Siêu âm thai không chỉ giúp mẹ bầu nhìn thấy con yêu mà còn theo dõi sức khỏe thai nhi suốt thai kỳ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ quy trình siêu âm hay ý nghĩa của các con số, hình ảnh trong kết quả. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ mọi điều cần biết về siêu âm thai và cách đọc kết quả.
1. Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là phương pháp dùng sóng âm tần số cao để có được hình ảnh của thai nhi, nhau thai và tử cung trong bụng mẹ.
Đây là cách an toàn, không đau, giúp bác sĩ và mẹ bầu “nhìn” được bé mà không cần can thiệp xâm lấn.
Lợi ích của siêu âm thai:
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi: từ kích thước, cân nặng đến nhịp tim.
- Phát hiện sớm bất thường: như dị tật bẩm sinh, vấn đề về nhau thai hay nước ối.
- Đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Siêu âm thai để đánh giá tình trạng phát triển thai nhi.
2. Các phương pháp siêu âm thai nhi
Tùy vào sức khỏe mẹ và bé và yêu cầu chuyên môn, bác sĩ sẽ lựa chọn hình thức siêu âm phù hợp. Dưới đây là 3 nhóm kỹ thuật siêu âm thai phổ biến:
2.1. Siêu âm 2D, 3D và 4D
Các phương pháp này đều sử dụng sóng âm, không xâm lấn và rất an toàn.
- Siêu âm 2D: Là hình thức đơn giản nhất, cho hình ảnh không rõ ràng, khó phát hiện dị tật thai nhi.
- Siêu âm 3D: Cung cấp hình ảnh có chiều sâu, giúp quan sát thai nhi rõ ràng hơn.
- Siêu âm 4D: Là kỹ thuật 3D nhưng có thể tạo video mô tả chuyển động của thai nhi, cho phép cha mẹ thấy hình dạng và cử động của bé trong bụng mẹ.
Hiện nay, siêu âm 3D và 4D được ưa chuộng hơn vì cho kết quả hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm 2D.
2.2. Siêu âm ngả âm đạo
Khi thai nhi còn nhỏ (thai dưới 12 tuần), bác sĩ có thể thực hiện siêu âm qua ngả âm đạo.
Phương pháp này an toàn nhưng có thể gây chút khó chịu cho mẹ bầu do đầu dò được đưa vào âm đạo để lấy hình ảnh.
2.3. Siêu âm Doppler
Phương pháp này sử dụng hiệu ứng Doppler để xác định hướng chuyển động của em bé, giúp chẩn đoán và kiểm tra tình trạng cũng như chức năng của nhau thai.
3. Siêu âm có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?
Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm gây hại cho thai nhi. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao, hoàn toàn vô hại.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thai kỳ (thai dưới 10 tuần), mẹ bầu được khuyến cáo nên tránh siêu âm Doppler màu vì tác dụng nhiệt của nó có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành các cơ quan quan trọng của thai nhi.
Siêu âm thai an toàn cho mẹ và bé nếu thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần phải tiến hành một số lần siêu âm quan trọng:
- Tuần 6 - 10: Để xác định thai đã vào tử cung hay chưa, thai đơn hay thai đôi và thai có sự sống (tim thai) hay không.
- Từ tuần 11 - 13: Đo độ mờ da gáy để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, dị dạng tay chân..)
- Từ tuần 22 - 24: Kiểm tra thai có phát triển bình thường hay không qua cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng.
- Từ tuần 30 - 32: Siêu âm kiểm tra động mạch, tim và một vùng cấu trúc não, dây rốn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (nước ối đục hay trong, nhiều hay ít).
4. Quy trình chẩn đoán siêu âm thai
Quá trình siêu âm thai nhi thường chỉ diễn ra từ khoảng 15 - 20 phút. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bác sĩ muốn kiểm tra chi tiết về trạng thái hiện tại của trẻ sẽ dùng những thiết bị phức tạp nên thời gian siêu âm cũng sẽ kéo dài hơn.
Quá trình siêu âm sẽ được thực hiện theo các bước sau:
- Mẹ bầu nằm thoải mái trên giường, kéo áo để lộ bụng.
- Bác sĩ thoa một lớp gel mỏng lên vùng bụng — đây là chất dẫn sóng siêu âm.
