Cảm cúm khi mang thai tuần đầu là một vấn đề khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Đây là căn bệnh do virus gây ra và lây lan dễ dàng, đặc biệt vào thời điểm chuyển mùa và mùa lạnh. Phụ nữ mang thai có thể gặp các triệu chứng nặng hơn so với người bình thường, vậy nếu bị cúm trong giai đoạn mới mang thai, mẹ bầu và thai nhi có ảnh hưởng gì không?
Vì sao mẹ bầu dễ bị cúm?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của mẹ bầu sẽ bị suy giảm, khiến họ dễ mắc các bệnh thông thường như cúm. Khi hít phải virus cúm trong không khí hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm virus, các mẹ bầu rất dễ mắc bệnh. Virus cúm ở phụ nữ mang thai tương tự như virus cúm thông thường, bao gồm các nhóm virus cúm A, B, C, H5N1, H1N1... Virus xâm nhập vào phổi, mũi và cổ họng, gây ra các triệu chứng hô hấp tương tự như cảm lạnh.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Đây là lý do khiến nhiều chị em lo lắng khi chẳng may bị cúm trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Bà bầu dễ bị cảm vì sức đề kháng yếu đi khi mang thai.
Triệu chứng cảm cúm khi mang thai tuần đầu
Nhận biết các dấu hiệu cúm sớm có thể giúp mẹ bầu dễ dàng điều trị và tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng thường gặp khi phụ nữ mang thai bị cúm gồm:
- Đau đầu
- Đau họng
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Ho
- Khó thở
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa
- Sốt đột ngột hoặc ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Nhức mỏi cơ thể
Biến chứng ở phụ nữ bị cúm khi mang thai tuần đầu, 3 tháng đầu
Phụ nữ mang thai bị bệnh cúm thường gặp phải các triệu chứng nặng hơn người không mang thai. Ngay cả khi có sức khỏe tốt và thai kỳ bình thường, mẹ bầu bị cúm cũng có thể tiến triển các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và cần phải nhập viện để điều trị. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Nhiễm trùng tai
- Nhiễm trùng máu
- Sốc nhiễm trùng
- Viêm màng não
- Viêm não
- Tổn thương tim hoặc các cơ quan khác.
Hơn nữa, một triệu chứng phổ biến của cúm là sốt. Sốt khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh và các vấn đề bất lợi khác đối với em bé đang phát triển.
Mẹ bầu cần lưu ý nếu phát hiện cúm trong thai kì, nhất là giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất.
Mẹ bầu nên làm gì nếu bị cúm?
Nếu bạn nghi ngờ mình bị cúm trong tuần đầu mang thai, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp chữa trị phù hợp với phụ nữ mang thai. Có một số loại thuốc kháng virus cúm theo toa có thể điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, nhưng tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để giảm triệu chứng cúm như uống đủ nước, duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.
Bị cảm cúm khi mang thai tuần đầu hoặc những tháng đầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Để phòng ngừa, mẹ bầu nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh tốt và đừng quên tiêm phòng cúm theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh nhé!