Cách giữ thai trong 3 tháng đầu - 5 sai lầm phổ biến mẹ bầu cần tránh 

Giữ thai trong 3 tháng đầu cực kỳ quan trọng bởi vì lúc này thai nhi còn rất nhỏ và chưa bám chắc vào thành tử cung. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu dễ gặp phải những lo lắng và sai lầm. Hãy cùng 9thang10ngay khám phá 5 sai lầm phổ biến mà mẹ bầu cần tránh để giữ thai an toàn.

Mỗi mẹ bầu đều nhận được vô vàn lời khuyên từ gia đình, bạn bè và thậm chí từ internet. Nhưng không phải lời khuyên nào cũng đúng đắn. Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến mẹ bầu cần tránh:

1. Không di chuyển, không vận động, nằm yên một chỗ 

Sự thật: Nằm yên một chỗ có khả năng làm ốm nghén trở nên tồi tệ hơn. Điều này khiến máu không lưu thông, làm cơ thể đau nhức, tinh thần mệt mỏi. Thay vì nằm yên, mẹ bầu nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc thiền. Những hoạt động này không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ bầu mà còn giúp thai nhi phát triển tốt hơn. 

Ngoài ra, mẹ bầu nên tránh xa các trò chơi cảm giác mạnh và những môn thể thao vận động mạnh như chạy bộ, nhảy dây hay leo núi. Những hoạt động này có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và tăng nguy cơ động thai. 

Nếu mẹ có tiền sử sinh non, đang gặp tình trạng dọa sảy hoặc có các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, cao huyết áp hay bệnh hô hấp, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về hình thức và thời gian tập luyện phù hợp.

Ở một số trường hợp doạ sảy, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu nằm yên một chỗ. Lúc này, mẹ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Mẹ bầu trong 3 tháng đầu nên nghỉ ngơi hợp lý, không nên hoàn toàn nằm yên một chỗ.

2. Hoàn toàn không quan hệ tình dục 

Theo quan niệm dân gian, mẹ bầu trong 3 tháng đầu nên kiêng hoàn toàn việc quan hệ tình dục vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, theo góc nhìn khoa học, với thai kỳ bình thường, quan hệ tình dục không gây hại đến thai nhi. Cổ tử cung của mẹ có một nút nhầy bảo vệ, ngăn không cho tinh dịch hay vi khuẩn xâm nhập, do đó em bé vẫn an toàn. 

Ngược lại, quan hệ tình dục đúng cách (với tư thế đơn giản, nhẹ nhàng và có tần suất phù hợp) có thể giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn, giảm stress và cải thiện giấc ngủ. 

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thuộc một trong những trường hợp sau, quan hệ tình dục có thể không an toàn và cần tham khảo ý kiến bác sĩ:

- Tiền sử sảy thai nhiều lần, dọa sảy thai, sinh non, hoặc xuất huyết âm đạo.

- Chứng hở eo cổ tử cung, nhau bám thấp hay nhau tiền đạo (rau thai bám gần hoặc qua lỗ cổ tử cung), có nguy cơ xuất huyết khi quan hệ.

- Mang thai đôi hoặc đa thai.

- Chảy máu hoặc chảy dịch có mùi hôi sau quan hệ.

Trên thực tế, nếu không thuộc nhóm đối tượng trên và không được bác sĩ yêu cầu kiêng, phụ nữ khi mang thai có thể quan hệ tình dục trong suốt thai kỳ, miễn là cảm thấy thoải mái và an toàn.

Nhiều cha mẹ lo lắng quan hệ trong 3 tháng đầu mang thai có thể ảnh hưởng đến em bé.

3. Bồi bổ quá nhiều chất 

Nhiều mẹ bầu nghĩ rằng "ăn cho hai người" là cần thiết, nhưng thực tế lại khác. Việc bổ sung quá nhiều dinh dưỡng có thể dẫn đến tăng cân không kiểm soát và các rủi ro sức khỏe như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp và tiền sản giật. Để đảm bảo đủ chất mà không dư thừa, mẹ bầu chỉ cần tăng khoảng 1-2 kg trong 3 tháng đầu, chia nhỏ thành 4 - 6 bữa ăn mỗi ngày và chú ý cung cấp đủ 4 nhóm chất sau: 

- Chất đạm: Thịt bò, cá, tôm, cua, đậu đỗ.

- Chất bột: Gạo, bánh mì, khoai lang, yến mạch, ngô.

- Chất béo: Dầu, mỡ, vừng, lạc.

- Vitamin, khoáng chất và chất xơ: Các loại rau xanh và trái cây tươi.

4. Kiêng khám thai (hoặc siêu âm)

Nhiều người cho rằng mẹ bầu nên kiêng khám thai hoặc siêu âm vì lo ngại rằng siêu âm có tia bức xạ ảnh hưởng đến thai nhi. Đây là một quan niệm sai lầm và không có cơ sở khoa học. Thực tế, siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao, không phải tia bức xạ như tia X, nên hoàn toàn an toàn cho cả mẹ và bé.

Đặc biệt, việc siêu âm theo các mốc thời gian quan trọng (12 tuần, 22 tuần, 32 tuần) giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi một cách chính xác. Vì vậy, mẹ bầu không nên tin vào những quan niệm sai lầm này và nên thực hiện siêu âm theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là không bỏ qua các mốc siêu âm quan trọng.

Siêu âm tuần thứ 12 phát hiện sớm các dị tật như hội chứng Down, Edward, Patau qua việc đo độ mờ da gáy.

5. Mang thai lần 1 bị sảy thì lần sau cũng bị sảy 

Đây là quan niệm xuất phát từ dân gian truỳen miệng và không có cơ sở khoa học. Trên thực tế, nếu cơ thể mẹ khỏe mạnh và không mắc bệnh, mẹ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con bình thường dù trước đó đã từng sảy thai.

Đối với hầu hết các mẹ bầu đã từng sảy thai, tỷ lệ mang thai thành công lần tiếp theo lên tới 80%. Nguyên nhân sảy thai thường liên quan đến vấn đề ở phôi thai, thai nhi hoặc sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì hiện nay có nhiều phương pháp can thiệp để cải thiện sức khỏe mẹ bầu và giảm nguy cơ sảy thai. Việc lo lắng quá mức chỉ làm tăng thêm căng thẳng và không có lợi cho thai kỳ.

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp mẹ bầu giữ thai an toàn trong 3 tháng đầu, đặc biệt là tránh được 5 quan điểm sai lầm phổ biến nhưng nghiêm trọng: không vận động, không quan hệ, bồi bổ quá mức, kiêng khám thai, và không thể mang thai lại sau khi từng sảy thai. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt để chào đón bé yêu, mẹ nhé!

Tags: