1. Vì sao bà bầu hay bị nóng trong người?
Vào thời kỳ mang thai, hầu hết các mẹ bầu đều bị nóng trong người gây bứt rứt, khó chịu. Tình trạng này có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau đây:
- Sự thay đổi đột ngột của nồng độ các loại hormone bên trong cơ thể khi mang thai. Đặc biệt là sự gia tăng quá mức của hormone progesterone có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng lên.
- Lượng máu tăng lên. Nhất là khi thai kỳ được khoảng 34 tuần thì lượng máu có thể tăng lên gần 50%. Điều này khiến cho các mạch máu bắt đầu mở rộng và di chuyển tới bề mặt da. Từ đó các mẹ bầu có thể cảm thấy thân nhiệt nóng dần lên.
- Khi thai nhi bắt đầu bước sang tuần thứ 8 thì tim của mẹ bầu cũng sẽ hoạt động mạnh và bơm máu nhiều hơn lên đến khoảng 20%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các bà bầu bị nóng trong người.
- Nhiệt độ được tỏa ra từ cơ thể thai nhi đang phát triển sẽ được người mẹ hấp thụ. Điều này chủ yếu diễn ra vào khoảng 3 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, thân nhiệt của mẹ bầu thường tăng lên và cảm thấy nóng là tình trạng khó tránh khỏi.
- Tốc độ trao đổi chất tăng lên khi mang thai để cung cấp đủ năng lượng cho sức khỏe thai kỳ. Điều này cũng có thể gây ra những sự thay đổi về mặt thân nhiệt. Cụ thể là khiến mẹ bầu bị nóng.
- Uống không đủ lượng. Nước là thành phần quan trọng trong cơ thể, thúc đẩy hoạt động trao đổi chất. Việc không bổ sung đủ nước gây nóng trong người là điều dễ hiểu.
2. Các dấu hiệu mẹ bầu bị nóng trong người
Mẹ bầu bị nóng trong người thường gặp phải một số triệu chứng như:
- Nổi mụn nhọt hay các nốt mẩn ngứa
- Mỏi mắt, mắt bị thâm
- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Chán ăn, có dấu hiệu sụt cân
- Đầy hơi, bụng khó chịu
- Táo bón
Chán ăn là biểu hiện khi mẹ bầu đang nóng và khó chịu trong người.
3. Những loại thực phẩm giúp bà bầu giải nhiệt, giải độc
3.1. Rong biển
Rong biển có chứa nhiều vitamin A, vitamin nhóm B. Quan trọng hơn, trong rong biển có chứa nhiều chất xơ và các loại khoáng chất giúp cơ thể đào thải chất độc.
Ngoài ra, các acid alginic có trong rong biển hay tảo bẹ có thể làm chậm tốc độ hấp thu đường trong ruột giúp bài tiết và ngăn chặn các bệnh về bạch cầu.
Rong biển chứa nhiều chất xơ và các loại khoáng chất giúp cơ thể mẹ bầu đào thải chất độc.
3.2. Bí đao
Theo Đông y, quả bí đao (hay còn gọi là bí xanh) có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng lợi phế, thanh nhiệt, nhuận tràng tốt cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, bà bầu thường hay bị phù nề, đặc biệt là ở chân gây cảm giác nặng nề và khó chịu. Mẹ bầu có thể dùng bí đao dùng nấu canh hoặc ép lấy nước uống vừa giúp thanh nhiệt vừa giảm nhẹ chứng sưng phù chân.
3.3. Đậu đỏ
Đậu đỏ được mệnh danh là “ vua giải độc”. Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có tính âm, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng huyết, lợi tiểu.
Đậu đỏ có chứa nhiều acid lycorine, chất xơ giúp làm tăng nhu động ruột và giảm bớt chứng táo bón. Loại bỏ được các chất cặn bã bám ở thành ruột, làm sạch ruột. Bên cạnh đó, đậu đỏ rất giàu vitamin nhóm B và mang tính kiềm có tác dụng nhuận tràng, thông ruột, giải độc cho ruột và gan hiệu quả.
Món chè đậu đỏ giúp các mẹ thanh lọc, giải nhiệt cơ thể.
3.4. Cà chua
Cà chua có chứa lượng vitamin C, E, K, B1, B6, B2, chất sắt, carotene, kali … Sử dụng cà chua thường xuyên để bổ sung cho cơ thể mỗi ngày sẽ giúp các mẹ bầu có làn da căng mịn, hồng hào và phòng tránh mụn, giúp lợi tiểu, giải độc cho cơ thể.
Bên cạnh đó, axit nicotinic trong cà chua giúp giảm cholesterol trong máu, vì vậy nó có tác dụng ngăn ngừa rối loạn nhịp tim ở người mang thai. Vitamin K trong cà chua có tác dụng ngăn ngừa xuất huyết và mất máu quá nhiều khi sinh nở.
