1. Thời gian bay an toàn trong thai kỳ
Nếu bạn đang có một thai kỳ khỏe mạnh, thì việc đi máy bay sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba mẹ bầu nên hạn chế di chuyển bằng máy bay vì:
- Tam cá nguyệt thứ nhất thai nhi chưa được ổn định, cơ thể mẹ có những xáo trộn lớn, luôn khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra nên di chuyển nhiều sẽ dễ bị động thai dẫn tới sảy thai.
- Những tháng cuối thai kỳ thì người mẹ có bụng đã rất lớn, đi lại cũng khó khăn hơn, nguy cơ sinh non cũng sẽ diễn ra nếu cơ thể bị tác động nhiều.
Do đó, tam cá nguyệt thứ hai có lẽ là thời điểm tốt nhất để mẹ đi máy bay. Khi này mẹ có thể đã qua cơn ốm nghén và bụng chưa quá to để di chuyển.
Tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm tốt nhất để mẹ đi máy bay
Tuy nhiên, trước khi đặt vé, hãy đến gặp bác sĩ và nói về chuyến đi và nếu bác sĩ thông báo rằng mẹ có thể đi máy bay, hãy trang bị trước một số điều cần thiết trước và trong chuyến bay để giữ an toàn và khỏe mạnh.
2. Kiểm tra chính sách của hãng hàng không và bảo hiểm
2.1. Chính sách của các hãng máy bay đối với phụ nữ mang thai
Thông thường các hãng hàng không không cho phép thai sản bay sau 36 tuần. Liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để hỏi về chính sách của hãng đối với khách du lịch mang thai: có cần giấy báo của bác sĩ về việc xác minh ngày dự sinh của bà bầu hay không.
Dưới đây là thông tin về vận chuyển phụ nữ có thai đi máy bay của một số hãng hàng không tại Việt Nam.
2.1.1. Quy định với phụ nữ mang thai của Vietjet Air
Hành khách là phụ nữ mang thai muốn di chuyển bằng máy bay của hãng phải thông báo cho hãng chuyên chở tại sân bay và đáp ứng các điều kiện:
- Phụ nữ có thai đến đủ 27 tuần: Hãng có quyền yêu cầu hành khách cung cấp giấy tờ khám thai để xác định số tuần thai và ký “Giấy thỏa thuận trách nhiệm”
- Khách có thai trên 27 tuần đến 32 tuần: cần xuất trình được sổ/giấy khám thai thỏa mãn các điều kiện:
+ Có xác nhận của các bác sĩ chuyên khoa.
+ Lần khám gần nhất so với ngày khởi hành thực tế không quá 07 ngày.
+ Tình trạng sức khỏe của khách và thai nhi tốt hoặc bình thường. Đối với tình trạng bất thường khách được yêu cầu hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ sức khỏe thực hiện hành trình.
- Phụ nữ có thai trên 32 tuần: Hãng từ chối vận chuyển.
- Đối với tình trạng sức khỏe của hành khách không bình thường; có thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; mang song thai trở lên; hoặc thai nhi phát triển không bình thường được yêu cầu hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ sức khỏe thực hiện hành trình theo hướng dẫn của hãng.
2.1.2. Quy định với phụ nữ mang thai của Vietnam Airlines
Về thời gian mang thai, hãng có quy định như sau:
- Phụ nữ mang thai dưới 32 tuần: Vận chuyển như hành khách thông thường.
- Phụ nữ mang thai từ 32 đến 36 tuần: Xác nhận sức khỏe trước chuyến bay bằng Mẫu thông tin y tế do hãng cung cấp, ngoài ra cần có 1 mẫu thông tin y tế do bác sĩ ghi (bác sĩ thuộc cơ sở y tế được chấp nhận khám sức khỏe bởi HKVN).
- Phụ nữ mang thai trên 36 tuần, hoặc dự kiến sinh trong vòng 07 ngày, hoặc sau sinh 07 ngày: Từ chối vận chuyển để đảm bảo sức khỏe cho hành khách.
