Các kiểu ngôi thai bất thường

Trong thai kỳ, việc theo dõi ngôi thai đóng vai trò rất quan trọng để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Ngoài ngôi đầu là tư thế thuận lợi, còn có một số kiểu ngôi thai bất thường có thể gây khó khăn cho mẹ và bé khi chuyển dạ. Hiểu rõ các kiểu ngôi thai bất thường sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong việc theo dõi và lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

1. Ngôi thai là gì? 

Ngôi thai là phần của thai nhi nằm thấp nhất trong tử cung, sẽ ra khỏi cơ thể mẹ đầu tiên khi sinh. Vị trí này thay đổi tùy theo chuyển động của thai nhi.

Trước 24 tuần, thai nhi thường xuyên xoay chuyển trong buồng tử cung, được gọi là ngôi di động. Khi thai càng lớn, bé sẽ ít xoay hơn và bắt đầu ổn định ngôi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. 

2. Những dạng ngôi thai chính 

Thông thường sẽ có 3 dạng ngôi thai chính đó là:

2.1. Ngôi thai đầu (ngôi thuận)

Ngôi thai đầu được xem là ngôi thai thuận lợi nhất cho việc sinh nở. Khi siêu âm xác định ngôi thai đầu thì có nghĩa lúc này đầu thai nhi hướng về âm hộ của mẹ, mông thai nhi hướng về ngực mẹ, giúp bé đi ra dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, tùy theo vị trí của bé, ngôi thai đầu được chia thành các dạng như sau:

Các kiểu ngôi thai đầu. 

- Ngôi đầu hạ vị (ngôi chỏm): Đây là ngôi mà thai nhi cúi đầu nhiều nhất xuống phía hạ vị, thành ngôi thai thuận hoặc gọi là ngôi đầu - có thể theo dõi để sinh thường khi vào chuyển dạ.

- Ngôi thóp trước: Đầu thai nhi sẽ ở lưng chừng, sờ được từ mũi đến miệng, không sờ được cằm

- Ngôi trán: Thai nhi cũng ngửa đầu lên theo trục của thai nhi với trục của mẹ.

- Ngôi mặt: Lúc này thai nhi sẽ ngửa đầu lên nhiều nhất, đưa toàn bộ mặt ra trước.

Trong số các dạng ngôi trên, chỉ ngôi đầu hạ vị được xem là lý tưởng để sinh thường. Các ngôi còn lại tuy vẫn là ngôi đầu nhưng tư thế cúi không tốt, gây khó khăn khi sinh qua ngả âm đạo. 

Do đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thường hoặc sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

2.2. Ngôi thai mông (ngôi ngược)

Thai ngôi mông gồm có 3 loại:

- Thai ngôi mông hoàn toàn: Mông của thai nhi hướng xuống đường dẫn sinh, hai đầu gối gập lại như đang ngồi bắt chéo chân.

- Thai ngôi mông không hoàn toàn - kiểu mông: Mông của bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai chân duỗi thẳng ở ngay trước mặt của em bé, hai bàn chân rất gần nhau.

- Thai ngôi mông không hoàn toàn - kiểu bàn chân: Có nghĩa là một hoặc cả hai bàn chân của bé hướng xuống đường dẫn sinh.

Các kiểu thai ngôi mông.

2.3. Ngôi thai ngang (ngôi vai)

Ngôi ngang hay còn gọi là ngôi vai, ngôi xiên. Đây là tình trạng ngôi thai không nằm theo trục dọc mà lại nằm ngang tử cung. 

Với ngôi vai, đầu và mông của thai nhi không phải lúc nào cũng đều ngang nhau mà một cực sẽ ở hố chậu còn cực kia ở phía hạ sườn.

Thai ngôi ngang hay ngôi vai.

3. Các kiểu ngôi thai được xem là bất thường 

3.1. Thai ngôi mông 

Ngôi mông (còn gọi là ngôi ngược) là một dạng ngôi thai bất thường, trong đó đầu thai nhi hướng lên trên, còn mông hoặc chân quay xuống dưới. 

Thai ngôi mông sẽ ngược so với ngôi thai bình thường.

