1. Axit folic là gì?
Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 là một chất thuộc vitamin nhóm B. Nó có dạng tổng hợp là folate. Axit folic là một chất rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào cũng như sự hình thành của tế bào máu. Axit folic góp phần giúp cơ thể sản xuất các tế bào mới để thay thế cho những tế bào cũ đã già và chết đi, đồng thời ngăn ngừa những biến đổi bất thường về ADN của tế bào – nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các tế bào ung thư.
Uống axit folic đặc biệt quan trọng trước và trong khi mang thai, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu cho thấy dùng axit folic trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh bao gồm dị tật ống thần kinh nghiêm trọng như tật nứt đốt sống, encephalocele (hiếm khi) và bệnh não.
Axit folic thường chứa nhiều trong các loại thực phẩm như đậu khô, đậu Hà Lan, đậu lăng, cam hoặc các sản phẩm từ lúa mì nguyên chất, gan, măng tây, củ cải đường, rau cải xanh, rau bina...mẹ bầu có thể lựa chọn để sử dụng như một nguồn cung cấp axit folic bên cạnh dùng thuốc bổ sung trong suốt thai kỳ.
2. Những lợi ích của việc bà bầu dùng axit folic khi mang thai
2.1. Bà bầu dùng axit folic giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh
Khoảng 3.000 em bé được sinh ra với khuyết tật ống thần kinh ở Hoa Kỳ mỗi năm. Thông thường, ống thần kinh phát triển vào tủy sống và não sau 28 ngày kể từ khi thụ thai. Nếu ống thần kinh không đóng đúng cách, sẽ xảy ra khuyết tật ống thần kinh. Chứng loạn thần là tình trạng não bộ không phát triển đúng cách. Em bé sinh ra bị bệnh não không thể sống sót. Trẻ sinh ra bị tật nứt đốt sống có thể phải đối mặt với nhiều ca phẫu thuật, bị tê liệt và tàn tật lâu dài.
Mẹ bầu uống axit folic trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh cho bé
Theo đánh giá của các chuyên gia, mẹ bầu bổ sung axit folic sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật tim bẩm sinh. Ngoài ra bổ sung sớm axit folic trong thai kỳ còn có thể giúp ngăn ngừa sứt môi và hở hàm ếch. Những dị tật bẩm sinh này xảy ra nếu các bộ phận của miệng và môi không hợp nhất với nhau trong 6 đến 10 tuần đầu tiên của thai kỳ.
2.2. Bà bầu dùng axit folic giúp phòng tránh bệnh thiếu máu
Vai trò hết sức quan trọng của axit folic là cung cấp các tế bào máu cho cơ thể, giúp tạo ra các tế bào mới, bao gồm hồng cầu. Vậy nên trong giai đoạn mang thai cần bổ sung đầy đủ axit folic cho mẹ bầu và thai nhi để ngăn được tình trạng thiếu máu, tránh xảy ra các trường hợp sảy thai, sinh non, hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai hoặc các bệnh về tim mạch, hở hàm ếch đối với trẻ sơ sinh.
2.3. Bà bầu dùng axit folic giúp giảm nguy cơ ung thư
Axit folic cũng đóng góp vào việc giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư cổ tử cung.
2.4. Bà bầu dùng axit folic giúp ngăn chặn một số bệnh lý khác
Axit folic còn được sử dụng để ngăn chặn một số bệnh lý như chứng mất trí nhớ, bệnh mất trí, nghe kém do tuổi tác, giảm dấu hiệu lão hóa, xương yếu (loãng xương), chân bồn chồn, khó ngủ, trầm cảm, đau thần kinh, đau cơ bắp, AIDS, bệnh bạch biến, …
3. Liều lượng axit folic cho phụ nữ mang thai
Liều lượng axit folic khuyến cáo cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 400 mcg mỗi ngày. Nếu thai phụ dùng vitamin tổng hợp mỗi ngày, hãy kiểm tra xem nó có đủ lượng axit folic khuyến cáo hay không.
Liều lượng axit folic mẹ bầu nên dùng mỗi ngày chi tiết như sau:
- Trong khi mang thai: 400 mcg
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ: 400 mcg
- Trong 4 đến 9 tháng của thai kỳ: 600 mcg
- Trong khi cho con bú: 500 mcg
Liều lượng axit folic khuyến cáo cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 400 mcg mỗi ngày
Chú ý: axit folic được khuyến cáo sử dụng mỗi ngày từ 400 đến 600 microgram, khi đó lượng axit folic dư sẽ được thải ra nước tiểu và không có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trong trường hợp sử dụng axit folic với liều cao trên 1000 microgam mỗi ngày và trong một thời gian dài có thể ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, uống axit folic sau khi bạn phát hiện ra bạn mang thai có thể không đủ sớm. Nhiều phụ nữ không nhận ra họ đã mang thai đến 6 tuần hoặc hơn 6 tuần. Khiếm khuyết ống thần kinh có thể xảy ra trong tháng đầu tiên của thai kỳ, thường là trước khi bạn nhận ra mình có thai. Cũng như theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch Hoa Kỳ (CDC), thai phụ nên bổ sung axit folic hằng ngày, chậm nhất là 1 tháng trước khi mang thai sẽ giảm thiểu được nguy cơ sinh non so với những người phụ nữ khác. Vì thế khi có kế hoạch mang thai, mẹ bầu nên bổ sung axit folic mỗi ngày theo đúng liều lượng càng sớm càng tốt nhé!
