Mẹo đối phó với các vấn đề mọc răng ở trẻ sơ sinh

1. Các mốc giai đoạn trẻ mọc răng

Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Không có mốc chuẩn cụ thể nào quy định cho thời gian mọc răng sữa của trẻ, một số trẻ mọc sớm lúc 3 – 4 tháng tuổi; có trẻ mọc răng lúc 6 – 7 tháng tuổi và một số trẻ có thể muộn hơn.

Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí, có trẻ sinh ra đã có sẵn 1 hoặc 2 chiếc răng rồi gọi là ‘răng sơ sinh’. Giới hạn của tuổi mọc răng đầu tiên là từ lúc sinh tới 1 tuổi. Răng đầu tiên trung bình mọc vào 6 – 8 tháng tuổi. Hai răng cửa hàm dưới sẽ mọc đầu tiên; sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc.

Hai răng hàm thứ hai của hàm trên sẽ là những răng mọc cuối cùng. Răng thường mọc theo từng cặp, cụ thể như răng nanh hàm dưới ở bên phải và bên trái sẽ mọc cùng lúc. Răng hàm dưới thường mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên.

Bộ răng sữa của trẻ gồm có tất cả 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.

Chậm mọc răng không phải là một dấu hiệu bệnh lý, đó chỉ là một số trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chậm mọc răng có thể do trẻ sinh non, thể trạng yếu, do chế độ ăn của bé chưa hợp lý. Nếu chậm mọc răng mà bé vẫn phát triển tốt về thể lực, lên cân đều, bò, ngồi, đứng đúng giai đoạn thì coi như bình thường. Nếu trẻ được 1 tuổi mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Các bé thường sẽ mọc răng dưới trước và mọc theo từng cặp

2. Làm thế nào để bạn biết khi nào trẻ mọc răng ?

Quá trình mọc răng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 3 tuổi. Các triệu chứng không giống nhau ở các em bé , nhưng các triệu chứng chung như:

  • Nướu bị sưng, mềm
  • Quấy khóc
  • Nhiệt độ tăng nhẹ 
  • Hay gặm hoặc muốn nhai những thứ cứng
  • Chảy nhiều nước dãi, có thể gây phát ban trên mặt
  • Ho khan
  • Xoa má hoặc kéo tai
  • Đưa tay lên miệng
  • Thay đổi cách ăn uống hoặc ngủ nghỉ

Việc mọc răng có thể gây đau đớn, nhưng nó thường không khiến trẻ bị ốm đi. Gọi bác sĩ nếu bem bé của bạn có tiêu chảy, nôn , phát ban trên cơ thể, sốt cao, hoặc ho và nghẹt mũi. Đây không phải là những dấu hiệu bình thường của việc mọc răng.

Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nhi khoa nếu nướu của trẻ bị chảy máu hay bạn thấy bất kỳ mủ xuất hiện ở nướu của trẻ.

Ngoài ra khi con bạn bị sốt cao hơn 38 độ, tiêu chảy hoặc sổ mũi, đó có thể là do vi-rút chứ không phải do mọc răng.

3. Cách tốt nhất để giảm bớt sự khó chịu của trẻ khi trẻ mọc răng là gì?

Những thứ có tác dụng xoa dịu em bé của người khác có thể không phù hợp với con bạn. Bạn có thể  thử những cách khác nhau để giúp con bạn cảm thấy tốt hơn:

  • Một thứ gì đó lạnh trong miệng của bé , chẳng hạn như núm vú giả lạnh , thìa, khăn lau ướt sạch, hoặc đồ chơi hoặc nhẫn mọc răng được làm lạnh ở dạng rắn (không phải chất lỏng). Một số chuyên gia cho biết đồ chơi mọc răng đông lạnh quá lạnh có thể làm tổn thương miệng của bé. Đảm bảo làm sạch đồ chơi mọc răng, khăn lau và các vật dụng khác sau khi bé sử dụng.
  • Hãy thử cung cấp một loại bánh quy mọc răng cứng, không đường cho bé.
  • Nếu con bạn lớn hơn 6-9 tháng, bạn cũng có thể cho bé uống nước mát từ cốc.
  • Xoa bóp nướu bằng cách dùng ngón tay sạch xoa nhẹ, nếu răng bé chưa mọc bạn có thể để bé gặm ngón tay. Nếu bạn đang cho con bú, hãy thử nhúng ngón tay vào nước mát và xoa bóp nướu cho trẻ trước mỗi lần cho trẻ bú, điều này có thể giúp con không cắn vào núm vú của bạn khi cho con bú.
Đồ ngậm nướu sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn mọc răng

Nếu vẫn thất bại, một liều acetaminophen (Tylenol) có thể giúp con giảm đau. Tuy nhiên, cần sự kê đơn và tư vấn của bác sĩ mẹ nhé.

4. Có những điều nào cần tránh khi bé mọc răng?

KHÔNG nên dùng các loại thuốc không kê đơn có chứa benzocaine khi trẻ mọc răng. Chất gây mê trong các sản phẩm này có thể gây ra một chứng rối loạn máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng (và đôi khi gây chết người) được gọi là methemoglobin huyết. Trên thực tế, Cơ Quan Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu các nhà sản xuất ngừng tiếp thị các sản phẩm này cho trẻ em.

FDA cũng không khuyến khích việc sử dụng thuốc viên mọc răng vì lượng belladonna có trong các sản phẩm này không nhất quán, có nguy cơ gây độc cho trẻ sơ sinh mà chưa xác định được mức độ của nó.

Hãy cẩn thận khi sử dụng dây chuyền hổ phách khi mọc răng. Những chiếc vòng cổ này có nguy cơ gây nghẹt thở và siết cổ. Nếu bạn đang sử dụng vòng cổ hổ phách, hãy nhớ tháo nó ra khỏi bé trước khi chợp mắt hay đi ngủ.

Ngay sau khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện, bạn có thể bắt đầu lau sạch răng cho bé bằng giẻ hoặc bàn chải đánh răng. Đối với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, cha mẹ nên đánh răng cho trẻ hai lần một ngày với một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa florua. Điều quan trọng là không cho trẻ đi ngủ với bình sữa hoặc nước trái cây trên miệng vì điều này có thể gây sâu răng cho con.

*Nguồn tham khảo:

  1. hopkinsallchildrens.org

https://www.hopkinsallchildrens.org/ACH-News/General-News/Tips-for-Dealing-with-Teething-Issues

2. medlatec.vn

https://medlatec.vn/tin-tuc/khi-tre-moc-rang-bo-me-can-quan-tam-den-nhung-van-de-gi-s195-n18167