Dù chỉ chiếm khoảng 3 - 4% tổng số ca sinh, ngôi mông lại là dạng bất thường phổ biến hơn so với các ngôi như ngôi mặt hay ngôi trán. 

Đây là một ngôi sinh khó, vì đầu là phần lớn và cứng nhất, sinh ra sau cùng, có nguy cơ kẹt đầu hậu, có thể dẫn đến tử vong hoặc chấn thương cho thai nhi.

Nguyên nhân khiến thai ở ngôi mông 

Ngôi mông có thể xuất hiện do nhiều lý do, bao gồm:

- Sinh non, khi thai chưa kịp xoay về ngôi thuận.

- Tử cung kém phát triển, có u xơ hoặc vách ngăn.

- Nhau tiền đạo hoặc bất thường về thai như thiểu ối, não úng thủy...

Dấu hiệu nhận biết ngôi mông 

Sản phụ có thể nghi ngờ thai ở ngôi mông nếu:

- Cảm thấy thai đạp nhiều ở vùng hạ vị.

- Có cảm giác tức một bên hạ sườn do đầu thai chèn ép.

- Khi sờ bụng, tử cung vẫn có dạng hình trứng, trục dọc, nhưng tim thai nghe rõ nhất lại ở ngang hoặc trên rốn.

Khi chuyển dạ, nếu cổ tử cung mở, bác sĩ khám âm đạo sẽ không thấy diện tròn và cứng như đầu mà sẽ sờ thấy đỉnh xương cùng, hậu môn, hai mông, có thể kèm một hoặc hai bàn chân. Phân su có thể xuất hiện nhưng không phải dấu hiệu chắc chắn của thai suy. 

Siêu âm thường được sử dụng để xác định ngôi mông, cũng như kiểm tra đơn thai hay song thai và kích thước thai, từ đó lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

Hướng xử trí  

Sinh thường đường âm đạo có thể được xem xét nếu:

- Ngôi mông kiểu đủ hoặc thiếu mông (không phải kiểu chân).

- Khung chậu mẹ bình thường.

- Thai nhỏ, ước lượng cân nặng ≤ 3,2kg. 

- Đầu thai cúi tốt.

Sinh mổ sẽ được chỉ định nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau:

- Chuyển dạ kéo dài.

- Ngôi mông kiểu chân.

- Khung chậu hẹp, giới hạn, biến dạng.

- Mẹ sinh con so, thai nặng > 3kg.

- Đầu thai không cúi tốt.

- Có vết mổ cũ trên tử cung.

3.2. Thai ngôi mặt 

Ngôi mặt là ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa, có thể xuất hiện ngay từ ban đầu hay là hệ quả của ngôi chỏm khi trẻ không cúi đầu tốt. Thai nhi có ngôi mặt chiếm 0,2% các loại ngôi trong quá trình chuyển dạ.

Ngôi mặt là ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa.

Nguyên nhân khiến thai ở ngôi mặt 

Ngôi mặt xảy ra khi có các yếu tố khiến đầu thai bị ngửa ra hoặc không thể cúi xuống bình thường:

- Về phía mẹ: Có thể do sự không tương xứng giữa đầu thai và khung chậu, hoặc có khối u vùng chậu như u xơ tử cung.

- Về phía thai: Các bất thường như cổ to, bướu cổ, ngực to, dị tật sọ…

- Các yếu tố liên quan khác: Dây rốn quấn cổ, nhau bám thấp, đa ối...

Dấu hiệu nhận biết ngôi mặt 

Khi khám bụng, ngôi mặt khá giống ngôi chỏm, chỉ khác khi sờ được rãnh sâu giữa lưng và đầu, đó là rãnh gáy hay còn gọi là dấu hiệu “nhát rìu”. 

Trong lúc chuyển dạ, nếu đầu ối còn cao sẽ khó sờ được mặt. Khi màng ối đã vỡ, cổ tử cung mở rộng, thăm khám âm đạo có sờ thấy miệng, mũi, xương gò má, vòm mắt sẽ giúp xác định ngôi mặt.

Hướng xử trí  

- Cuộc sinh ngôi mặt diễn ra lâu và khó khăn hơn sinh ngôi chỏm.

