Trà sữa là một thức uống yêu thích của đa số chị em, nên khi mang thai, các mẹ bầu sẽ rất thắc mắc liệu bà bầu uống trà sữa được không? Uống trà sữa có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể các thắc mắc trên.
Bà bầu có được uống trà sữa không?
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), lượng caffeine tiêu thụ ở mức vừa phải (dưới 200mg mỗi ngày) không gây nguy cơ sảy thai hay sinh non. Vì vậy, mẹ bầu có thể thưởng thức trà sữa nhưng cần chú ý không nên uống quá nhiều. Một ly trà sữa (500ml) chứa khoảng 130-140mg caffeine. Nếu không kết hợp với các đồ uống khác chứa caffeine thì vẫn an toàn cho cả mẹ và bé.
Mặc dù vậy, các bà mẹ cần lưu ý về lượng đường trong trà sữa. Đường, si rô và trân châu đều cung cấp lượng calo cao nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu cho thai kỳ. Việc tiêu thụ những thành phần này cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Bà bầu có thể uống trà sữa nhưng không nên uống quá nhiều.
Bà bầu có nên uống trà sữa không?
Để biết có nên uống trà sữa hay không thì chúng ta hãy cùng xem qua các thành phần của trà sữa:
Trà: Trà thường được dùng trong trà sữa chủ yếu là các loại trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Các loại trà này sẽ có lợi cho sức khỏe nếu được dùng đúng cách vì chúng chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều người bán thường tẩm thêm hương liệu như hương nhài, hương sen hoặc nhập trà không rõ nguồn gốc xuất xứ, chúng có nguy cơ chứa các hóa chất độc hại.
Sữa: Trà sữa được pha từ các loại sữa tươi, sữa đặc thì sẽ cung cấp canxi, vitamin A, D và protein tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại trà sữa trên thị trường đều dùng các loại sữa này, mà thường sẽ dùng kem béo (không phải sữa). Kem béo không chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe mà thành phần chủ yếu là dầu thực vật hydro hóa. Nếu nạp nhiều kem béo vào cơ thể, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp, mắc các bệnh về tim mạch,…
Nhiều trà sữa dùng kem béo thay vì sữa, vốn chủ yếu là dầu thực vật hydro hóa và không có lợi cho sức khỏe.
Trân châu: Nhắc đến trà sữa thì không thể thiếu trân châu. Loại topping quen thuộc này được làm từ tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (80%), đường và hương liệu thực phẩm. Các chất này không mang lại bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Bên cạnh đó, việc ăn trân châu có thể khiến mẹ bầu cảm thấy no, từ đó không ăn các loại thực phẩm khác.
Đường: Lượng đường trong trà sữa cũng là điều đáng quan tâm. Một ly trà sữa có thể chứa từ 34-45g đường, vượt ngưỡng cơ thể cần trong 1 ngày cho phụ nữ mang thai (25g). Việc hấp thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, nguy cơ tiểu đường thai kỳ và lão hóa da.
Uống quá nhiều trà sữa khi mang thai sẽ đem lại rủi ro gì?
Gây béo phì: Thành phần chủ yếu trong trà sữa là kem béo, đường, bột trà cùng các chất phụ gia, hương liệu khác. Những thành phần này đều chứa hàm lượng calo rất lớn. Nếu mẹ bầu uống nhiều trà sữa sẽ khiến cơ thể bị dư thừa năng lượng dẫn đến béo phì.
Nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ: Hấp thụ nhiều đường sẽ làm tuyến tụy tiết ra nhiều insulin, lưu trữ năng lượng dưới dạng mỡ thừa, gây béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường thai kỳ. Lượng đường cao cũng làm da bà bầu lão hóa nhanh, ảnh hưởng đến collagen và elastin trong da, gây nhăn nheo và chảy xệ.
Mẹ bầu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ nếu uống quá nhiều trà sữa khi mang thai.
Thiếu sắt: Ngoài ra, uống nhiều trà sữa cũng có thể gây thiếu sắt do các acid béo trong trà sữa ức chế hoạt động của acid trong dạ dày, gây cản trở quá trình hấp thụ sắt. Do đó, mẹ bầu uống trà sữa sẽ có nguy cơ thiếu sắt khiến cơ thể hay mệt mỏi, buồn ngủ, thai nhi sinh ra dễ bị nhẹ cân,…
Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé, bà bầu nên hạn chế trà sữa trong thai kỳ. Thay vào đó, hãy lựa chọn những loại trà tốt cho sức khỏe, mang lại sự yên tâm và sự an toàn.