4. Bổ sung axit folic bằng thuốc thực phẩm chức năng
Nguồn bổ sung axit folic tốt nhất là từ thực phẩm, folate cũng được tìm thấy nhiều trong một số loại rau xanh sẫm như rau cải xanh, rau bina, các loại hạt và một số loại quả nhóm citrus như cam, chanh, bưởi khác.
Uống thực phẩm chức năng là cách bổ sung axit folic bên cạnh dùng thực phẩm
Tuy nhiên, sẽ rất khó để biết chính xác đã bổ sung đủ lượng axit folic mỗi ngày đầy đủ chưa, cũng như trong một số trường hợp việc bổ sung acid folic bằng những loại thực phẩm thông thường không đáp ứng được nhu cầu của bà bầu. Do vậy, cách tốt nhất được khuyến cáo đó là phụ nữ nên sử dụng các dạng viên uống có sẵn, được chuẩn hóa hàm lượng axit folic, như vậy, thai phụ có thể hoàn toàn yên tâm, không sợ bị thiếu hoặc quá thừa loại vitamin này.
Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị mang thai, trước khi bổ sung bất kỳ một loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ; đồng thời cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Một lưu ý khi bổ sung axit folic:
- Nên uống sau bữa ăn 30 phút, kèm với nước lọc.
- Cũng có thể uống vào buổi tối trước khi đi ngủ 2 tiếng và kèm theo một chút đồ ăn nhẹ sẽ khiến dạ dày được thoải mái dễ chịu.
5. Tác dụng phụ khi dùng quá liều axit folic
Dưới đây là 4 tác dụng phụ phổ biến nhất của tình trạng dư thừa axit folic:
- Che giấu sự thiếu hụt vitamin B12: Cơ thể sử dụng vitamin B12 trong việc sinh tổng hợp hồng cầu và giữ cho các bộ phận như tim, não, hệ thần kinh hoạt động một cách tối ưu. Thiếu hụt vitamin B12 có thể khiến nào giảm khả năng hoạt động, lâu dần sẽ khiến hệ thống thần kinh tổn thương vĩnh viễn do đó chẩn đoán chậm tình trạng thiếu B12 đặc biệt đáng lo ngại. Cơ thể sử dụng folate và B12 theo cách giống nhau, có nghĩa là biểu hiện của sự thiếu hụt một trong 2 chất này cũng giống nhau. Bổ sung axit folic có thể khiến những triệu chứng của thiếu hụt vitamin B12 không được phát hiện kịp thời.
- Đẩy nhanh quá trình lão hóa của các tế bào thần kinh: Lượng axit folic dư thừa có thể làm tăng tốc độ lão hóa các tế bào thần kinh theo thời gian, đặc biệt là đối với những người có lượng vitamin B12 thấp. Một nghiên cứu được thực hiện đối với những người trên 60 tuổi có nồng độ folate trong máu cao do được bổ sung thường xuyên axit folic chứ không phải hấp thu từ các loại thực phẩm tự nhiên cho thấy tình trạng rối loạn nhận thức, suy giảm trí nhớ nhiều hơn so với những người bình thường.
- Kìm hãm sự phát triển não bộ của trẻ: Bổ sung đầy đủ lượng folate khi mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng như cần thiết cho sự phát triển trí não của bé vì thế phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai hoặc cho con bú được khuyến khích bổ sung axit folic. Tuy nhiên bổ sung quá nhiều axit folic có thể cản trở hoạt động của hormone insulin và kìm hãm sự phát triển não bộ của trẻ. Trong một nghiên cứu thực hiện gần đây, trẻ dưới 5 tuổi có mẹ bổ sung trên 1000 microgam axit folic mỗi ngày khi mang thai (nhiều hơn so với mức cần thiết) đạt điểm kiểm tra phát triển trí não thấp hơn so với những trẻ mà mẹ chỉ sử dụng từ 400 đến dưới 1000 microgam axit folic mỗi ngày.
- Tăng khả năng phát triển của các khối u: Cơ chế hoạt động của axit folic là bảo vệ và tăng cường sự phát triển của tất cả các loại tế bào, kể cả tế bào ung thư. Chúng giúp các tế bào ung thư ngày càng nhân lên và nhanh chóng di căn sang các cơ quan khác. Những người đã từng mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư đại trực tràng được bổ sung hơn 1000 microgam axit folic mỗi ngày có nguy cơ tái phát cao hơn những người bình thường từ 1,7% đến 6,4%. Nhưng đó là đối với những nguồn bổ sung axit folic khác còn hấp thu folate từ những thực phẩm hàng ngày không làm tăng nguy cơ ung thư.