Sảy thai xong bao lâu có thể mang thai lại? 

Sảy thai không phải là hiện tượng hiếm gặp và không ai, đặc biệt là phụ nữ, mong muốn điều này xảy ra. Vậy sau khi sảy thai, mẹ bầu cần chờ bao lâu mới có thể mang thai lại? Hãy cùng 9thang10ngay tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Sảy thai là gì? 

Sảy thai là tình trạng thai nhi ngừng phát triển và bị mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Trong đó: 

- Sảy thai sớm: Xảy ra trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp sảy thai. Nguyên nhân thường là do bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi, khiến thai không thể phát triển bình thường.

- Sảy thai muộn: Xảy ra từ tuần 12 - tuần 20 của thai kỳ. Ít phổ biến hơn và có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe của người mẹ hoặc tử cung.

Người phụ nữ cần được theo dõi sức khoẻ sau khi sảy thai. 

Các hình thức sảy thai có thể gặp bao gồm:

- Sảy thai hoàn toàn: Bào thai ra khỏi cơ thể mẹ trong một lần.

- Sảy thai không hoàn toàn: Một phần bào thai vẫn còn trong tử cung, cổ tử cung bị giãn hoặc mỏng, và các phần của phôi thai sẽ dần dần bị đẩy ra ngoài.

- Dọa sảy: Bào thai còn sống nhưng chưa bong ra khỏi lớp niêm mạc tử cung.

- Trứng trống: Bào thai không phát triển trong tử cung.

- Sảy thai tái phát: Trường hợp sảy thai ít nhất 3 lần liên tiếp (khoảng 1% cặp vợ chồng gặp phải).

- Sảy thai ngoài tử cung: Trứng làm tổ ở nơi khác ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.

2. Sảy thai bao lâu có thể mang thai lại? 

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều chị em. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là người phụ nữ cần sẵn sàng về cả thể chất lẫn tinh thần trước khi quan hệ tình dục trở lại sau khi sảy thai

Về mặt thể chất, các bác sĩ khuyến cáo nên chờ ít nhất 2 tuần sau sảy thai mới quan hệ lại để giảm nguy cơ nhiễm trùng. 

Việc thụ thai có thể xảy ra khá sớm, nhưng chắc chắn không thể sớm hơn 2 tuần. Vì vậy, các cặp đôi không nên quá nóng vội. 

Để đảm bảo sức khỏe cho lần mang thai kế tiếp, tốt nhất chị em nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc phù hợp.

Mẹ bầu không nên vội có thai sau khi mới sảy thai. 

2.1. Trường hợp sảy thai 1 lần trở lên 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi sảy thai, phụ nữ nên đợi ít nhất 6 tháng trước khi mang thai lại. 

Đây là khoảng thời gian cần thiết để cơ thể hồi phục, đặc biệt là lớp niêm mạc tử cung để sẵn sàng cho một thai kỳ mới. 

Ngoài ra, tâm lý của mẹ cũng sẽ ổn định hơn, giúp giảm nguy cơ sinh non hoặc trẻ nhẹ cân trong thai kỳ sau.

2.2. Trường hợp sảy thai 2 lần trở lên

Phần lớn phụ nữ chỉ trải qua một lần sảy thai và sau đó có thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng sảy thai từ 2 lần trở lên, cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến sảy thai nhiều lần bao gồm:

+ Sự bất thường của tinh trùng hoặc trứng khi thụ tinh, khiến phôi thai không phát triển.

+ Mẹ có bất thường ở tử cung, như dị tật tử cung, u xơ tử cung, viêm nhiễm hoặc nạo hút nhiều lần.

+ Ngoài ra, sảy thai nhiều lần còn có thể do nguyên nhân di truyền, lao động nặng nhọc, nhiễm độc hóa chất…

Trong những trường hợp này, bạn cần kiêng khem và chuẩn bị sức khỏe ít nhất 6 tháng trước khi mang thai trở lại. 

Tuy nhiên, hãy đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân sảy thai nhiều lần và tham khảo ý kiến bác sĩ cho lần mang thai tiếp theo.

