Rối loạn tiểu tiện là tình trạng khá phổ biến khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, mất ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, đặc biệt là những tháng cuối. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm và cách khắc phục hiệu quả.
1. Dấu hiệu rối loạn tiểu tiện khi mang thai
Rối loạn tiểu tiện có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là những biểu hiện rối loạn tiểu tiện mẹ bầu thường gặp nhất:
- Tiểu nhiều lần: Bà bầu thường cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Điều này là do bàng quang bị đè nén và không thể chứa nhiều nước tiểu như bình thường.
- Tiểu gấp: Cảm giác đột ngột muốn đi tiểu và không thể kìm lại. Điều này có thể xảy ra khi bàng quang bị kích thích hoặc do áp lực từ tử cung.
- Tiểu són: Khi thai lớn dần, mẹ dễ bị són tiểu khi cười, ho hay hắt hơi. Đây là tình trạng phổ biến do cơ sàn chậu bị suy yếu.
- Đau khi tiểu: Nếu cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện do nguyên nhân sinh lý (bình thường) thường biểu hiện rõ nhất vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối.
Thai phụ ở 3 tháng cuối sẽ xuất hiện tình trạng đi tiểu nhiều lần.
Ở 3 tháng giữa, tử cung đã lớn hơn và được khung xương chậu nâng đỡ một phần, áp lực trực tiếp lên bàng quang có thể giảm bớt, nên một số mẹ bầu sẽ thấy tình trạng đi tiểu nhiều tạm thời thuyên giảm trong giai đoạn này.
2. Nguyên nhân rối loạn tiểu tiện khi mang thai
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra những thay đổi về tiểu tiện trong thai kỳ:
2.1. Nguyên nhân sinh lý (Thay đổi tự nhiên của cơ thể):
a/ Thay đổi hormone
Trong thai kỳ, hormone progesterone tăng cao để duy trì thai kỳ.
Tuy nhiên, hormone này cũng làm giãn các cơ, bao gồm cơ bàng quang, khiến việc kiểm soát tiểu trở nên khó khăn hơn.
Thay đổi hormone khi mang thai khiến mẹ bầu bị rối loạn tiểu tiện.
b/ Tăng áp lực lên bàng quang
Ở những tháng đầu thai kỳ, rối loạn tiểu tiện chủ yếu do thay đổi hormone.
Bước sang 3 tháng cuối, em bé ngày càng lớn và bắt đầu xoay đầu hướng xuống dưới để chuẩn bị chào đời.
Lúc này, phần đầu thai nhi tạo áp lực trực tiếp lên bàng quang, làm mẹ cảm thấy buồn tiểu nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên, thậm chí có thể bị són tiểu khi cười, ho, hay hắt hơi.
c/ Cơ thể thải lượng nước dư thừa
Trong suốt thai kỳ, lượng máu và chất lỏng trong cơ thể mẹ tăng lên đáng kể (khoảng 50%) để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Cơ thể cần phải loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa này qua đường tiểu, đặc biệt là vào ban đêm và những tháng cuối thai kỳ, cũng như một thời gian ngắn sau sinh.
d/ Các yếu tố khác
Tuổi thai, số lần mang thai trước đó, và tình trạng sức khỏe tổng thể của mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ rối loạn tiểu tiện.
Ví dụ, bà bầu mang thai lần đầu thường ít gặp vấn đề này hơn so với những người đã sinh con nhiều lần.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân sinh lý thì mẹ bầu rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ (UTI).
Đây là nguyên nhân bệnh lý cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé (như viêm thận bể thận, sinh non).
Nhiễm trùng tiết niệu cũng là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiểu tiện khi mang thai.
Khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng sản phụ thấy các dấu hiệu như:
- Tiểu buốt, tiểu rắt, nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu đục, có mùi hôi, hoặc có lẫn máu
- Đau tức vùng bụng dưới (trên xương mu)
- Có thể sốt, ớn lạnh, đau lưng (đặc biệt nếu nhiễm trùng lan lên thận).
3. Cách phòng ngừa rối loạn tiểu tiện khi mang thai
- Giảm dần lượng nước uống vào buổi tối, đặc biệt là khoảng 1-2 tiếng trước khi đi ngủ.
- Cố gắng hạn chế các loại đồ uống dễ làm mẹ đi tiểu nhiều như cà phê, trà đặc, nước ngọt có ga... nhất là vào buổi chiều tối
- Tập thói quen đi tiểu ngay trước khi lên giường để làm rỗng bàng quang, giúp giảm cảm giác muốn đi tiểu giữa đêm.
- Lúc ngồi trên bồn cầu, mẹ thử hơi cúi người về phía trước. Tư thế này giúp tạo một lực ép nhẹ, hỗ trợ bàng quang đẩy hết nước tiểu ra ngoài tốt hơn, nhờ đó kéo dài thời gian giữa các lần đi tiểu.
- Khi buồn tiểu nên đi tiểu ngay: Nếu nhịn tiểu nhiều lần có thể khiến cơ sàn chậu bị suy yếu, dẫn tới tiểu tiện không tự chủ.
