1. Vì sao mẹ bầu cần quan tâm đến bệnh tim mạch trong thai kỳ?
Trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ bầu phải hoạt động gấp đôi so với bình thường, đặc biệt là hệ tuần hoàn.
Tim phải bơm máu nhiều hơn để nuôi thai nhi và cung cấp đủ oxy cho hai mẹ con. Do đó, những người đang mang thai đặc biệt là những người đã có bệnh tim trước đó sẽ dễ gặp nguy cơ cao hơn.
Lượng máu trong cơ thể tăng khoảng 30-50% để cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho thai nhi.
Bệnh tim mạch trong thai kỳ tuy không phổ biến, nhưng nếu xảy ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ lẫn thai nhi.
Vì vậy, hiểu đúng, phát hiện sớm và xử lý đúng cách sẽ giúp mẹ bầu an tâm hơn trên hành trình mang thai.
2. Các loại bệnh tim mạch thường gặp ở phụ nữ mang thai
2.1. Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật
Đây là tình trạng phổ biến nhất. Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp tăng sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến tiền sản giật, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
2.2. Bệnh lý van tim
Khoảng 1% phụ nữ mang thai mắc các bệnh lý van tim, làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Các bệnh thường gặp gồm:
Hẹp van hai lá
- Thường không có triệu chứng rõ ràng.
- Khi mang thai, do nhu cầu máu tăng, bệnh có thể diễn tiến nặng gây phù phổi cấp, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Phụ nữ bị hẹp van hai lá nặng cần được tư vấn, nong hoặc sửa/thay van trước khi mang thai.
Hở van hai lá
- Chủ yếu do di chứng thấp tim hoặc sa van hai lá.
- Nếu tim còn bù trừ tốt, thai kỳ vẫn có thể diễn ra bình thường.
- Nếu hở nặng kèm suy tim, nguy cơ biến chứng sinh nở sẽ cao.
Hẹp van động mạch chủ
- Do bẩm sinh hoặc hậu quả của thấp tim.
- Nếu đã xuất hiện triệu chứng khó thở, đau ngực, nên hoãn mang thai cho đến khi được phẫu thuật.
- Trong trường hợp đã mang thai, cần cân nhắc kỹ về việc tiếp tục thai kỳ.
Hở van động mạch chủ
- Nếu chức năng tim còn tốt, mẹ bầu vẫn có thể tiếp tục thai kỳ.
- Cần đặc biệt lưu ý tránh dùng thuốc "ức chế men chuyển" trong thai kỳ do nguy cơ gây dị tật thai nhi.
Van cơ học và thai kỳ
- Phụ nữ có van tim nhân tạo phải dùng thuốc chống đông suốt đời.
- Các thuốc chống đông như Warfarin có thể gây dị tật cho thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu.
- Nếu tiếp tục mang thai, cần có kế hoạch thay thế thuốc và theo dõi nghiêm ngặt cùng bác sĩ chuyên khoa.
Hở van 2 lá là bệnh lý tim mạch thường gặp.
2.3. Rối loạn nhịp tim
Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu cảm thấy tim đập nhanh, mạnh. Khoảng 20% phụ nữ đã từng bị rối loạn nhịp nhanh sẽ tái phát nặng hơn khi mang thai.
Do đó, thai phụ cần được theo dõi tim mạch sát sao trong suốt thai kỳ.
2.4. Nhồi máu cơ tim
Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên ở các thai phụ mang đa thai, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, hoặc rối loạn mỡ máu.
Bệnh thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ, với tỷ lệ tử vong ở mẹ lên tới 20%. Việc điều trị nhồi máu cơ tim ở thai phụ cũng tương tự như ở người bình thường.
2.5. Bệnh cơ tim chu sinh
Đây là tình trạng suy tim xảy ra vào cuối thai kỳ hoặc trong vài tháng sau sinh.
Nguyên nhân chưa rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch. Triệu chứng bao gồm khó thở, mệt mỏi và phù chân.
3. Triệu chứng của bệnh tim mạch trong thai kỳ
Khi mang thai, những thay đổi của hệ tim mạch có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, phù chân.
Đây có thể là biểu hiện sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh tim nặng hơn, đặc biệt ở sản phụ có bệnh tim bẩm sinh hoặc khởi phát bệnh tim trong thai kỳ.
