Những loại trái cây mẹ bầu nên ăn và tránh ăn

1. Những loại trái cây mẹ bầu NÊN ăn

1.1. Cam và trái cây họ nhà cam

Cam là một loại trái cây phổ biến. Nó được biết đến là một loại trái cây dồi dào vitamin C, folate và nước. Vì vậy, cam giúp cung cấp nước cho cơ thể rất tốt. Vitamin C có trong cam còn là chất chống oxy hóa và giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Bên cạnh đó, folate có trong cam cũng giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh, có thể gây ra những bất thường về não và tủy sống ở thai nhi. Khiếm khuyết ống thần kinh có thể gây ra các tình trạng như tật nứt đốt sống, não phẳng, ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển của trẻ. Đặc biệt hơn cả, mùi thơm và vị chua đặc trưng của trái cây họ nhà cam sẽ giúp cho mẹ bầu giải tỏa được những cơn ốm nghén khó chịu.

1.2. Chuối chín

Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng phù hợp với bà bầu

Trong chuối có chứa serotonin giúp kích thích hệ thần kinh, giúp mẹ bầu giảm căng thẳng và làm tâm trạng thoải mái hơn. Hàm lượng kali có trong chuối cao có thể giúp cho mẹ bầu giảm chứng phù nề thường gặp khi mang thai. Ngoài ra, chuối chín cũng giúp mẹ hạn chế những cơn ốm nghén. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý không nên ăn chuối chín lúc đang đói, vì nó sẽ làm phá vỡ sự cân bằng giữa magie và canxi trong máu của mẹ, 

1.3. Bơ

Bơ chứa nhiều folate tốt cho mẹ bầu và thai nhi

Bơ là trái cây chứa nhiều foltae hơn bất kì loại trái cây nào. Bên cạnh đó, bơ cũng chứa một nguồn dồi dào các chất dinh dưỡng khác như: vitamin C, vitamin B, vitamin K, vitamin E, axit béo, choline, magie, kali, chất xơ…

Bơ chứa những chất béo lành mạnh, giúp cung cấp năng lượng và giúp ngăn ngừa những khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Choline trong bơ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển trí não và thần kinh của trẻ. Thiếu choline có thể gây ra các khuyết tật ống thần kinh, suy giảm trí nhớ. Quả bơ còn giúp tăng cường chức năng những tế bào chịu trách nhiệm xây dựng mô da và mô não trong sự phát triển của thai nhi. Kali trong bơ có thể giúp giảm đau do chuột rút ở chân. Đây là triệu chứng cũng thường gặp ở các mẹ bầu, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba.

1.4. Những loại quả mọng

Các loại quả mọng họ nhà dâu giàu vitamin C phù hợp cho mẹ bầu sử dụng

Quả mọng, đúng như tên gọi của nó, chỉ những loại quả mọng nước như dâu, mâm xôi, việt quất… Những loại trái cây này đặc biệt chứa nhiều vitamin C, folate, carbohydrate (tinh bột), chất xơ và những chất chống oxy hóa. Quả mọng chứa nhiều nước, vì vậy giúp cung cấp nước cho cơ thể. Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

Trừ khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, hàm lượng carbohydrate nên chiếm từ 50 – 60% lượng calo mỗi ngày. Carbohydrate cung cấp cho mẹ nhiều năng lượng rất cần thiết và dễ dàng đi qua nhau thai để nuôi dưỡng em bé. Lượng carbohydrate nhận được từ những quả mọng sẽ lành mạnh hơn so với những loại thực phẩm đã qua chế biến như bánh quy, bánh rán.

1.5. Quả táo

Táo là loại quả dễ tìm thấy và giàu chất dinh dưỡng mà mẹ bầu có thể lựa chọn

Táo là loại trái cây luôn luôn được khuyến khích sử dụng cho mẹ bầu vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như axit malic, tanin và chất xơ. Bổ sung táo vào chế độ ăn suốt thai kỳ có thể đem lại những lợi ích bất ngờ cho mẹ và bé. Nhiều phụ nữ mang thai không muốn tăng cân quá nhiều thì táo cũng là trái cây lý tưởng để dùng hàng ngày.

1.6. Quả kiwi

Kiwi – Trái cây vàng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

Trong thành phần của quả kiwi có chứa hơn 80 dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng axit folic cực kỳ cao giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai nhi. Thật thiếu sót nếu như mẹ bầu bỏ qua loại quả “vàng” này.

1.7. Quả lựu

Quả lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ làn da của mẹ bầu

Lựu cung cấp nhiều dưỡng chất, như: vitamin K, calcium, folate, sắt, chất xơ. Những dinh dưỡng từ quả lựu cung cấp nhiều năng lượng cho mẹ bầu. Nồng độ sắt cao trong quả lựu cũng giúp ngăn ngừa thiếu hụt sắt trong thời gian mang thai. Quả lựu cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ làn da của mẹ bầu, giúp ngăn ngừa tình trạng rạn da khi mang thai, cũng như ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển hệ xương, cải thiện hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể.

