1. Thai nhi 7 tháng phát triển như thế nào?
Tháng thứ 7 bao gồm thời gian từ tuần thứ 25 đến tuần thứ 28. Khi được 7 tháng, thai nhi đã phát triển gần như hoàn thiện.
- Đại não phát triển giúp thai nhi có thể điều khiển được cử động của toàn bộ cơ thể. Bé có thể vươn tay, vươn chân; tay có thể cầm, nắm; mắt có thể nhắm, mở, thậm chí là cảm nhận được ánh sáng
- Hô hấp phát triển, thai nhi có thể thở bằng phổi thông qua mũi. Nếu có lý do nào đó bị sinh non, được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) khả năng tồn tại của trẻ vẫn tăng lên đáng kể.
- Thai nhi luyện tập các phản xạ thần kinh. Nếu mẹ gây ra tiếng động lớn, em bé trong bụng có thể cảm nhận được ngay. Mẹ sẽ cảm thấy được bé đang “giật mình” thông qua các cử động thai.
- Mạng lưới thần kinh phức tạp tiếp tục được hoàn thiện. Chức năng ghi nhớ và suy nghĩ đã phát triển rõ rệt.
- Thai nhi cũng bắt đầu hình thành “đồng hồ sinh học” với thời gian hoạt động và thời gian ngủ đan xen. Thông qua cảm nhận cử động thai mà mẹ có thể biết được chu kỳ thức ngủ của con mình.
Đặc biệt, từ tháng thứ 7, thai nhi đã có vị trí cố định trong bụng mẹ.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 28.
2. Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu mang bầu 7 tháng
Khi mang thai tháng thứ 7, cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thai nhi.
- Mẹ tăng cân đáng kể: trung bình tăng 400gr mỗi tuần, một phần chất dinh dưỡng cung cấp cho bé, 40% chuyển thành chất béo tích trữ để phục vụ cho quá trình tiết sữa cho con bú sau này. Ở tuần thứ 28, chu vi vòng bụng của mẹ có thể đạt 233.3mm.
- Tay chân dễ bị phù nề: do lưu lượng máu tiếp tục tăng thêm trong quá trình mang thai và sự cản trở máu về tim khi thai to lên.
- Đau lưng: cơ thể mẹ mất thăng bằng do lúc này phần trên của tử cung (đáy tử cung) đã phát triển cao hơn vị trí rốn, bụng mẹ nhô hẳn ra phía trước làm lệch trọng tâm cơ thể.
- Các triệu chứng về ruột và dạ dày: do thai to chèn ép các nội tạng trong bụng mẹ gây ra tình trạng tiêu hoá không tốt, đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng, táo bón.
- Các cơn co thắt nhẹ (cơn co thắt Braxton-Hicks): Cảm giác nặng bụng dưới khi mang thai tháng thứ 7 là hiện tượng bình thường khi mang thai. Đi kèm với đó là các cơn co thắt nhẹ trong khoảng 30 đến 60 giây, và đôi khi kéo dài đến 2 phút. Mặc dù chúng có thể gây khó chịu nhưng không gây đau nhiều và không diễn ra thường xuyên.
- Mất ngủ: thai lớn hơn khiến mẹ không có được tư thế nằm thoải mái dễ dẫn đến mất ngủ.
Mẹ mang thai tháng thứ 7 dễ bị phù nề.
3. Các lưu ý cho mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 7
Khi bụng đã lớn, những cử động trước nay bình thường trở nên khó khăn hơn. Mẹ cũng nên cân đối chế độ dinh dưỡng để đảm bảo để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho bé.
3.1. Bầu tháng thứ 7 nên ăn gì?
Tháng thứ 7 là thời kỳ đầu trong tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối). Đây là thời gian thai nhi phát triển rất nhanh, vì vậy mẹ bầu cũng cần tăng lượng calo bổ sung vào cơ thể.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 2200Kcal/ ngày thì phụ nữ có thai 3 tháng cuối phải bổ sung thêm 350Kcal (tức là 2550Kcal/ngày) tương đương với thêm 1 bát cơm đầy mỗi ngày. Mẹ bầu cần ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (protein, canxi, sắt, rau quả…) như lời khuyên ở những bài trước mẹ nhé.
Đồng thời, mẹ cần uống đủ 2,2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước ối cho thai nhi.
Ngoài ra, mẹ bầu tháng thứ 7 cần lưu ý bổ sung Vitamin K trong chế độ dinh dưỡng. Vitamin K là chất cần thiết cho quá trình đông máu.
Chính vì vai trò quan trọng này của vitamin K,bé sẽ được tiêm vitamin K ngay sau khi chào đời. Để cung cấp cho em bé nhiều vitamin K nhất có thể, mẹ bầu nên cố gắng ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này trong tam cá nguyệt thứ ba này.
Những loại thực phẩm giàu vitamin K bao gồm: Cải bó xôi, củ cải xanh, rau diếp, súp lơ, bông cải xanh, đậu Hà Lan, rau mùi, bắp cải, cà rốt, kiwi.
Khi mang thai 7 tháng, mẹ nên chú ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin K.
3.2. Chế độ sinh hoạt của mẹ bầu
- Tư thế nằm: Hãy sử dụng gối ôm hay gối kê để giữ cơ thể ở tư thế thoải mái nhất. Để gối giữa hai chân tạo thành tư thế Sims (nằm nghiêng người về phía bên trái, chân đặt phía trên gối hơi co lại).
- Tư thế đứng đúng: dồn trọng lực lên hai chân, kéo giãn cơ lưng, giữ thẳng lưng. Tránh đứng ưỡn ra, tạo gánh năng cho lưng dẫn đến bị đau lưng.
- Không ráng sức, hãy nhờ sự giúp đỡ: lúc mang vác vật nặng, hãy nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.
- Quan hệ tình dục: có thể quan hệ tình dục trong thời điểm này (trừ một số trường hợp có chỉ định của bác sĩ). Ba mẹ hãy lựa chọn tư thế phù hợp, an toàn, tránh quan hệ thô bạo, sử dụng biện pháp an toàn để tránh lây nhiễm các bệnh đường sinh dục (lậu, herpes,...)
- Thực phẩm nên tránh: ăn đồ mặn, thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ, thực phẩm chưa được nấu chín, hải sản tươi sống, sử dụng các chất kích thích.
- Chăm sóc cơ thể: mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm vào các vùng bị rạn da, xoa bóp và ngâm chân với nước ấm buổi tối để giảm phù nề.
- Khám thai định kỳ: mẹ nên đi khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, thời điểm này mẹ dễ bị mắc tiểu đường thai kỳ do các hormone từ nhau thai tiết ra làm hạn chế sự hoạt động của insulin. Ngoài ra, mẹ nên theo dõi huyết áp để phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật.
Mẹ có thể sử dụng máy đo đường huyết tại nhà để đề phòng tiểu đường vào tháng thứ 7.
4. Các trường hợp khẩn cấp cần đi khám ngay
- Sốt.
- Các cơn co thắt thường xuyên.
- Tay chân phù nề nhanh chóng, đi kèm với đau nhức đầu.
- Ngứa dữ dội ở lòng bàn chân và bàn tay.
- Chảy máu âm đạo hoặc chảy dịch âm đạo bất thường.
Trên đây là những lưu ý cho mẹ bầu mang thai tháng thứ 7. Khi thai lớn hơn sẽ gây ra một số bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, mẹ hãy chú ý an toàn và học cách khắc phục nhé!
>> Đọc tiếp: Mang thai tháng thứ 8: Những chú ý mẹ bầu không thể bỏ qua