Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu nhận thấy cơ thể có mùi khó chịu hơn bình thường dù đã vệ sinh kỹ. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi nội tiết tố, tăng tiết mồ hôi và sự nhạy cảm với mùi. Bài viết sẽ giải mã chi tiết và hướng dẫn cách khắc phục an toàn, giúp mẹ tự tin suốt 9 tháng "bầu bí".
1. Những mùi cơ thể mẹ bầu thường gặp phải
1.1. Hôi miệng
Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn mẹ bầu thường bị nghén nặng. Cảm giác buồn nôn, nôn ói không chỉ làm mẹ mệt mỏi mà còn khiến hơi thở có mùi khó chịu. Điều này xuất phát từ:
- Thay đổi nội tiết tố (tăng progesterone) gây trào ngược axit.
- Giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Vệ sinh răng miệng không kỹ khi mệt mỏi vì nghén.
Ngoài mùi hôi, mẹ bầu còn có nguy cơ sâu răng, viêm nướu, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
1.2. Hôi nách
Sự thay đổi hormone (đặc biệt là tăng nồng độ estradiol) khiến tuyến mồ hôi và bã nhờn hoạt động mạnh.
Kèm theo đó, tâm lý căng thẳng, stress khiến mồ hôi chứa nhiều axit béo hơn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh mùi.
Một số loại thuốc bổ, thực phẩm đưa vào cơ thể trong thời gian mang thai cũng tác động đến việc tạo mùi hôi khó chịu cho cơ thể.
Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi khiến bà bầu dễ có mùi cơ thể.
Do đó, dù ít hay nhiều, dù nặng hay nhẹ, thì mẹ bầu cũng đều có mùi “bất thường”, gây ái ngại cho bản thân và cho người xung quanh.
1.3. Hôi vùng kín
Trong thai kỳ, dịch âm đạo tiết ra nhiều do tăng estrogen và progesterone. Điều này khiến vùng kín luôn ẩm ướt, dễ có mùi và dễ viêm nhiễm nếu mẹ không vệ sinh đúng cách.
Trừ khi có thêm triệu chứng ngứa, rát, đau bụng dưới, còn nếu chỉ có mùi nhẹ thì mẹ không cần quá lo lắng.
Quan trọng là mẹ hãy giữ vệ sinh đúng cách để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa trong thai kỳ.
2. Nguyên nhân gây ra mùi cơ thể khi mang thai
2.1. Thay đổi nội tiết tố
Hormone estrogen tăng cao làm mẹ bầu có khứu giác nhạy hơn và cơ thể cũng có xu hướng nặng mùi hơn, đặc biệt ở vùng kín và nách.
2.2. Đổ mồ hôi nhiều
Nhiệt độ cơ thể mẹ bầu tăng lên, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn ngay cả trong thời tiết mát mẻ. Mồ hôi khi đọng lại trên da là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phân hủy, gây mùi khó chịu.
2.3. Tăng độ nhạy cảm
Mẹ bầu thường "ngửi thấy" mùi cơ thể rõ hơn do thay đổi thần kinh cảm giác dưới tác động của hormone.
Điều này khiến mẹ lo lắng quá mức, trong khi người xung quanh có thể không hề nhận ra mùi.
2.4. Cơ thể chuẩn bị cho con bú
Khi thai lớn dần, cơ thể mẹ bắt đầu sản sinh mùi sữa đặc trưng ở vùng ngực, nách.
Mùi này có vai trò giúp bé nhận diện mẹ sau sinh. Tuy nhiên, mẹ có thể thấy khó chịu vì mùi hăng nồng hơn bình thường.
2.5. Mùi bất thường từ âm đạo
Nguyên nhân có thể do:
- Mất cân bằng pH âm đạo.
- Đổ mồ hôi vùng kín.
- Viêm nhiễm phụ khoa.
- Chế độ ăn uống nhiều thực phẩm có mùi mạnh.
Viêm nhiễm vùng kín khi mang thai khiến mẹ bầu bị nặng mùi vùng kín.
2.6. Thay đổi chế độ ăn uống
Một số thực phẩm khi mang thai khiến mùi cơ thể nặng hơn:
- Tỏi, hành, thịt đỏ: chứa hợp chất sulfur và axit amin ảnh hưởng mồ hôi.
- Hải sản: mùi tanh có thể tồn tại trong mồ hôi hoặc dịch âm đạo.
- Rau cải, bông cải: giàu lưu huỳnh, gây mùi khi bài tiết qua da.
2.7. Tuyến giáp hoạt động bất thường
Tuy hiếm gặp, nhưng thay đổi tuyến giáp trong thai kỳ cũng có thể khiến mẹ đổ mồ hôi ban đêm.
