Mẹ bầu trong 3 tháng đầu cần có những chất dinh dưỡng gì?
Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu để tốt cho sức khỏe? Thai nhi trong giai đoạn này vẫn trong mức phát triển chậm, đến cuối tháng thứ 3, bé cưng chỉ nặng khoảng 30g. Mẹ bầu không cần tẩm bổ quá nhiều trong thời gian này, có thể trong thời gian này mẹ bị giảm cân hoặc nếu tăng cũng rất ít, khoảng 1kg. Mỗi ngày, mẹ bầu cần ăn đủ các nhóm thực phẩm quan trọng sau:
- Nhóm chất bột từ gạo, bún, mì, bắp, khoai, sắn…
- Nhóm chất đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…
- Nhóm chất béo từ dầu, mỡ, vừng, đậu phộng,…
- Nhóm vitamin và khoáng chất từ rau củ, trái cây.
- Thực phẩm giàu chất xơ.
- Nước, nước ép trái cây, sữa…
Nhóm vitamin và khoáng chất từ rau củ, trái cây rất tốt cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung những dưỡng chất đặc biệt cần thiết trong giai đoạn đầu mang thai như:
- Axit folic: dưỡng chất giúp phòng ngừa các dị tật về não và tủy sống, có trong những loại rau có màu xanh lá cây, các loại rau lá mầm, cải bắp, các loại đậu, cam, bơ và cà chua.
- Canxi: Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu cần bổ sung 1000 canxi mỗi ngày, hỗ trợ bé phát triển xương và răng, có nhiều trong sữa, táo, nước cam, cá ngừ, cá mòi, bông cải xanh, đậu nành…
- Sắt: Mẹ bầu cần bổ sung ít nhất ít nhất 30 – 60 mg sắt mỗi ngày từ các loại thịt (nhất là thịt bò), cải bó xôi, rau dền… để đáp ứng nhu cầu gia tăng lượng máu trong cơ thể, ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý đến hàm lượng sắt, vì tình trạng thiếu máu thường xuyên gặp ở thai phụ và tình trạng này còn kéo dài đến khi bé yêu chào đời.
- Vitamin D: Vitamin D cần thiết cho sự phát triển của hệ xương khi bé yêu còn là phôi thai. Vitamin D có nhiều trong cá, dầu cá, ngũ cốc, sò, nấm,… Ngoài ra mẹ bầu cũng nên tận dụng nguồn vitamin D dồi dào có trong ánh nắng mặt trời. Mỗi sáng mẹ bầu nên dành khoảng 15 phút (trước 9h sáng) để tắm nắng và để nắng chiếu trực tiếp lên da sẽ tốt hơn.
- Vitamin C: Vitamin C giúp hỗ trợ sự phát triển của cơ và mạch máu cho thai nhi. Ngoài ra, vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp mẹ tăng cường sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Vitamin C có nhiều trong một số loại trái cây như: cam, chanh, đu đủ, dâu tây, ổi, bông cải xanh…
- Chất đạm: hay còn gọi là protein. Trong 3 tháng đầu tiên, mẹ bầu nên bổ sung khoảng 70 – 100 gam chất đạm mỗi ngày tùy theo thể trạng và vận động thể lực, để bé cưng phát triển hoàn thiện tế bào não, đồng thời chất đạm còn giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển bình thường trong suốt thai kỳ. Chất đạm có trong thịt gà, thịt heo, cá, đậu hũ, sữa,…
Những công thức nấu ăn mà mẹ cần tránh trong 3 tháng đầu
Mặc dù trong giai đoạn đầu mẹ cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng hơn so với lúc chưa mang thai, nhưng có những công thức nấu ăn mà mẹ nên tránh để đảm bảo sức khỏe của hai mẹ con. Những công thức có những món dưới đây mẹ và người nhà không nên áp dụng bởi vì mẹ bầu có thể phải đối diện với nguy cơ sảy thai cao.
1. Rau ngót
Những món ăn nào có rau ngót mẹ nên tránh vì trong rau ngót có chứa chất Papaverin có tác dụng gây kích thích cơ trơn tử cung, khiến tử cung co thắt. Đặc biệt những người có tiền sử sinh non, sảy thai, động thai, hiếm muộn, đang mang thai 3 tháng đầu càng phải tránh xa món rau này.