Bệnh tim không chỉ đe dọa sức khỏe mẹ bầu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Ngay cả khi không có tiền sử bệnh tim, sản phụ vẫn cần lưu ý nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đổ mồ hôi, mệt mỏi nhiều.
- Ho ra máu, đau tức ngực, ngất khi gắng sức.
- Khó thở, nhất là khi nằm, thường xuất hiện từ tháng thứ 5 trở đi.
- Ngón tay dùi trống, da tím tái.
- Đau, sưng to ở bắp chân.
Nếu gặp các triệu chứng này, sản phụ nên khám tim mạch sớm, nhất là khi có yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, béo phì, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Ngón tay dùi trống là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh tim.
Nhiều trường hợp phụ nữ không hề biết mình mắc bệnh tim cho đến khi mang thai và các triệu chứng mới bộc lộ rõ rệt.
Vì vậy, tốt nhất, các chị em nên chủ động khám sức khỏe tổng quát, bao gồm khám tim mạch, trước khi có kế hoạch mang thai.
4. Những ai dễ bị bệnh tim mạch trong thai kỳ?
Một số đối tượng có nguy cơ cao cần chủ động khám tim mạch và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai, bao gồm:
- Người có triệu chứng nghi ngờ bệnh tim như đau ngực, mệt mỏi, khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh.
- Người từng mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Người có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc bệnh mạch vành.
- Người từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.
- Người mắc bệnh van tim (đang điều trị hoặc đã thay van tim nhân tạo).
- Người có tiền sử suy tim.
- Người mắc các bệnh lý cơ tim như: cơ tim giãn nở, cơ tim phì đại, cơ tim hạn chế, cơ tim chu sản...
- Người bị phình giãn hoặc bóc tách động mạch chủ, hội chứng Marfan.
- Người bị tăng huyết áp.
- Người có rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh hoặc chậm).
5. Nguy cơ của bệnh tim mạch đối với mẹ và thai nhi
5.1. Đối với mẹ bầu
Thai kỳ làm tăng gánh nặng cho tim, đặc biệt trong những tháng cuối, khiến sức khỏe người mẹ mắc bệnh tim dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các biến chứng có thể xảy ra gồm:
- Suy tim cấp, phù phổi cấp.
- Thuyên tắc động mạch phổi.
- Rối loạn nhịp tim.
- Thiếu máu khi mang thai.
- Huyết khối gây tắc mạch.
- Tăng huyết áp thai kỳ, dẫn đến tiền sản giật hoặc sản giật.
- Nguy cơ đột tử.
5.2. Đối với thai nhi
Khi mẹ mắc bệnh tim, khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi có thể bị ảnh hưởng, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và giai đoạn thai kỳ. Các nguy cơ có thể gặp phải bao gồm:
- Thai suy dinh dưỡng, nhẹ cân so với tuổi thai.
- Thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai mạn tính.
- Dọa sẩy thai hoặc sẩy thai.
- Dọa sinh non hoặc sinh non.
- Thai chết lưu trong tử cung hoặc tử vong khi chuyển dạ.
- Dị tật bẩm sinh, đặc biệt ở những sản phụ bị bệnh tim bẩm sinh.
6. Cách phòng ngừa bệnh tim mạch trong thai kỳ
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, đặc biệt là trong thai kỳ. Dưới đây là những cách đơn giản nhưng hiệu quả để mẹ bầu bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Cố gắng đưa chỉ số BMI về mức lý tưởng trước khi thụ thai, đặc biệt nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì.
- Nếu bạn có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận hoặc các vấn đề tim mạch khác, hãy thảo luận kỹ với bác sĩ để bệnh được kiểm soát ổn định nhất trước khi mang thai.
- Khám sức khoẻ tổng quát, đặc biệt là kiểm tra tim mạch.
- Ăn uống đủ chất, ăn ít muối (<2g/ngày).
- Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây, đạm từ thịt nạc, cá, đậu. Tránh đồ ăn chế biến sẵn, đồ ngọt, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ.
- Tránh gắng sức; duy trì đi bộ nhẹ mỗi ngày khoảng 30 phút tùy thể trạng.
- Uống sắt theo hướng dẫn, xét nghiệm máu định kỳ để kiểm soát thiếu máu.
- Nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động nặng, nằm nghiêng trái ít nhất 1 giờ/ngày để giảm áp lực cho tim.
- Siêu âm tim thai vào khoảng tuần 10 để kiểm tra dị tật tim.