Khi tuyến giáp tiết nhiều hormone, cơ thể nóng lên, làm tăng tiết mồ hôi và mùi hôi.
2.8. Tăng cân
Khi mang thai, việc tăng cân có thể tạo nhiều nếp gấp da ở vùng nách, ngực, bụng và bẹn.
Mồ hôi đọng lại cùng vi khuẩn hoặc nấm men ở các nếp gấp ẩm ướt này không chỉ gây mùi cơ thể mà còn dẫn đến kích ứng da, nứt nẻ hoặc viêm nhiễm.
3. Cách giúp mẹ bầu giảm mùi cơ thể khi mang thai
3.1. Tắm rửa và gội đầu thường xuyên
Mẹ bầu nên tắm hàng ngày với xà phòng dịu nhẹ, diệt khuẩn để loại bỏ vi khuẩn gây mùi.
Sau khi tắm, mẹ bầu đừng quên lau khô kỹ vùng nách, bẹn bằng khăn mềm.
Gội đầu 2-3 lần/ tuần cũng giúp tránh tình trạng tóc bết dính và có mùi do mồ hôi tiết nhiều khi mang thai.
Để giảm mùi cơ thể, mẹ bầu cần tắm rửa mỗi ngày.
3.2. Giữ vùng kín sạch sẽ và khô ráo
Mẹ bầu nên rửa vùng kín hàng ngày bằng nước ấm và tỉa lông gọn gàng để tránh ngứa và nguy cơ nhiễm trùng.
Tuyệt đối không dùng các sản phẩm thụt rửa âm đạo hoặc các dung dịch vệ sinh có hương liệu vì có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh tự nhiên.
>> Xem thêm: Top 5 Dung dịch vệ sinh cho bà bầu tốt nhất hiện nay
3.3. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Khi mang thai, mẹ bầu nên ưu tiên chọn quần áo rộng rãi (đặc biệt là đồ lót) được làm từ chất liệu cotton hoặc vải lanh mềm mại, thấm hút tốt và thoáng khí.
Mẹ bầu cần thay đồ ngay khi đổ mồ hôi, tránh mặc lại quần áo chưa giặt để ngăn ngừa kích ứng da.
Đặc biệt, đồ lót cần được giặt sạch và phơi dưới nắng mỗi ngày để diệt vi khuẩn, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm trong thai kỳ.
3.4. Ăn uống lành mạnh
Mẹ bầu cần tránh ăn quá nhiều hành, tỏi, thịt đỏ vì chúng khiến cơ thể nặng mùi khi mang thai. Việc bổ sung dồi dào trái cây, rau xanh có thể làm giảm mùi cơ thể và cũng có lợi cho thai nhi.
Uống đủ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày cũng giúp đào thải độc tố.
Ăn uống khoa học và lành mạnh giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng và giảm mùi hôi cơ thể.
3.5. Sử dụng sản phẩm khử mùi an toàn
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn với các loại hóa chất, kể cả trong sản phẩm khử mùi.
Vì vậy, mẹ nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không chứa cồn, không paraben hay hương liệu tổng hợp để tránh gây kích ứng da hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngoài ra, mẹ có thể thử dùng các phương pháp khử mùi tự nhiên như sử dụng baking soda, nước cốt chanh hoặc giấm táo (tuy nhiên cần có sự đồng ý từ bác sĩ để đảm bảo an toàn).
Tránh xịt trực tiếp lên vùng da nhạy cảm hoặc dùng quá thường xuyên trong ngày và luôn đọc kỹ thành phần sản phẩm.
3.6. Giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc
Mẹ bầu hãy giữ tinh thần thoải mái bằng cách thư giãn, nghe nhạc, đọc sách hoặc tập yoga. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và tranh thủ ngủ trưa để cơ thể phục hồi.
Mẹ bầu nên ngủ đủ giấc, tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày cũng như thức khuya.
Nếu cảm thấy căng thẳng, đừng ngần ngại chia sẻ với người thân để được hỗ trợ.
Mùi cơ thể khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường, phản ánh quá trình thích nghi và thay đổi của cơ thể mẹ để nuôi dưỡng thai nhi.
Tuy nhiên, nếu mùi kèm theo triệu chứng bất thường như sốt, ngứa, rát, viêm... thì mẹ nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách khắc phục mùi cơ thể trong thai kỳ. Chăm sóc bản thân đúng cách sẽ giúp mẹ tự tin hơn, khỏe mạnh hơn và thai nhi cũng phát triển tốt hơn mỗi ngày.