2.3. Mang thai trứng

Mang thai trứng là hiện tượng bánh rau thoái hóa thành các túi dịch nhỏ, kết thành chùm, chiếm toàn bộ tử cung và cản trở sự phát triển của thai nhi.

Khi được chẩn đoán thai trứng, cần xử lý càng sớm càng tốt. Nếu trứng chưa tự sảy, bác sĩ sẽ thực hiện nạo hoặc hút thai. 


Nếu xác định chính xác là thai trứng để tránh nguy cơ sảy thai cần xử trí càng sớm càng tốt

Thai trứng là tình trạng thai thoái hoá thành chùm nho. 

Trong trường hợp phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh con, có thể được chỉ định cắt bỏ tử cung để phòng ngừa nguy cơ biến chứng ác tính.

Sau khi xử lý thai trứng, người bệnh cần được theo dõi sát tình trạng tử cung, nang hoàng tuyến và nguy cơ di căn.

Mặc dù thai trứng là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng nếu được điều trị đúng cách, nó không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, kể cả với những người phải hóa trị. 

Ngoài ra, bệnh cũng không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, thai lưu hay sinh non trong những lần mang thai tiếp theo.

Tuy nhiên, sau khi nạo hút thai trứng, mẹ bầu nên trì hoãn việc mang thai ít nhất 2 năm. Đây là khoảng thời gian cần thiết để theo dõi sát khả năng bệnh tiến triển ác tính. Nếu mang thai lại quá sớm, nguy cơ tái phát thai trứng, sảy thai hoặc thai lưu sẽ tăng cao.

Trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn ngay sau khi xử lý thai trứng, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý chăm sóc bản thân, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giữ tinh thần lạc quan và tuân thủ lịch khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi 

Sau sảy thai, thời gian hồi phục của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: 

- Độ tuổi: Nếu bạn trên 35 tuổi, bác sĩ có thể khuyên nên mang thai lại sớm hơn nếu sức khỏe ổn định, vì khả năng sinh sản sẽ giảm dần theo tuổi tác.

- Tình trạng sức khoẻ: Nếu bạn bị thiếu máu, mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, lupus hay bệnh tuyến giáp... thì cần ưu tiên điều trị và ổn định sức khỏe trước khi nghĩ đến việc có thai lại.

- Tuần tuổi thai bị sảy: Sảy thai sớm (dưới 12 tuần) thường cần thời gian phục hồi ngắn hơn so với sảy thai muộn (sau 12 tuần).

- Cách xử lý sảy thai: Sảy thai tự nhiên thường hồi phục nhanh hơn so với trường hợp phải can thiệp y tế như nạo thai. Trường hợp có biến chứng như nhiễm trùng hoặc sót nhau, thời gian chờ đợi sẽ kéo dài hơn.

- Số lần sảy thai trước đó: Nếu bạn bị sảy thai liên tiếp (từ 2 lần trở lên), bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn chờ đợi lâu hơn và tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại.

- Sảy thai trứng (thai trứng): Nếu từng bị thai trứng, bạn bắt buộc phải theo dõi sát nồng độ hormone beta-hCG cho đến khi về âm tính và duy trì ổn định.

Thời gian chờ tối thiểu là 2 năm để đảm bảo không còn nguy cơ tiến triển thành ung thư nguyên bào nuôi. Việc mang thai lại quá sớm khi beta-hCG chưa ổn định sẽ gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh lý.

Chỉ nên mang thai lại khi bạn và người bạn đời đã thực sự sẵn sàng về mặt cảm xúc, tâm lý ổn định.

4. Lưu ý khi mang thai lại sau khi sảy thai

- Đi khám tiền sản để bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng thể, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, lối sống, và có thể đề nghị các xét nghiệm cần thiết (ví dụ: công thức máu, xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm tìm nguyên nhân nếu sảy thai liên tiếp...).

- Tránh hút thuốc và uống rượu.

- Kiểm tra cân nặng: duy trì chỉ số BMI từ 22 - 24 là điều kiện lý tưởng để thụ thai.

- Tránh hấp thụ nhiều caffeine: 2 cốc cafe mỗi ngày có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.