Một số hãng hàng không cho phép mẹ bầu từ 36 tuần trở xuống mới được bay
Một số trường hợp đặc biệt được yêu cầu xác nhận sức khỏe trước chuyến bay, bao gồm:
- Không xác định rõ thời gian sinh nở hay thời gian mang thai; hoặc
- Đã từng sinh đôi, sinh ba, đa thai...; hoặc
- Có nguy cơ gặp trục trặc trong khi sinh; hoặc
- Có thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Phụ nữ mang thai cần lập các giấy tờ xác nhận sức khỏe trước thời gian dự định bay trong vòng 07 ngày. Hồ sơ vẫn được chấp nhận cho chặng bay tiếp theo trong trường hợp hành khách không phát sinh vấn đề sức khỏe suốt hành trình, đáp ứng điều kiện mang thai dưới 36 tuần tính tới ngày khởi hành.
2.1.3. Quy định với phụ nữ mang thai của Bamboo Airways
Hãng hàng không này chấp nhận bay đối với phụ nữ mang thai dưới 32 tuần tuổi, đáp ứng các quy định sau:
- Phụ nữ mang thai dưới 27 tuần tuổi: được chấp nhận vận chuyển như bình thường, nhưng cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Sổ khám thai định kỳ
+ Phiếu siêu âm có xác định tuần tuổi thai nhi
+ Ký giấy miễn trừ trách nhiệm
- Phụ nữ mang thai từ 28 đến 32 tuần tuổi: được phép vận chuyển với yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết:
+ Sổ khám thai định kỳ
+ Giấy xác nhận đủ sức khỏe để bay và đảm bảo tình trạng mẹ & bé bình thường của bác sĩ (không quá 07 ngày so với ngày khởi hành)
+ Phiếu siêu âm có xác nhân ngày dự sinh và tuần tuổi của thai
+ Ký giấy miễn trừ trách nhiệm
- Các trường hợp hãng không chấp nhận vận chuyển: Phụ nữ mang thai từ 32 tuần trở lên, phụ nữ sau sinh 07 ngày
2.2. Chính sách bảo hiểm
Kiểm tra chương trình bảo hiểm y tế của bạn. Điều gì xảy ra nếu bạn cần trợ giúp y tế hoặc bạn sinh non khi bạn đang đi công tác hoặc trên máy bay? Bạn có được bảo hiểm không?
Nếu bạn đang đi công tác nước ngoài, hãy xem liệu bạn có cần chính sách bổ sung cho bảo hiểm ở nước ngoài hay không. Cân nhắc mua bảo hiểm sơ tán y tế để bạn có thể được đưa về nhà để được chăm sóc y tế, nếu cần.
3. Chuẩn bị trước khi bay
3.1. Vớ giảm áp
Mẹ bầu nên hỏi bác sĩ về việc đi máy bay có nên mặc chúng không. Vớ giảm áp chắc hẳn không hợp thời trang nhưng chúng có thể giúp máu lưu thông khi mẹ bầu ngồi lâu trên máy bay.
3.2. Các biện pháp khắc phục chứng buồn nôn
Nếu bà bầu dễ bị say tàu xe, hãy hỏi bác sĩ về thuốc trị buồn nôn hoặc cách bấm huyệt. Rất ít bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích của bấm huyệt nhưng với một số người thì bấm huyệt sẽ hữu ích.
3.3. Thuốc trị tiêu chảy, đầy hơi
Việc tăng độ cao trên các chuyến bay có thể khiến khí ruột giãn nở gây khó chịu. Tránh thức ăn có hơi trước chuyến bay. Du lịch quốc tế có thể khiến bạn tiếp xúc với vi khuẩn có thể dẫn đến tiêu chảy, do đó cần chuẩn bị thuốc tiêu chảy.
Nên ăn thực phẩm dễ tiêu và quen thuộc để tránh trường hợp khó chịu và tiêu chảy
3.4. Chăm sóc y tế điểm đến
Bạn nên tìm hiểu về bác sĩ và bệnh viện tại nơi bạn đến, đề phòng trường hợp đột xuất. Bác sĩ thường khám thai cho mẹ có thể biết một đồng nghiệp ở đó hoặc có thể đưa ra các tham khảo.