- Chỉ có ngôi mặt cằm trước có thể sinh đường âm đạo. Nếu sinh đường âm đạo có thể có hỗ trợ bằng forceps, tuyệt đối không được dùng giác hút.

- Ngôi mặt cằm sau tự xoay được về cằm trước cũng có thể sinh đường âm đạo.

- Phẫu thuật lấy thai cho những trường hợp ngôi mặt cằm sau hoặc cằm trước có kết hợp thêm các yếu tố sinh khó khác.

3.3. Thai ngôi trán và thai ngôi thóp trước 

Ngôi trán và ngôi thóp trước là dạng ngôi thai trung gian giữa ngôi chỏm và ngôi mặt, tức đầu vừa cúi không tốt và vừa ngửa không tối đa.

Ngôi trán và ngôi thóp trước là dạng ngôi thai trung gian giữa ngôi chỏm và ngôi mặt.

Nguyên nhân gây ngôi trán và ngôi thóp trước

Nguyên nhân dẫn đến ngôi trán và ngôi thóp trước tương tự như nguyên nhân gây ra ngôi mặt, bao gồm các yếu tố cản trở việc cúi đầu của thai nhi. 

Trong đó, sự không tương xứng giữa kích thước đầu thai nhi và khung chậu là nguyên nhân thường gặp nhất

Ngoài ra, ngôi trán và ngôi thóp trước cũng có thể xảy ra do bác sĩ thực hiện ngoại xoay thai.

Cách nhận biết khi khám thai 

Trong giai đoạn đầu chuyển dạ, ngôi trán và ngôi thóp trước thường biểu hiện là ngôi đầu cao, không cố định. Việc chẩn đoán chính xác thường được thực hiện khi:

- Cổ tử cung mở từ 3cm trở lên

- Màng ối đã vỡ

- Ngôi thai đã xuống và cố định

Khi khám âm đạo, bác sĩ có thể:

- Sờ thấy gốc mũi, hai hố mắt, trán và thóp trước → xác định là ngôi trán

- Sờ thấy thóp trước nằm ở chính giữa tiểu khung, không thấy thóp sau hay cằm → xác định là ngôi thóp trước.

Bác sĩ cần phân biệt rõ ngôi trán và ngôi thóp trước với ngôi chỏm và ngôi mặt để lựa chọn hướng xử trí phù hợp.

Hướng xử trí

- Cần theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.

- Khi đã chẩn đoán chính xác là ngôi trán hoặc ngôi thóp trước, thường bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

3.4. Thai ngôi ngang 

Thai ngôi ngang, còn gọi là ngôi vai, là tình trạng khi trục dọc của thai nhi vuông góc với trục dọc của mẹ, tạo thành một góc 90 độ. Nếu góc này nhỏ hơn 90 độ, gọi là ngôi chếch (ngôi xiên). 

Tuy nhiên, ngôi chếch thường chỉ là tư thế tạm thời, thai nhi có thể tự điều chỉnh thành ngôi dọc hoặc ngôi ngang khi bước vào chuyển dạ thật sự.

Ngôi ngang là một dạng ngôi thai bất thường, chiếm khoảng 0,5% các ca khi chuyển dạ.

Thai ngôi ngang có thể nằm ngang hoặc nằm chếch so với trục dọc của mẹ.

Nguyên nhân gây ra thai ngôi ngang 

- Về phía người mẹ: 

+ Phụ nữ sinh nhiều lần khiến thành bụng nhão, tử cung dễ đổ ra trước, tạo điều kiện để thai nhi nằm ngang hoặc nghiêng.

+ Ở sản phụ sinh con đầu lòng, ngôi ngang có thể do khung chậu hẹp, tử cung dị dạng hoặc có khối u tiền đạo làm thai không thể quay đầu đúng tư thế.

- Về phía thai nhi: 

+ Thai sinh non, thai thứ hai trong song thai, hoặc thai chết lưu thường không đủ khả năng tự điều chỉnh tư thế, dễ nằm ngang.

+ Các yếu tố khác như nhau tiền đạo, đa ối, hoặc dây rốn ngắn cũng góp phần làm tăng nguy cơ thai ngôi ngang.

