Mẹ bầu thường bị chuột rút vào cuối thai kỳ thì nên làm gì?

Chuột rút là hiện tượng phổ biến ở mẹ bầu, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Dù không đe dọa tính mạng, nhưng cơn đau do chuột rút gây mất ngủ và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của cả mẹ và bé.

1. Nguyên nhân gây chuột rút ở mẹ bầu

Cho đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra lý do tại sao phụ nữ mang thai thường gặp phải hiện tượng chuột rút. Tuy nhiên, các bác sĩ đã chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến như sau:

1.1. Tăng cân trong thai kỳ

Khi thai kỳ tiến triển, trọng lượng cơ thể của mẹ bầu tăng lên đáng kể. Sự tăng cân này tạo áp lực lớn hơn lên các cơ bắp ở chân, khiến lưu thông máu bị hạn chế và gây ra chuột rút.

1.2. Tăng kích thước tử cung

Khi tử cung gia tăng kích thước nhanh chóng, các mạch máu và dây thần kinh xung quanh cũng bị chèn ép. 

Điều này làm giảm lượng máu chảy xuống chân và gây cảm giác tê nhức, nặng nề hoặc chuột rút. 

Khi thai nhi phát triển, trọng lượng của bé đè ép lên các mạch máu và dây thần kinh ở chân, dẫn đến co thắt cơ.

1.3. Mất nước và rối loạn điện giải

Thai kỳ làm cho cơ thể mẹ dễ mất nước, nhất là khi đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Mất nước không chỉ ảnh hưởng đến tuần hoàn mà còn góp phần gây chuột rút.

1.4. Thiếu canxi

Đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ khi nhu cầu canxi tăng cao để nuôi dưỡng thai nhi. Lượng canxi trong máu của mẹ giảm, gây ra hiện tượng hạ canxi máu, từ đó làm tăng nguy cơ chuột rút.

Cơ thể mẹ ưu tiên canxi cho bé, khiến mẹ dễ bị thiếu hụt và bị chuột rút.

1.5. Thiếu khoáng chất thiết yếu

Chế độ ăn không đảm bảo đủ lượng các khoáng chất như canxi, kali và magie cũng là một nguyên nhân quan trọng. 

Sự thiếu hụt này ảnh hưởng đến khả năng co giãn và thư giãn của các cơ bắp, dẫn đến tình trạng chuột rút.

1.6. Tư thế nằm sai hoặc ít vận động 

Việc nằm quá lâu trong một tư thế không thay đổi có thể dẫn đến căng cứng cơ bắp. Nằm ngửa quá nhiều cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ chuột rút. 

Ngoài ra, mẹ bầu nếu ngồi lâu và ít vận động, cơ bắp cũng dễ bị mỏi và co giật.

2. Mẹ bầu cần làm gì khi bị chuột rút?

Nếu gặp phải cơn chuột rút khi mang thai, các mẹ cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sau để giảm đau: 

- Duỗi thẳng chân và bắt đầu xoa bóp nhẹ nhàng vùng mắt cá và các ngón chân. Ban đầu có thể gây chút đau, nhưng cảm giác sẽ dần thuyên giảm khi máu lưu thông được cải thiện.

- Lấy một chai nước ấm đặt lên vùng bị chuột rút

- Đi lại, bước một vài bước cũng sẽ giúp chứng chuột rút qua nhanh.

Mẹ bầu nên xoa bóp các cơ bắp bị co rút để giảm cảm giác đau.

3. Cách phòng ngừa chuột rút ở bà bầu 

Mẹ bầu hoàn toàn có thể phòng ngừa hiện tượng chuột rút trong thai kỳ bằng cách áp dụng những biện pháp sau đây:

- Tránh đứng, ngồi lâu ở một tư thế. Nếu phải ngồi lâu, mẹ bầu nên tranh thủ thời để vận động hai chân, duỗi chân thoải mái giúp máu lưu thông tốt hơn, tránh bị chuột rút.

- Nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc nặng nhọc.

- Duy trì tập thể dục, vận động hàng ngày. Mẹ bầu có thể tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng giúp cơ thể thoải mái và tránh tình trạng chuột rút. 

- Massage chân, tay, xoa bóp các cơ bắp để làm tăng tốc độ lưu thông máu.

- Khi ngủ, bà bầu nên dùng gối mềm để gác chân hoặc nằm nghiêng về bên trái để máu được lưu thông đi khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân.

- Dùng nước ấm pha một chút gừng và muối để ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ giúp bà bầu ngủ ngon và phòng tránh được tình trạng chuột rút.

- Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu kali, magie, đặc biệt là canxi (thịt,cá, trứng, rau củ quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê...).

- Chọn giày dép phù hợp với chân, tạo sự thoải mái và tránh tắc nghẽn mạch máu.

- Trước khi ngủ, hãy thực hiện vài động tác duỗi cơ chân nhẹ để giảm nguy cơ chuột rút.

- Uống nhiều nước, tốt nhất nên bổ sung mỗi ngày từ 2 - 2,5 lít nước để hạn chế tình trạng mất nước.

- Có thể bổ sung thêm viên uống canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ khi cần. 

Vận động nhẹ nhàng như tập yoga giúp mẹ bầu giảm tình trạng chuột rút.

>> Xem thêm: Top 5 Viên uống Canxi cho bà bầu tốt nhất hiện nay 

4. Khi nào mẹ bầu nên đi khám bác sĩ? 

Thông thường, chuột rút không nguy hiểm, nhưng mẹ bầu cần chú ý các dấu hiệu bất thường sau:

- Chuột rút kèm theo đau bụng dữ dội, ra máu, hoặc sưng chân bất thường.

- Đau kéo dài không giảm, chân yếu hoặc tê bì.

- Mất ngủ kéo dài, co giật không kiểm soát hoặc ngất xỉu.

Nếu gặp các triệu chứng này, mẹ bầu nên liên hệ bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng như cục máu đông hoặc thiếu hụt dinh dưỡng nặng. 

Ngoài ra, nếu chuột rút xảy ra quá thường xuyên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và bổ sung vitamin/khoáng chất nếu cần.

Với những biện pháp trên, mẹ bầu không chỉ xử lý hiệu quả cơn chuột rút mà còn chủ động ngăn ngừa tái phát trong thai kỳ. Chăm sóc bản thân và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn và thoải mái hơn.