Ốm nghén khi mang thai: Bắt đầu từ khi nào và kéo dài bao lâu?

Một trong những "cửa ải" đầu tiên mà các mẹ bầu thường gặp khi mang thai là ốm nghén. Đây là hiện tượng buồn nôn, nôn ói, chán ăn, và mệt mỏi… thường xuất hiện trong giai đoạn đầu thai kỳ. Vậy ốm nghén thường bắt đầu từ khi nào và kéo dài bao lâu? Mẹ cần làm gì để vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn? Mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Ốm nghén thường bắt đầu từ khi nào? 

Ốm nghén thường xuất hiện sớm nhất từ tuần thứ 4 của thai kỳ khi nồng độ hormone hCG tăng cao. Tuy nhiên, thời điểm chính xác có thể khác nhau ở mỗi người, dao động từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 9. Khoảng 70% mẹ bầu gặp ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ, và hơn nửa trong số đó bắt đầu nghén vào tuần thứ 6 hoặc thứ 7

Một số dấu hiệu ốm nghén ban đầu gồm:

- Buồn nôn nhẹ, có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng nhiều nhất là buổi sáng (morning sickness). 

- Nôn ói nhiều lần trong ngày.

- Chán ăn, thay đổi khẩu vị với một số loại thực phẩm.

- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.

- Nhạy cảm với các mùi. 

Mẹ bầu thường có biểu hiện ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Ngoài các triệu chứng ốm nghén thường gặp, mẹ bầu còn có thể trải qua những biểu hiện sau trong giai đoạn này:

- Đau hoặc sưng ngực.

- Đau đầu, chóng mặt, đặc biệt khi ngồi hoặc đứng dậy đột ngột.

- Thay đổi tâm trạng: buồn vui thất thường, hay lo âu, căng thẳng.

- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy.

- Hay đổ mồ hôi dù không quá nóng hoặc không vận động nhiều.

- Xáo trộn giấc ngủ: ngủ không ngon giấc, ngưng thở khi ngủ, mất ngủ. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm ốm nghén:

- Tuổi tác: Phụ nữ mang thai lần đầu có xu hướng ốm nghén nhiều hơn.

- Tiền sử gia đình: Nếu mẹ hoặc chị em gái từng ốm nghén nặng hoặc đã tưng bị ốm nghén trong lần mang thai trước, bạn cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

- Mang thai đa thai: Phụ nữ mang thai song thai hoặc đa thai có khả năng ốm nghén nặng hơn. 

- Mức độ hormone: Do sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là hormone hCG.

- Thân hình: Người quá gầy. 

2. Ốm nghén thường kéo dài đến bao lâu? 

Thời gian ốm nghén khác nhau ở mỗi người, nhưng thường nặng nhất vào tuần thứ 9 đến 10, khi nồng độ hormone hCG cao nhất. Sau đó, từ tuần 11 đến 15, nồng độ hormone này sẽ giảm dần. Phần lớn mẹ bầu sẽ giảm ốm nghén và hết nghén vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất (khoảng tuần thứ 12 đến 14). Chỉ có khoảng 10% phụ nữ mang thai có thể tiếp tục ốm nghén kéo dài suốt thai kỳ.

Thời gian ốm nghén kéo dài phụ thuộc vào:

- Mức độ ốm nghén ban đầu: nếu ốm nghén nặng ở giai đoạn đầu, khả năng kéo dài sẽ cao hơn.

- Tiền sử ốm nghén: nếu đã từng ốm nghén nặng ở thai kỳ trước, bạn có nguy cơ cao ốm nghén lâu hơn trong lần mang thai tiếp theo.

- Các yếu tố khác: căng thẳng, lo âu, thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng… cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian ốm nghén.

Khi nồng độ hormone hCG tăng cao nhất cũng là lúc mẹ bầu bị ốm nghén nặng nhất.

3. Bí kíp “vượt ải” ốm nghén hiệu quả

Mặc dù ốm nghén là hiện tượng tự nhiên, không thể phòng ngừa hoàn toàn, nhưng mẹ có thể áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu khó chịu:

- Uống đủ nước: Kể cả không bị ốm nghén, mẹ cũng nên uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì 3 bữa chính, mẹ hãy chia thành 5-6 bữa nhỏ để tránh tình trạng chán ăn nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng.

- Nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, hạn chế làm việc nặng, tránh căng thẳng, luôn đảm bảo cơ thể được thư giãn. 

- Uống trà gừng: Gừng có tác dụng giảm buồn nôn, mẹ có thể uống trà gừng ấm mỗi ngày để cải thiện tình trạng ốm nghén. 

- Ăn uống khoa học: Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, ưu tiên các thực phẩm thanh mát, dễ tiêu hóa.

- Chăm sóc răng miệng: Khi ốm nghén, việc nôn thường xuyên có thể ảnh hưởng đến men răng, mẹ hãy vệ sinh răng miệng kỹ càng sau mỗi lần nôn.

- Hạn chế nằm ngay sau khi ăn.

- Hạn chế uống nhiều nước trong bữa ăn.

Nếu đã thử những cách trên nhưng vẫn không đỡ ốm nghén, thậm chí khiến mẹ bị sụt cân, mất nước, mệt mỏi nhiều, hoặc không thể ăn uống, vậy mẹ hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp nhé. Một số trường hợp ốm nghén kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác, nên việc thăm khám và theo dõi thai kỳ định kỳ là rất quan trọng đó các mẹ. 

Chúc các mẹ luôn khỏe mạnh và vui vẻ trong suốt quá trình mang thai!

Tags:

Author Figure

Đôi điều tâm sự

Lead Designer

While the law might seem obvious, designers often engage in creative work where they try to reinvent the wheel for the sake of novelty.