- Khám định kỳ với bác sĩ sản khoa kết hợp bác sĩ tim mạch để kịp thời xử lý nguy cơ.
- Nếu mẹ bầu cảm thấy khó chịu, đau đầu, mờ mắt, phù sưng bất thường, hoặc bất kỳ triệu chứng lạ nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Mẹ bầu thừa cân béo phì có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim.
7. Một số câu hỏi thường gặp
7.1. Phụ nữ bị bệnh tim có nên mang thai?
Có thể, nhưng cần được thăm khám và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.
Phần lớn phụ nữ mắc bệnh tim, kể cả tim bẩm sinh (dù đã phẫu thuật hay chưa), vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh nếu được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, với một số trường hợp bệnh lý tim mạch nặng, việc mang thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Cụ thể, phụ nữ thuộc các nhóm sau đây thường được khuyến cáo không nên mang thai:
- Bị tăng áp lực động mạch phổi, đặc biệt là hội chứng Eisenmenger (tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 30%).
- Suy tim nặng, có phân suất tống máu (EF) dưới 30%.
- Giãn động mạch chủ lớn hơn 45mm (nguy cơ cao bị bóc tách hoặc vỡ mạch chủ).
- Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hoặc tăng huyết áp nặng chưa kiểm soát.
- Bệnh van tim nặng, nhất là hẹp van động mạch chủ, chưa được điều trị triệt để.
Trong mọi trường hợp, nếu phụ nữ mắc bệnh tim có ý định mang thai, cần được bác sĩ tim mạch (ưu tiên bác sĩ chuyên về tim bẩm sinh ở người lớn nếu có) và bác sĩ sản khoa phối hợp theo dõi xuyên suốt thai kỳ.
7.2. Phụ nữ mắc bệnh tim cần làm gì trước và trong khi mang thai?
Trước khi mang thai, phụ nữ mắc bệnh tim nên khám chuyên khoa tim mạch và sản khoa tại bệnh viện lớn để đánh giá nguy cơ, điều chỉnh thuốc và lên kế hoạch theo dõi thai kỳ.
Nếu mẹ có bệnh tim bẩm sinh hoặc nguy cơ di truyền, cần tham khảo ý kiến chuyên gia di truyền và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt, cần thực hiện:
- Siêu âm tim, điện tâm đồ, hoặc trắc nghiệm gắng sức trước khi mang thai (nếu cần)
- Đo độ mờ da gáy khi thai 11 - 12 tuần
- Siêu âm tim thai khi thai 19 - 22 tuần (xác định được 45% trường hợp tim bẩm sinh trong bào thai)
- Siêu âm tim mẹ khi mang thai được 5 và 7 tháng để dự trù can thiệp tim mạch (nếu cần) trước sanh và chuẩn bị nơi sinh.
Để đảm bảo an toàn tối đa, mẹ bầu mắc bệnh tim nên sinh tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch, nơi có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu.
7.3. Mẹ bị bênh tim có di truyền sang con không?
Phần lớn các bệnh tim mắc phải (do lối sống, tuổi tác, nhiễm trùng...) không di truyền trực tiếp sang con, nhưng bác sĩ sẽ kiểm tra nếu nghi ngờ.
Đối với bệnh tim bẩm sinh, có một số trường hợp có yếu tố di truyền hoặc tăng nguy cơ cho thế hệ sau, nhưng không phải lúc nào mẹ bị tim bẩm sinh thì con cũng chắc chắn bị.
7.4. Bệnh tim có nhất thiết phải sinh mổ không?
Việc sinh thường hay sinh mổ cho thai phụ mắc bệnh tim phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: loại bệnh tim, mức độ nặng nhẹ, tình trạng sức khỏe tim mạch của mẹ lúc chuyển dạ, các yếu tố sản khoa khác...
Nhiều trường hợp bệnh tim vẫn có thể sinh thường an toàn dưới sự giám sát chặt chẽ. Sinh mổ chỉ được chỉ định khi có lợi hơn cho mẹ hoặc bé trong trường hợp cụ thể đó.
Bệnh tim mạch trong thai kỳ là một vấn đề không thể xem nhẹ, nhưng mẹ bầu hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát nếu trang bị đủ kiến thức và hành động kịp thời.
Từ việc nhận biết các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đến hiểu rõ rủi ro như sinh non, suy tim, mẹ bầu cần chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Nếu có bất kỳ lo lắng nào, mẹ đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ để được tư vấn.