- Nếu bạn bị tiểu són nhiều nên dùng băng vệ sinh khi cần thiết.
- Thực hiện bài tập Kegel: Việc tập các cơ sàn chậu giúp tăng sức mạnh cho cơ sàn chậu, làm giảm tình trạng đi tiểu không tự chủ do căng thẳng và dễ dàng phục hồi sau khi sinh.
- Nếu tình trạng rối loạn tiểu tiện trở nên nghiêm trọng, hoặc nếu có các triệu chứng như tiểu đau, tiểu ra máu, hoặc tiểu đục, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ ngay.
Mẹ bầu không uống nhiều nước trước khi ngủ để hạn chế tiểu đêm.
4. Hướng dẫn tập Kegel cho mẹ bầu
4.1. Cách xác định đúng cơ sàn chậu
Để tập Kegel đúng cách, mẹ bầu cần xác định đúng cơ sàn chậu. Cách làm rất đơn giản:
- Khi đi tiểu, thử dừng dòng nước tiểu giữa chừng mà không dùng cơ bụng hay cơ mông. Cơ bạn cảm thấy siết chặt chính là cơ sàn chậu.
- Nếu chưa rõ, mẹ có thể đặt một ngón tay sạch vào âm đạo và thử thít chặt. Mẹ sẽ cảm nhận cơ siết lại và thả lỏng khi dừng.
Mẹ chỉ cần làm thử vài lần để quen cảm giác, sau đó không cần lặp lại động tác này thường xuyên.
4.2. Chọn tư thế tập luyện phù hợp
Các bài tập Kegel cho phụ nữ mang thai và sau sinh đều có thể được thực hiện khi ngồi trên ghế hoặc nằm dưới sàn, miễn sao vùng cơ mông và cơ bụng của bạn đều được thả lỏng khi tập.
Tuy nhiên, mẹ nên bắt đầu ở tư thế nằm để cảm nhận sự co thắt ở vùng cơ sàn chậu được rõ hơn.
Kegel là một bài tập tốt cho mẹ bầu để giảm tình trạng rối loạn tiểu tiện khi mang thai.
- Tư thế nằm: Nằm ngửa thẳng lưng, hai tay để xuôi theo chân, đầu gối co lại cạnh nhau, bàn chân đặt trên sàn mũi chân chếch ra ngoài. Tư thế này giúp mẹ dễ cảm nhận cơ sàn chậu khi mới bắt đầu.
- Tư thế ngồi: Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai đầu gối hơi mở ra. Mẹ cũng có thể ngồi xếp bằng hoặc duỗi chân trên sàn.
Mẹo nhỏ: Mẹ có thể kẹp nhẹ một vật nhỏ (như chiếc khăn cuộn) giữa hai đùi để cảm nhận rõ hơn khi cơ co và giãn.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể kết hợp Kegel với một số bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc động tác Bridge để tăng hiệu quả toàn diện.
4.3. Thực hiện các bài tập Kegel theo cấp độ
Bài tập Kegel có thể chia thành các mức độ từ dễ đến nâng cao. Mẹ bầu nên bắt đầu từ mức cơ bản và tăng dần khi đã quen.
- Cấp độ 1
+ Siết chặt cơ sàn chậu như khi nhịn tiểu, giữ khoảng 3 giây rồi thả lỏng.
+ Lặp lại động tác này 10 - 15 lần mỗi buổi, 2-3 buổi mỗi ngày.
+ Thở đều và không siết cơ bụng hay mông khi tập.
- Cấp độ 2
+ Siết cơ sàn chậu trong 5 giây, sau đó siết chặt hơn chút nữa trong 5 giây, rồi siết mạnh nhất có thể thêm 5 giây.
+ Thả lỏng từ từ, mỗi lần thả lỏng cũng kéo dài 5 giây.
+ Lặp lại động tác này 5 - 10 lần mỗi buổi. Bài tập này cần kiên nhẫn nhưng hiệu quả cao hơn.
- Cấp độ 3: Khi đã quen, mẹ có thể thử:
+ Siết rồi thả cơ sàn chậu thật nhanh, lặp lại động tác này 25 lần.
+ Siết cơ và giữ trong 3 giây, thả lỏng. Lặp lại động tác này 10 lần.
+ Hình dung bạn đang kéo một vật vào trong âm đạo, giữ 3 giây, thả lỏng. Lặp lại động tác này 10 lần.
+ Sau cùng hãy tưởng tượng bạn đang cố đẩy cái gì đó từ trong âm đạo ra ngoài trong vòng 3 giây và thả lỏng. Lặp lại động tác này 10 lần.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu kiên trì tập Kegel từ 6–12 tuần, mẹ sẽ cảm thấy rõ sự cải thiện trong việc kiểm soát bàng quang và hỗ trợ sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập nhé!
Rối loạn tiểu tiện là hiện tượng bình thường khi mang thai do cơ thể thay đổi để nuôi dưỡng thai nhi. Dù gây khó chịu, mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách điều chỉnh lối sống và tập thể dục. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần để có thai kỳ khỏe mạnh và thoải mái hơn mẹ nhé!