2. Những loại quả mẹ bầu nên TRÁNH ăn

2.1. Dứa

Mẹ bầu cần tránh ăn dứa trong 3 tháng đầu thai kỳ

Dứa là loại quả ngọt, thơm, nhưng có thể gây ra những cơn co thắt tử cung làm sảy thai, gây tiêu chảy hoặc dị ứng cho bà bầu. Nguyên nhân là do dứa tươi có chứa bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, gây sảy thai. Tuy nhiên, qua 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể ăn một lượng dứa vừa phải, phù hợp với nhu cầu của cơ thể.

2.2. Nhãn

Nhãn có tính nóng khiến thân nhiệt mẹ bầu tăng gây nóng trong người

Nhãn mặc dù là loại trái cây có nhiều công dụng tốt song phụ nữ mang thai được khuyến cáo là không nên ăn nhãn do: nhãn có tính nóng khiến thân nhiệt tăng, ăn nhiều gây chảy máu âm đạo, động thai. Nhãn ăn nhiều trong 3 tháng đầu có thể gây sảy thai, đặc biệt phụ nữ thừa cân, tiểu đường thai kỳ, bệnh huyết áp cao tuyệt đối không ăn nhãn, nếu mẹ bầu ăn nhãn, có thể ăn một lượng nhỏ chỉ vài quả và không ăn thường xuyên trong giai đoạn thứ hai và thứ ba của thai kỳ.

2.3.  Chà là

Chà là là loại quả không thích hợp để mẹ bầu sử dụng trong thai kỳ

Chà là rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng phụ nữ mang thai thường được khuyên nên tránh ăn quá nhiều chà là. Một trong những lý do chính để chà là nằm trong danh sách trái cây bà bầu không nên ăn là chúng làm cho cơ thể mẹ bầu nóng lên. Một số nghiên cứu khác cho thấy chà là làm mềm cổ tử cung, giảm ngắn quá trình chuyển dạ. Vì vậy, nếu mẹ bầu có thèm ăn vặt thì chỉ nên ăn một ít nếu ăn quá nhiều có thể sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như sảy thai.

2.4. Quả đào

Lông ở vỏ quả đào có thể gây ngứa, rát cổ họng cho mẹ bầu

Quả đào có vị ngọt, tính nóng nên nếu ăn nhiều đào, bà bầu dễ bị xuất huyết. Lông ở vỏ quả đào cũng dễ gây ngứa và rát cổ họng. Vì thế bà bầu nên hạn chế ăn đào, nếu có ăn thì nên gọt vỏ và không nên ăn thường xuyên.

2.5. Đu đủ xanh

Mẹ bầu ăn đu đủ xanh có thể bị co thắt tử cung gây sảy thai

Nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh hoặc chưa chín chứa nhiều enzyme và mủ có thể gây co thắt tử cung. Ngoài ra, đu đủ xanh còn chứa prostaglandin và oxytocin là những chất mà cơ thể rất cần để khởi động cho giây phút ra đời của đứa trẻ. Vì thế, khi chưa đủ ngày đủ tháng để đứa trẻ ra đời, nếu ăn đu đủ xanh thì rất có thể mẹ bầu sẽ bị sảy thai.

3. Những lưu ý khi bà bầu ăn hoa quả

Việc ăn uống khi mang thai không cần quá nghiêm ngặt tuy nhiên các mẹ bầu vẫn cần chú ý để tránh gặp phải rắc rối không mong muốn. Ngay cả việc ăn hoa quả trong thai kỳ cũng có những nguyên tắc riêng mà chị em nên lưu ý.

Ăn hoa quả đông lạnh dễ khiến mẹ bầu đau bụng, tiêu chảy
  • Không ăn hoa quả chưa rửa: Cũng như trong các loại thịt tái, sống, hoa quả chưa rửa có chứa các loại ký sinh trùng, chất hóa học, chất bảo vệ thực vật như toxoplasmosis và nhiều hóa chất độc khác gây hại cho sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
  • Không súc miệng sau khi ăn hoa quả: Hầu hết các loại trái cây đều chứa axit có thể ăn mòn răng. Ngoài ra, trong trái cây cũng có đường và nước bọt sẽ không thể loại bỏ hết được chúng, cũng như không thể trung hòa axit. Điều này rất dễ làm hại răng của mẹ bầu. 
  • Ăn quá nhiều hoa quả: Trên thực tế, ăn bất cứ thứ gì nhiều quá cũng không tốt và với trái cây cũng vậy. Mặc dù trái cây bổ dưỡng nhưng lại không chứa đầy đủ tất cả các loại dưỡng chất đặc biệt là protein và chất béo – hai loại chất này lại vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng của thai nhi trong bụng mẹ.
  • Ăn hoa quả ngay sau bữa ăn: Ăn hoa quả ngay sau bữa ăn chính có thể gây đầy hơi và táo bón cho mẹ bầu – chứng bệnh thường gặp trong thai kỳ. Vì vậy mẹ bầu nên ăn trong vòng 2 giờ sau ăn và 1 giờ trước bữa ăn chính.
  • Hoa quả để lạnh: Đồ ăn vừa được lấy ra từ tủ lạnh đặc biệt là hoa quả rất dễ khiến mẹ bầu đau bụng, tiêu chảy. Chính vì vậy, mẹ bầu chỉ ăn trái cây tươi, không qua đông lạnh.