Bạn có biết chỉ với 10 bước đơn giản, mẹ bầu có thể bảo vệ bản thân và bé yêu khỏi những mầm bệnh nguy hiểm không? Cùng khám phá ngay những bí quyết vàng để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!
1. Giữ vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên là cách hiệu quả nhất để loại bỏ vi khuẩn. Hãy nhớ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nấu nướng hoặc khi bạn tiếp xúc với người khác. Điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa.
2. Nấu chín các món ăn từ thịt
Thịt là nguồn protein quan trọng, nhưng nếu ăn sống hoặc chưa chín kỹ, mẹ bầu có thể nhiễm các vi khuẩn như Toxoplasma, E. coli, Listeria và Salmonella. Điều này dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần đảm bảo tất cả các món ăn từ thịt đều được nấu chín kỹ trước khi thưởng thức.
Mẹ bầu cần nấu chín kỹ các món ăn từ thịt.
3. Chọn sữa đã qua xử lý
Sữa chưa qua tiệt trùng có thể chứa các vi khuẩn gây hại như Salmonella, E. coli, Campylobacter và đặc biệt là Listeria. Nhiễm phải những vi khuẩn này có thể dẫn đến sinh non, sảy thai hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cho mẹ và bé. Do đó, mẹ bầu nên lựa chọn các sản phẩm sữa đã qua xử lý nhiệt như sữa thanh trùng hoặc tiệt trùng.
4. Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
Cứ 4 phụ nữ thì có 1 người mang vi khuẩn GBS mà hầu hết không có triệu chứng. Tuy nhiên, GBS là nguyên nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Việc xét nghiệm GBS ở những tuần cuối thai kỳ là rất quan trọng. Nếu bạn bị nhiễm GBS, hãy trao đổi với bác sĩ về cách bảo vệ em bé trong quá trình chuyển dạ.
5. Tiêm ngừa vắc-xin
Tiêm phòng đúng cách và đúng thời điểm giúp bạn ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm phổ biến. Hơn nữa, tiêm vắc-xin còn giúp bảo vệ em bé, giảm nguy cơ bị ốm hoặc triệu chứng nặng nếu bé mắc bệnh.
Chẳng hạn, tiêm vắc-xin cúm trong thai kỳ rất quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, các vắc-xin như viêm gan B, thủy đậu, và rubella cũng nên được tiêm trước khi mang thai.
Tiêm phòng giúp mẹ bầu và bé yêu tránh xa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
6. Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
Một số bệnh STI có thể không có triệu chứng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Hãy thảo luận với bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
7. Tránh tiếp xúc với người bệnh
Những bệnh nhân bị thuỷ đậu hoặc rubella có khả năng lây cao cho người xung quanh, đặc biệt là với mẹ bầu chưa có miễn dịch. Nhiễm thuỷ đậu hoặc rubella có thể gây ra các biến chứng thai kỳ và dị tật bẩm sinh. Mẹ bầu nên tránh xa những người mắc các bệnh này nếu bản thân chưa bị nhiễm hoặc chưa được tiêm vắc-xin trước khi mang thai.
8. Tránh côn trùng mang mầm bệnh
Muỗi và bọ ve có thể truyền bệnh nguy hiểm như vi-rút Zika. Hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ như kem chống muỗi và tránh đến những vùng có dịch.
Muỗi vằn có thể gây bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm tới mẹ bầu.
9. Tránh chạm vào phân mèo
Phân mèo có thể chứa ký sinh trùng Toxoplasma. Nếu có thể, hãy nhờ người khác làm việc này thay bạn để bảo vệ sức khỏe.
10. Tránh tiếp xúc với loài gặm nhấm hoang dã
Những loài này có thể mang vi-rút gây hại. Hãy đảm bảo rằng không có gặm nhấm nào quanh nhà bạn và nếu bạn nuôi thú cưng, hãy nhờ người khác chăm sóc chúng thay bạn cho đến khi sinh.
Với những cách phòng ngừa đơn giản này, mẹ bầu có thể bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi một cách hiệu quả. Hãy luôn chú ý đến vệ sinh cá nhân, lựa chọn thực phẩm an toàn, tiêm phòng vắc-xin và tránh xa các nguồn lây nhiễm. Sức khỏe của mẹ và bé là điều quý giá nhất, vì vậy đừng ngại thay đổi thói quen để bảo vệ hai mẹ con nhé!