Tam cá nguyệt là gì?
Tam cá nguyệt (tiếng Anh là Trimester) là khoảng thời gian từ khi mang thai đến lúc chị em sinh nở, sẽ phải trải qua 3 giai đoạn của thai kỳ:
- Giai đoạn 1: Tam cá nguyệt thứ 1 là 3 tháng đầu thai kỳ
- Giai đoạn 2: Tam cá nguyệt thứ 2 là 3 tháng giữa thai kỳ
- Giai đoạn 3: Tam cá nguyệt thứ 3 là 3 tháng cuối thai kỳ
Quá trình mang thai của người mẹ sẽ trải qua 3 tam cá nguyệt
Mỗi giai đoạn cơ thể người mẹ sẽ có những thay đổi khác nhau tuy nhiên tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất để em bé được hình thành trong cơ thể mẹ, bắt đầu một chặng đường đến với thế giới mà người mẹ đang trông chờ em.
Những thay đổi về thể chất của người mẹ trong tam cá nguyệt thứ nhất
Mang thai được tính khi phôi thai đang phát triển làm tổ trong nội mạc tử cung của người mẹ. Hầu hết trong những tuần đầu tiên sau khi thụ thai người mẹ sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào cho biết là mình có thai.
Tuy nhiên sau vài tuần tiếp theo cơ thể người mẹ sẽ có những thay đổi khác thường và đây cũng là thời gian người mẹ cảm thấy mệt mỏi nhất. Với những thay đổi rõ ràng như:
- Sự hiện diện của human chorionic gonadotropin (hCG) trong máu và nước tiểu - hormone giúp người mẹ biết mình có thai khi thử que.
- Kinh nguyệt bị trễ.
- Chảy máu khi làm tổ (xảy ra khi phôi làm tổ trong tử cung trong tuần thứ ba hoặc thứ tư sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng).
- Nhiệt độ cơ thể người mẹ tăng lên, diễn ra trong hơn 2 tuần sau khi rụng trứng.
- Căng vú cũng là thay đổi thường gặp trong tam cá nguyệt đầu tiên. Ngay sau khi thụ thai, núm vú và quầng vú của người mẹ bắt đầu sẫm màu do sự gia tăng tạm thời của hormone. Quá trình này sẽ xuất hiện trong suốt thai kỳ.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất cơ thể người mẹ sẽ có những thay đổi khác thường
Tuy nhiên cơ thể mỗi người mẹ sẽ có những thay đổi trong giai đoạn đầu của tam cá nguyệt một cách khác nhau. Một số mẹ bầu không xuất hiện các dấu hiệu trên trong tam cá nguyệt thứ nhất. Vì vậy sẽ có những người mẹ chỉ biết mình mang thai khi đã qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, có trường hợp đặc biệt là người mẹ không biết mình mang thai cho đến khi bắt đầu chuyển dạ. Do đó mẹ bầu không nên lo lắng quá mà hãy giữ cho mình một tinh thần thoải mái tránh bị stress, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ người mẹ cần chú ý và cần làm những gì?
Sau khi biết mình mang thai và xác định bản thân đang ở trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất thì người mẹ cần để ý nhiều hơn đến sức khỏe, điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn để đảm bảo cơ thể ở trạng thái tốt nhất. Đặc biệt đây là thời điểm nhạy cảm cần đặc biệt lưu ý vì các nguy cơ sẩy thai hay dị tật bẩm sinh đều có thể xảy ra với em bé. Do đó, mẹ bầu nên làm những việc sau:
- Khám thai: người mẹ nên lên lịch thăm khám định kỳ với bác sĩ sản khoa để xác định nguy cơ mắc các bệnh di truyền và các mối nguy hại từ môi trường xung quanh. Thời điểm khám thai tốt nhất là tuần 7-10 và tuần 12-1.
- Người mẹ cần hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén và ra máu trong suốt thai kỳ.
- Xét nghiệm sàng lọc: đặc biệt là sàng lọc dị tật thai nhi ở tuần thứ 12 (cuối tam cá nguyệt thứ nhất) để phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm. Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong tam nguyệt cá thứ nhất cũng vô cùng quan trọng để tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
- Dinh dưỡng: chia nhỏ các buổi ăn, ăn đa dạng thức ăn. Đặc biệt, mẹ bầu cần nạp bổ sung acid Folic (ít nhất 400 microgam) trong giai đoạn này để thai nhi có thể phát triển toàn diện. Những thực phẩm giàu axit folic như là cam, khoai tây, bông cải xanh, măng tây, trứng, đậu, các loại rau lá xanh…
- Loại bỏ tất cả thói quen xấu cho sức khỏe như thuốc lá, bia rượu, cafe, chất kích thích khác
Mẹ cần lên lịch khám thai định kỳ ngay trong tam cá nguyệt thứ nhất
Với những kiến thức trong bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng đã giúp được các mẹ bầu có được những thông tin hữu ích về tam cá nguyệt đầu tiên để có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện nhất.