3.5. Vắc-xin cúm
Tìm hiểu xem mẹ bầu có cần tiêm phòng cúm trước khi rời đi không.
4. Trên chuyến bay
Dưới đây là một số điều cần cân nhắc trước và trong chuyến bay của mẹ bầu:
- Chế độ ăn trước chuyến bay: mẹ bầu nên tránh ăn thức ăn có khí (đậu, bắp cải, bông cải xanh) và đồ uống có ga, chúng có thể khiến mẹ khó chịu hơn trong chuyến bay.
- Thắt dây an toàn: trong suốt thời gian bày trừ khi đi vệ sinh thì mẹ bầu hãy thắt dây an toàn: thắt dây nịt dưới bụng, trên xương hông của mẹ.
- Uống nhiều nước trong chuyến bay: nếu mẹ bị mất nước, nó có thể làm giảm lưu lượng máu đến tử cung do đó mẹ hãy thường xuyên uống nước trên máy bay nhé.
- Tập thể dục trên máy bay: bác sĩ sẽ đề nghị bạn đi bộ nửa giờ một lần trong một chuyến bay. Nó sẽ giúp giữ cho máu lưu thông. Trên ghế, mẹ nên thường xuyên uốn cong và mở rộng mắt cá chân của để tăng cường lưu thông.
- Chọn ghế phù hợp: ghế ngồi ở lối đi sẽ giúp bạn ra vào dễ dàng hơn khi đi dạo và đi vệ sinh. Ghế có vách ngăn là rộng rãi nhất, nhưng ghế trên cánh có thể sẽ mang lại cho mẹ bầu chuyến đi êm ái nhất.
Mẹ bầu nên thường xuyên uống nước trên máy bay để không bị khó chịu
5. Rủi ro có thể xảy ra
Các cục máu đông
Khi mẹ bầu ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể khiến máu tụ ở chân. Điều đó có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Không khí trong cabin tuần hoàn và độ ẩm thấp làm tăng thêm rủi ro. Tuy nhiên, rủi ro này xảy ra không cao. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách di chuyển trên máy bay thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ.
Huyết áp và nhịp tim
Khi mẹ bầu đi máy bay, huyết áp và nhịp tim có thể tăng lên. Nhưng các chuyên gia nói rằng nó thường không đủ để khiến mẹ gặp bất kỳ nguy hiểm nào.
Chụp quét cơ thể
Theo Cục An ninh Vận tải, công nghệ quét cơ thể được sử dụng cho an ninh tại các sân bay là an toàn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, bạn có thể yêu cầu việc dò bằng tay hoặc bằng cây nhựa.
Bức xạ trên không
Việc đi máy bay không thường xuyên không thì bức xạ không ảnh hưởng nhiều đến chị em mang thai. Nhưng nếu là người thường xuyên đi máy bay, như đi công tác liên tục, phi công hoặc tiếp viên hàng không, thì bức xạ sẽ là một vấn đề lớn vì nó vượt ngưỡng bình thường dành cho phụ nữ mang thai. Do đó, nếu đi lại nhiều bằng máy bay mẹ bầu hãy hỏi bác sĩ về điều này.
Bài viết này đã cập nhật những quy định và lưu ý cần thiết cho phụ nữ mang thai đi máy bay được thuận lợi và an toàn nhất. Trong đó, lưu ý đặc biệt quan trọng là mẹ bầu cần có tư vấn của bác sĩ trước khi đưa ra quyết định di chuyển bay để đảm bảo cho cả mẹ và bé, cũng như có một lộ trình bay trọn vẹn nhất.
*Nguồn tham khảo:
- webmd.com
https://www.webmd.com/baby/taking-to-the-skies-pregnant-and-safe#3
2. vinpearl.com
https://vinpearl.com/vi/phu-nu-mang-thai-di-may-bay-tat-ca-luu-y-va-quy-dinh-can-biet