3.5. Rau dền
Rau dền là loại rau dễ mọc và cực kỳ phổ biến ở nước ta. Rau dền có chứa hàm lượng cao các vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin A, B1, B6, B12, C. Hơn nữa, hàm lượng lysine trong rau dền còn cao hơn cả đậu nành, bắp vàng và lúa mì. Chất beta – caroten trong loại rau này còn có khả năng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.
Lượng chất sắt và canxi trong rau dền chiếm tỉ lệ cao hơn cả cải bó xôi. Những nồi canh rau dền bổ dưỡng, thơm ngon chính là ưu tiên hàng đầu trong số những món ăn giải nhiệt cho bà bầu.
Rau dền là loại rau phổ biến và dễ tìm thấy mà mẹ bầu có thể ăn để giải nhiệt cơ thể.
3.6. Củ sen, ngó sen
Các bộ phận của cây sen bao gồm củ sen, ngó sen, hạt sen... đều có tác dụng tốt cho sức khỏe bà bầu. Trong những ngày hè nóng bức, bà bầu có thể ăn những món ăn được chế biến từ củ sen, ngó sen và uống trà hạt sen để làm mát cơ thể. Ngoài ra, hạt sen còn có tác dụng an thần, sẽ giúp khắc phục chứng mất ngủ của mẹ bầu.
3.7. Nấm rơm
Nấm rơm có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất phù hợp với bà bầu trong những ngày nắng nóng. Giá trị dinh dưỡng của nấm rơm còn được đánh giá cao vì có hàm lượng axit amin quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Các chất đạm, chất béo, chất xơ, chất bột đường, vitamin và các nguyên tố vi lượng khác (như sắt, canxi, photpho...) đều cần thiết cho cả mẹ và bé.
Nấm rơm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất phù hợp với bà bầu.
3.8. Tỏi
Tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa và có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả. Không chỉ vậy, trong tỏi còn có chứa nhiều allicin là chất giúp loại bỏ độc tố. Tỏi được xem là an toàn cho bà bầu, chỉ ăn một lượng nhỏ cũng đủ để giải độc.
3.9. Nước dừa
Dừa là loại trái cây rất quen thuộc trong đời sống, nhất là ở các quốc gia nhiệt đới. Nước dừa còn được đánh giá là rất an toàn và lành mạnh với phụ nữ mang thai. Sử dụng loại nước này có thể giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng ốm nghén.
Hơn nữa nước dừa còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa chứng táo bón. Nó không chỉ giúp cân bằng hàm lượng điện giải trong máu, bổ sung nước ối mà còn góp phần điều trị chứng ợ nóng. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên uống nước dừa khi đã qua 3 tháng đầu của thai kỳ.
Nước dừa giúp giải độc, giải nhiệt cho mẹ bầu.
3.10. Trái cây họ cam quýt
Đây là nhóm những loại trái cây có tác dụng giải nhiệt rất tốt khi bị nóng trong người. Hàm lượng vitamin C dồi dào trong trái cây họ cam quýt sẽ giúp mẹ bầu tăng cường khả năng đề kháng. Một ly nước cam hoặc vài múi bưởi trong những bữa ăn phụ sẽ giúp làm mát cơ thể mẹ bầu, đặc biệt là với những mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ.
Khi sử dụng cam, mẹ bầu hãy nhớ mua cam tươi ở những nơi uy tín. Không nên mua uống nước cam đóng hộp vì nó có chứa đường hóa học không tốt cho sức khỏe, cũng như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Các thực phẩm mẹ bầu nên tránh khi bị nóng trong người
Bên cạnh một số loại thực phẩm có tác dụng giải nhiệt, giải thì việc tiêu thụ một số thực phẩm có thể khiến cho tình trạng nóng trong người nghiêm trọng thêm. Hơn nữa nó còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai kỳ. Bà bầu bị nóng trong người cần hạn chế các thực phẩm sau:
- Ăn quá nhiều, ăn liên tục thịt đỏ và hải sản như bò, dê, cừu, tôm, cua…
- Thực phẩm ngọt như bánh kẹo, nước ngọt đóng chai…
- Các loại bột tinh chế như bột nếp, bột mì…
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng
- Da và nội tạng động vật
- Nước dừa tươi rất tốt nhưng nước cốt dừa thì không
- Rượu bia, cà phê
Bà bầu nên ăn nhiều rau và tránh ăn liên tục các loại thịt đỏ.
Bên cạnh đó, bà bầu cần lưu ý việc làm mát cơ thể không chỉ thông qua việc ăn nhiều thực phẩm giải nhiệt mà còn cần uống nhiều nước và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho mẹ và thai nhi.