thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

- Nguy cơ sảy thai: Việc rặn mạnh khi đi vệ sinh làm tăng áp lực, dễ gây sảy thai.

- Bệnh trĩ và biến chứng: Táo bón lâu ngày là nguyên nhân chính gây trĩ, viêm đại tràng, thậm chí ung thư đại tràng.

- Nhiễm độc thai nhi: Các chất độc như phenol, amoniac tích tụ trong ruột, tái hấp thu vào máu, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.

Đặc biệt, táo bón ở 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến biến chứng sau sinh như trĩ nội/ngoại, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng. 

Những biến chứng này làm suy giảm chất lượng cuộc sống, gây đau, đại tiện ra máu, viêm nhiễm hậu môn,… Đây đều là những hệ lụy của táo bón gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của thai phụ và em bé.

3. Cách phòng tránh táo bón ở mẹ bầu 

Mẹ bầu hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và giảm bớt tình trạng táo bón khó chịu bằng những thay đổi trong lối sống hàng ngày:

3.1. Ăn nhiều chất xơ

Chất xơ giúp phân mềm, tăng nhu động ruột và đẩy nhanh quá trình thải chất cặn bã. 

Mẹ bầu nên bổ sung rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, trái cây sấy khô…Trong quá trình đi ngoài, nếu phân đều, mềm là dấu hiệu bạn đã nạp đủ chất xơ.

Thanh long và đậu bắp chứa nhiều chất nhầy, giúp bôi trơn đường tiêu hóa và làm cho phân di chuyển dễ dàng hơn.

3.2. Chia nhỏ bữa ăn

Thay vì ăn 3 bữa lớn như thông thường, mẹ hãy thử chia thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Cách này giúp hệ tiêu hóa xử lý thức ăn nhẹ nhàng, tránh quá tải và giảm cảm giác đầy bụng.

Thói quen ăn quá nhiều, quá nhanh hoặc các bữa quá gần nhau sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến ruột khó hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả.

3.3. Uống đủ nước

Uống nhiều nước giúp làm mềm phân và kích thích nhu động ruột. 

Mẹ bầu nên uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày, ưu tiên uống một ly nước ấm vào buổi sáng và trước khi ngủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

3.4. Tập thói quen đi vệ sinh buổi sáng

Tập thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm cố định trong ngày (ví dụ: sau bữa ăn sáng). 

Quan trọng nhất là mẹ hãy lắng nghe cơ thể và đi ngay khi có cảm giác muốn đi tiêu, tuyệt đối không nên nhịn.

3.5. Vận động nhẹ nhàng

Dù hạn chế di chuyển ở cuối thai kỳ, mẹ vẫn nên duy trì các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga bầu hoặc bơi lội. 

Chỉ 15 phút mỗi ngày cũng giúp kích thích tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.

Mỗi ngày vận động nhẹ nhàng giúp mẹ bầu dễ tiêu hóa hơn, giảm nguy cơ táo bón.

3.6. Chọn viên sắt dễ hấp thu

Viên sắt vô cơ dễ gây táo bón, nóng trong. Mẹ nên chọn sắt hữu cơ (fumarat, gluconat) để cơ thể hấp thu tốt hơn, ít kích ứng ruột. 

Trong đó, sắt Heme là loại sắt dễ hấp thụ nhất đối với cơ thể con người. 

>> Xem thêm: Uống viên sắt bị táo bón, nôn nao phải làm sao?

4. Mẹ bầu có nên sử dụng các loại thuốc nhuận tràng khi mang thai?

Nếu táo bón nhẹ, chỉ gây đau khi đi ngoài, mẹ không nhất thiết phải dùng thuốc mà nên thử các biện pháp tự nhiên trước. 

Thuốc nhuận tràng chỉ cần thiết trong các trường hợp nặng và phải do bác sĩ chỉ định, vì có thể gây tăng nhu động ruột, dẫn đến khó chịu hoặc mệt mỏi, đặc biệt ở mẹ bầu nhạy cảm. 

4.1. Các trường hợp nên cân nhắc dùng thuốc

- Táo bón kéo dài: Khi chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước mà vẫn không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhuận tràng để hỗ trợ đi tiêu dễ dàng hơn.

- Nguy cơ bị trĩ: Táo bón nặng có thể gây áp lực lên vùng hậu môn, trực tràng dẫn đến trĩ. Trường hợp này, thuốc nhuận tràng giúp làm mềm phân, giảm tình trạng rặn mạnh và hỗ trợ phòng tránh biến chứng.

- Nứt hậu môn: Khi phân cứng gây rách niêm mạc hậu môn, mẹ bầu sẽ cảm thấy rất đau mỗi lần đi tiêu. Sử dụng thuốc làm phân mềm, giảm đau và chảy máu khi đi ngoài.

Chỉ những trường hợp mẹ bầu táo bón quá nặng mới cần sử dụng thuốc uống nhuận tràng.

4.2. Một số lưu ý khi mẹ bầu dùng thuốc nhuận tràng 

- Mẹ bầu nên ưu tiên các loại thuốc làm mềm phân như docusate sodium, vì chúng được xem là an toàn trong thai kỳ khi dùng đúng liều lượng.

- Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc nhuận tràng kích thích (như senna) hoặc thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hấp thu dưỡng chất (như dầu khoáng), trừ khi có sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ chuyên khoa.

- Không lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài vì có thể khiến cơ thể phụ thuộc và làm rối loạn hoạt động tự nhiên của ruột.

Táo bón khi mang thai thường là tình trạng tạm thời và sẽ cải thiện sau sinh. Mẹ bầu nên ưu tiên cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, tập luyện nhẹ nhàng và giữ tinh thần thoải mái. Chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết và luôn có sự tư vấn từ bác sĩ mẹ nhé!