2. Dứa
Ăn dứa hoặc uống nước ép dứa nhiều trong 3 tháng đầu mang thai có thể khiến thai chết lưu. Nguyên nhân vì dứa (nhất là dứa xanh) chứa các bromelain - có khả năng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung. Mặc dù có rất nhiều công thức nấu ăn ngon từ dứa như canh ngao nấu dứa, tôm xào dứa, thịt bò kho dứa… tuy nhiên mẹ nên hạn chế ăn. Nếu thèm mẹ nên để qua những tháng giữa thai kỳ hãy áp dụng những công thức nấu ăn này.
Những công thức nấu ăn có dứa không nên dùng trong những tháng đầu thai kỳ.
3. Thực phẩm sống
Rau, quả chưa rửa kỹ, rau mầm sống, thịt chưa được nấu chín,... vì một loại ký sinh trùng, vi khuẩn sống trên rau, thịt chưa được rửa kỹ, nấu chín có thể gây hại cho sự phát triển tâm thần của thai nhi.
- Trứng sống, trứng chần: ăn trứng sống, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thai nhi.
- Thịt sống cũng là loại thực phẩm cần được cho vào "danh sách đen" cấm ăn của các mẹ bầu. Vì một miếng bít tết sống hay thịt bò tái hoặc gà chưa nấu chín kỹ thì đều mang theo vi khuẩn Listeria.
- Các món ăn cá sống như sushi có thể gây ra ngộ độc thực phẩm cho thai nhi, nguy hiểm đến thai nhi. Trong các món cá sống lượng vi khuẩn khá lớn ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Tương tự với các món cá xông khói cũng không hề an toàn cho mẹ bầu.
- Các loại rau ăn sống như rau mầm, giá, xà lách... là những loại rau được rất nhiều người ưa thích, nhưng nó là loại rau mà các mẹ bầu nên tránh bởi chúng luôn chứa các vi khuẩn salmonella, listeria và e.coli – gây hại cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.
- Hải sản tươi sống tồn tại vi khuẩn, virus gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
Mặc dù bình thường mẹ có thể vô tư chế biến và ăn những món sống, nhưng khi biết mình mang bầu mẹ nên hạn chế sử dụng những đồ sống trong các công thức nấu ăn hàng ngày. Thay vào đó mẹ nên nấu chín và ăn khi còn nóng để hạn chế vi sinh vật không có lợi mẹ nhé!
4. Hải sản có hàm lượng thủy ngân cao
Các bà bầu đang mang thai 3 tháng đầu không nên ăn một vài loại cá và động vật giáp xác như cá kiếm, cá kình, cá ngừ, cá thu,... vì chúng có hàm lượng thủy ngân rất cao. Thay vào đó, thai phụ nên chọn tôm, cá cơm, cá hồi, cá rô phi,... vì chúng chứa ít thủy ngân, được chứng minh an toàn đối với phụ nữ mang thai.
5. Chất ngọt nhân tạo
Các chất làm ngọt như Saccharin, Stevia, Cyclamate, Sucralose, Aspartame đều được xem là không an toàn đối với phụ nữ mang thai. Mẹ bầu nên dùng với một lượng nhỏ khi chế biến món ăn.
6. Gan động vật
Mặc dù gan động vật chứa nhiều vitamin A, nhưng nếu mẹ bầu ăn quá nhiều có thể gây dị dạng thai nhi. Đồng thời, gan vốn là cơ quan giải độc, nơi chứa nhiều chất độc hại trong cơ thể lợn, gà... nên hạn chế ăn.
Mẹ mang thai thì không nên sử dụng nhiều các công thức có gan.
Mẹ bầu hãy lưu ý tới những thực phẩm trên khi áp dụng các công thức nấu ăn hằng ngày, để vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ nhưng cũng hạn chế nguy cơ gây hại sức khỏe cho mẹ và bé. Mong rằng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp mẹ bầu có sức khỏe tốt và thai nhi phát triển toàn diện.
*Nguồn tham khảo:
https://tienphong.vn/thuc-pham-cuc-doc-voi-me-bau-tranh-cho-xa-keo-hai-ca-hai-me-con-post1148028.tpo