Dấu hiệu nhận biết ngôi ngang 

Khác với các ngôi dọc, ngôi ngang dễ nhận biết qua khám bụng:

- Bụng mẹ không có hình trứng mà bè ngang, phần đáy tử cung gần ngang với rốn.

- Khi sờ nắn, không thấy đầu thai ở đáy tử cung. Thay vào đó, đầu thai nằm một bên hông, mông nằm bên còn lại.

- Ở vùng trên xương vệ (phía dưới), không sờ thấy gì.

- Xác định lưng thai bằng cách sờ:

+ Nếu là lưng trước: thấy một mảng cứng, phẳng chạy ngang bụng.

+ Nếu là lưng sau: chỉ sờ thấy các chi lổn nhổn.

Trong thăm khám âm đạo, dấu hiệu quan trọng nhất là không thấy đầu hoặc mông thai nhi. Nếu cổ tử cung đã mở rộng và phần trình diện của thai nhi hạ xuống thấp hơn, có thể sờ thấy xương bả vai và xương đòn gánh. 

Trong trường hợp chuyển dạ kéo dài, nếu ối đã vỡ, một vai của thai nhi có thể lọt chặt vào tiểu khung, thường kèm theo tình trạng sa một bàn tay hoặc cánh tay vào âm đạo hoặc thò ra ngoài âm hộ của mẹ.

Hướng xử trí 

- Mổ lấy thai là lựa chọn ưu tiên khi thai đã đủ trưởng thành.

- Nội xoay thai có thể được cân nhắc nếu là thai thứ hai trong trường hợp song thai và đáp ứng đủ điều kiện để xoay thai an toàn. 

3.5. Thai ngôi phức tạp 

Thai ngôi phức tạp là tình trạng một chi của thai nhi (tay hoặc chân) sa xuống theo ngôi thai, cùng lúc đi vào tiểu khung với phần trình diện chính (thường là đầu hoặc mông). 

Trường hợp phổ biến nhất là ngôi chỏm kèm theo một bàn tay hoặc cả cẳng tay sa xuống. Hiếm hơn, có thể gặp ngôi đầu kèm chân hoặc ngôi mông kèm tay.

Tình trạng này thường đi kèm với hiện tượng sa dây rốn, làm tăng nguy cơ cho thai nhi trong quá trình chuyển dạ.

Thai ngôi phức tạp là sự sa xuống của một chi dọc theo ngôi thai.

Nguyên nhân thai ngôi phức tạp 

Các nguyên nhân khiến thai không chiếm trọn phần eo trên của tử cung có thể dẫn đến ngôi phức tạp, bao gồm:

- Đa thai

- Đầu thai nhi nằm cao

- Khung chậu hẹp

- Thai nhi nhỏ

Dấu hiệu nhận biết 

Cả tay sa xuống và đầu thai cùng đồng thời trình diện trong khung chậu khi khám âm đạo. Có thể phát hiện khi ối còn hoặc đã vỡ.

Hướng xử trí 

- Sinh thường chỉ có thể xảy ra khi thai nhi rất nhỏ hoặc đã chết lưu.

- Nếu muốn tiếp tục sinh thường, có thể áp dụng kỹ thuật đẩy tay thai trở lại tử cung như sau: 

+ Đẩy tay thai nhi lên trên tiểu khung và giữ cho đến khi cơn co tử cung đẩy đầu thai vào tiểu khung.

+ Nếu đầu thai nhi giữ được trong tiểu khung và không còn sờ thấy tay, có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên. 

- Mổ lấy thai là phương án bắt buộc khi việc đẩy tay không thành công hoặc có kèm theo sa dây rốn.

Tóm lại, ngôi thai bất thường là sự trình diện của thai khi vào chuyển dạ không bằng chỏm đầu thai nhi. Mặc dù chiếm tỷ lệ khá thấp, ngôi thai bất thường luôn khiến cho thao tác đỡ sinh trở nên rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, sản phụ cần thăm khám thai định kỳ, nhất là những ngày gần sinh, nhằm dự đoán trước ngôi thai, lựa chọn phương pháp sinh an toàn nhất. 

Trong trường hợp không thể sinh thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.