- Đầu dò siêu âm di chuyển nhẹ nhàng, hình ảnh và chuyển động của thai nhi sẽ hiện lên màn hình dưới dạng video và ảnh chụp.
Trên màn hình, những vùng đen hoặc xám chính là hình ảnh của dây rốn, bánh rau và nước ối bao quanh thai nhi.
5. Cách đọc kết quả siêu âm
Khi đi siêu âm, bác sĩ thường chỉ thông báo những thông số cơ bản về thai nhi như chiều dài, cân nặng, chứ không phải tất cả các thông tin. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể tự đọc một số chỉ số quan trọng từ kết quả siêu âm để hiểu rõ hơn về sự phát triển của bé.
- CRL (Crown-Rump Length): Chiều dài đầu - mông, đo ở tuần 6 - 13 để xác định tuổi thai.
- BPD (Biparietal Diameter): Đường kính lưỡng đỉnh: Là đường kính lớn nhất, đo ở mặt cắt ngang hộp sọ, là một trong những chỉ số cơ bản giúp xác định tuổi thai, đánh giá phần nào sự phát triển bất thường của hệ thần kinh và sự phát triển của thai nhi.
- GSD (Gestinational Sac Diameter): Đường kính túi thai.
- AC (Abdominal Circumference): Chu vi bụng.
- HC (Head Circumference): Chu vi đầu
- EFW (Estimated Fetal Weight): Cân nặng thai nhi.
- FL (Femur Length): Chiều dài xương đùi.
- FHR (Fetal Heart Rate): Nhịp tim thai, thường dao động 120-160 nhịp/phút là bình thường.
- AFI (Amniotic Fluid Index): Chỉ số nước ối, từ 8-18 cm là mức bình thường.
- Vị trí nhau thai: Xem nhau thai nằm ở đâu (bình thường, thấp, hay tiền đạo).
Các chỉ số này cho biết bé có phát triển đúng với tuổi thai không. Ví dụ, nếu BPD hay FL quá nhỏ so với chuẩn, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm để xem có vấn đề gì không.
Nếu AFI quá thấp (nước ối ít) hoặc quá cao (nước ối nhiều), bác sĩ sẽ có hướng xử lý để đảm bảo an toàn cho bé.
Đừng lo nếu bạn thấy số liệu hơi khác nhau giữa các lần siêu âm, vì mỗi bé phát triển theo cách riêng. Quan trọng là bác sĩ sẽ giải thích nếu có gì bất thường.
6. Một số câu hỏi thường gặp
5.1. Siêu âm có an toàn không?
Mẹ hoàn toàn có thể yên tâm! Siêu âm không sử dụng tia X hay bất kỳ tia bức xạ có hại nào, nên không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé.
6.2. Siêu âm có xác định giới tính thai nhi không?
Từ tuần 18 - 20, bác sĩ có thể dự đoán giới tính bé qua hình ảnh siêu âm. Tuy nhiên, kết quả có thể chưa chính xác 100%, vì tư thế của bé có thể che khuất bộ phận sinh dục. Nếu chưa thấy rõ, mẹ có thể chờ lần siêu âm sau nhé!
6.3. Khi nào cần siêu âm gấp?
Mẹ nên đi khám ngay nếu gặp các dấu hiệu bất thường như:
- Ra máu bất thường.
- Đau bụng dữ dội, kéo dài.
- Cảm thấy bé ít đạp hơn bình thường.
6.4. Đừng ngại hỏi bác sĩ
Kết quả siêu âm có thể khó hiểu với nhiều chỉ số chuyên môn. Nếu băn khoăn, mẹ hãy mạnh dạn hỏi bác sĩ: "Chỉ số này có bình thường không?" hay "Bé phát triển thế nào ạ?". Bác sĩ sẽ luôn sẵn sàng giải thích để mẹ yên tâm hơn nhé.
Siêu âm thai không chỉ là cách để mẹ bầu “gặp” con yêu mà còn là công cụ giúp đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Hiểu rõ quy trình và cách đọc kết quả sẽ giúp bạn tự tin hơn, bớt lo lắng hơn trong suốt 9 tháng 10 ngày đặc biệt này. Mẹ hãy nhớ đi siêu âm đúng lịch và luôn trao đổi với bác sĩ nếu có thắc mắc nhé.