Những vấn đề sức khoẻ thường gặp trong thai kỳ

Khi bạn mang thai, cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi và đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Hiểu rõ về các vấn đề sức khỏe thường gặp trong thai kỳ sẽ giúp bạn an tâm hơn và biết cách chăm sóc bản thân tốt nhất. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến mà bạn có thể gặp phải trong quá trình mang thai.

1. Ốm nghén 

Ốm nghén là một trong những triệu chứng phổ biến nhất, với các biểu hiện như buồn nôn, mệt mỏi và nhạy cảm với mùi. Mặc dù ốm nghén ở mức độ nhẹ không đáng lo ngại, nhưng nếu bạn nôn quá nhiều dẫn đến mất nước và suy nhược cơ thể, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

2. Chuột rút ở chân 

Khi mang thai, bụng bầu lớn lên sẽ chèn ép các mạch máu ở chân, khiến máu lưu thông kém. Vì thế, mẹ bầu thường bị chuột rút, nhất là khi ngủ hoặc đứng dậy đột ngột. Để giảm tình trạng này, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và magie bằng cách ăn uống hợp lý, tắm nắng hoặc sử dụng viên uống bổ sung canxi. Ngoài ra, việc tập thể dục nhẹ nhàng cũng rất quan trọng. Khi bị chuột rút, mẹ bầu có thể duỗi thẳng chân và xoa bóp nhẹ nhàng để giảm đau.

Mẹ bầu nên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng để hạn chế bị chuột rút. 

3. Phù chân

Khi mang thai, đặc biệt là vào những tháng cuối, nhiều mẹ bầu thường bị phù chân, nhất là ở mắt cá chân. Nguyên nhân là do lượng máu trong cơ thể tăng lên, cùng với sự chèn ép của tử cung khiến máu khó lưu thông ở vùng chân.

Để giảm tình trạng phù, mẹ bầu nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, các bài tập kéo giãn và hạn chế ăn mặn. Nếu bạn thấy vùng da bị phù ấn vào mà để lại vết lõm, mẹ bầu nên giữ ấm chân và đi khám bác sĩ để được tư vấn.

Lưu ý: Nếu bạn thấy cơ thể bị phù toàn thân bao gồm cả mặt, mí mắt, tay hoặc nếu tình trạng phù kèm theo các triệu chứng như đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Khi bác sĩ phát hiện phù kèm theo huyết áp cao và/hoặc có protein trong nước tiểu, bạn có thể đã bị tăng huyết áp thai kỳ và có nguy cơ gặp phải tiền sản giật hoặc sản giật, những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Phù chân ở mẹ bầu có thể là biểu hiện của tăng huyết áp thai kỳ.

4. Thiếu máu hoặc giảm huyết áp khi đứng 

Khi mang thai, mẹ bầu thường bị thiếu máu do thai nhi lấy đi một phần sắt của mẹ. Để phòng tránh tình trạng này, mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau xanh đậm màu và uống thêm viên bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. 

Thiếu máu có thể khiến mẹ bầu chóng mặt, hoa mắt khi đứng lên đột ngột. Vì vậy, mẹ bầu nên thay đổi tư thế từ từ và làm việc nhẹ nhàng. 

5. Táo bón 

Táo bón là vấn đề thường gặp ở nhiều phụ nữ mang thai, đặc biệt là vào cuối thai kỳ. Tình trạng này có thể gây khó chịu, chán ăn và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Để khắc phục, mẹ hãy uống nhiều nước, ăn trái cây nguyên vỏ, rau và thực phẩm giàu chất xơ, đồng thời hình thành thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định mỗi ngày.

6. Rạn da 

Vết rạn da thường xuất hiện khi da phải căng ra để thích nghi với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là ở vùng bụng và ngực. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc dầu dừa từ giai đoạn sớm của thai kỳ.

Rạn da ở bà bầu 

7. Tiểu lắt nhắt 

Tiểu lắt nhắt có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, mất ngủ và mệt mỏi. Nguyên nhân là do thai nhi chèn ép vào bàng quang nhưng cũng có thể do viêm nhiễm đường tiết niệu. Nếu bạn gặp tình trạng tiểu rắt kèm theo đau bụng dưới, cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc sốt, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Ngoài ra, thai phụ có thể gặp một số triệu chứng như tăng tiết dịch âm đạo và ra khí hư. Nguyên nhân là do sau khi thụ thai, hormone sinh dục nữ progesteron làm tăng lượng dịch tiết từ âm đạo, đồng thời thay đổi môi trường pH, khiến chị em dễ bị viêm âm đạo do nấm hoặc Clamydia. Nếu bạn đang mang thai và thấy có khí hư bất thường, hãy đến khám phụ khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tags: