Chảy máu cam là hiện tượng phổ biến ở nhiều bà bầu. Tuy nhiên, nhiều mẹ lo lắng liệu chảy máu cam trong thai kỳ có ảnh hưởng hay không đến sự phát triển của thai nhi. Bài viết này sẽ giúp các mẹ lý giải được nỗi lo lắng này nhé.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chảy máu cam
1. Thay đổi trong cơ thể mẹ bầu
Mang thai có thể làm cho các mạch máu trong mũi của mẹ bầu mở rộng và việc cung cấp máu tăng lên sẽ gây áp lực lên những mạch máu này, khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Khoảng 20% phụ nữ mang thai bị chảy máu cam, trong khi chỉ có khoảng 6% phụ nữ không mang thai gặp phải tình trạng này.
2. Ảnh hưởng của môi trường xung quanh
Thai phụ có khả năng cao bị chảy máu mũi khi bị cảm lạnh, nhiễm trùng xoang, dị ứng hay khi màng trong mũi bị khô do thời tiết lạnh, phòng máy lạnh, cabin máy bay và các môi trường khác có không khí khô. Một số chấn thương hoặc tình trạng sức khỏe của mẹ bầu như huyết áp cao hay rối loạn đông máu cũng có thể gây nên hiện tượng chảy máu cam.
Thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam thai kỳ.
3. Thay đổi nội tiết tố
Nội tiết tố thay đổi trong thời kỳ mang thai khiến cho màng nhầy ở mũi của mẹ bầu bị sưng lên, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi và chảy máu dễ dàng hơn.
4. Sử dụng thuốc
Các loại thuốc như aspirin, warfarin hay thuốc chống viêm không chứa steroid đều có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chảy máu cam. Mẹ bầu cũng nên chú trọng lưu ý khi sử dụng thuốc làm thông mũi và thuốc xịt mũi.
Mẹ bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Chảy máu cam thường không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nếu chảy máu cam xảy ra quá thường xuyên hoặc lượng máu chảy nhiều, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ để đảm bảo sức khoẻ cho cả hai mẹ con.
Ngoài ra, chảy máu cam có thể làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 10% phụ nữ mang thai bị chảy máu cam sẽ bị băng huyết sau sinh, so với 6% ở phụ nữ không bị chảy máu cam. Nếu trong 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu vẫn bị chảy máu cam nặng thì rất có thể nghĩ đến phương án sinh mổ.
Chảy máu cam khi mang thai thường không nguy hiểm tới bà bầu và thai nhi.
Cách xử lý khi mẹ bầu bị chảy máu cam
Khi bị chảy máu cam, mẹ bầu nên thực hiện các bước sau:
- Ngồi xuống và nghiêng về phía trước: Để máu còn đọng lại chảy ra khỏi lỗ mũi, ngăn máu chảy ngược lại vào trong họng và dạ dày. Nếu cảm thấy chóng mặt, bạn có thể nằm nghiêng qua một bên.
- Kẹp chặt cánh mũi: Sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp chặt phía trên cánh mũi rồi thở bằng miệng.
- Hít thở bằng miệng: Siết chặt lỗ mũi trong khoảng từ 10-15 phút. Không nên kiểm tra tình trạng chảy máu trong thời gian này bởi nó có thể cản trở quá trình đông máu.
- Chườm đá: Làm hẹp các mạch máu và làm chậm quá trình chảy máu bằng cách giữ một túi chườm lạnh đặt lên sống mũi.
Tư thế đứng cầm máu khi mẹ bầu bị chảy máu cam.
Mặc dù chảy máu cam trong thai kỳ thường không quá nguy hiểm, nhưng điều đó không có nghĩa là mẹ nên chủ quan. Nếu sau một lúc lâu mà máu chưa ngừng chảy hoặc bạn thường xuyên gặp tình trạng này trong thai kỳ, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn xử lý kịp thời.