- Ăn uống đủ chất, đa dạng các nhóm thực phẩm (rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt). Bổ sung các thực phẩm giàu sắt để phục hồi sau mất máu (thịt đỏ, gan, đậu, rau lá xanh đậm).

- Uống viên bổ sung Acid Folic (thường 400 mcg/ngày) ít nhất 1-3 tháng trước khi cố gắng mang thai và trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ. 

- Có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu... vào thực đơn hàng ngày vì trong cá có chứa nhiều omega - 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường.

- Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.

- Ngoài ra, mẹ nên tránh một số việc như: Kiêng lạnh, không làm việc nặng, kiêng quan hệ trong 3 tháng đầu vì có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.

- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tăng cơ hội thụ thai. Có nhiều cách để theo dõi rụng trứng như theo dõi nhiệt độ cơ bản, chất nhầy cổ tử cung hoặc dùng que thử rụng trứng.

Mẹ bầu nên bổ sung đủ dinh dưỡng sau khi sảy thai. 

5. Các câu hỏi thường gặp (FAQ) 

5.1. Có nguy cơ sảy thai lại không?

Nếu bạn chờ đủ thời gian và chuẩn bị tốt, nguy cơ sảy thai lần nữa không cao hơn so với người chưa từng sảy thai. 

Tuy nhiên, nếu bạn đã sảy thai nhiều lần (từ 2 lần trở lên), hãy đi khám để tìm nguyên nhân sâu xa, chẳng hạn như vấn đề về tử cung, rối loạn đông máu, hoặc bất thường gene.

5.2. Sảy thai có làm giảm khả năng mang thai sau này không?

Trong hầu hết các trường hợp (đặc biệt là sảy thai 1 lần), sảy thai không ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ thai hoặc mang thai khỏe mạnh trong tương lai. 

Đa số phụ nữ sau sảy thai vẫn có thể có thai kỳ thành công. Chỉ những trường hợp sảy thai liên tiếp hoặc có biến chứng nghiêm trọng mới cần thăm khám kỹ lưỡng hơn.

5.3. Nên kiêng quan hệ tình dục bao lâu sau sảy thai?

Thường khuyến cáo kiêng quan hệ tình dục cho đến khi hết ra máu hoàn toàn và bạn cảm thấy thoải mái, thường là ít nhất 2 tuần.

Mục đích là để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ sau khi khám.

5.4. Các dấu hiệu mang thai lại sau sảy thai có giống thai kỳ bình thường không?

Các dấu hiệu sớm như trễ kinh (sau khi chu kỳ đã trở lại), căng ngực, buồn nôn... thường tương tự. Tuy nhiên, do tiền sử sảy thai, bạn có thể nhạy cảm và lo lắng hơn với mọi dấu hiệu nhỏ của cơ thể.

5.5. Làm sao để biết cơ thể đã sẵn sàng mang thai lại?

Dấu hiệu cho thấy cơ thể đã sẵn sàng bao gồm:

- Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn trở lại.

- Không còn đau bụng hoặc chảy máu bất thường.

- Xét nghiệm từ bác sĩ cho thấy tử cung và hormone đã ổn định.

Nếu bạn không chắc chắn, hãy đi khám để được tư vấn cụ thể.

5.6. Khi nào cần đi khám ngay sau sảy thai?

Bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:

- Sốt hoặc ớn lạnh (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng).

- Ra máu nhiều hơn bình thường (phải thay băng vệ sinh liên tục trong 1 giờ).

- Máu ra có mùi hôi.

- Đau bụng dưới dữ dội không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường.

- Các triệu chứng bất thường khác khiến bạn lo lắng.

- Không có kinh nguyệt trở lại sau 6 - 8 tuần mà không rõ nguyên nhân (và thử thai âm tính).

Hy vọng thông tin trên giúp mẹ hiểu rõ thời điểm an toàn để mang thai lại sau sảy thai. Hãy dành thời gian phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, kết hợp thăm khám định kỳ khi có thai lần tiếp theo. Chúc mẹ sớm đón tin vui với thai kỳ khỏe mạnh!

Tags: