Mang thai tháng cuối: Mẹ chuẩn bị gì để đón bé chào đời khỏe mạnh?

Khi mang thai tháng cuối, cận kề ngày dự sinh, mẹ bầu thường bồn chồn lo lắng vì không biết thời điểm nào em bé sẽ chào đời. Mẹ bầu tháng cuối hãy chú ý những điều sau để chuẩn bị cho kỳ sinh thật thuận lợi nhé.

 

1. Dấu hiệu thai nhi tháng cuối phát triển tốt

Tháng cuối của thai kỳ được tính từ sau tuần 36. Khi mẹ mang thai tháng cuối, bé vẫn tiếp tục phát triển để hoàn thiện tất cả các chức năng của cơ thể và sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ.

  • Tất cả các cơ quan nội tạng của thai nhi tuần thứ 36 vừa tăng trưởng về mặt kích thước vừa hoàn thiện về mặt chức năng. 
  • Lớp kem màu trắng (lớp mỡ dưới dạng kem bao phủ toàn bộ cơ thể có tác dụng bảo vệ cơ thể bé) mất đi. Da hơi nhăn và không còn phù.
  • Thai nhi “hoạt bát” hơn, mẹ sẽ cảm nhận rõ những cử động đạp của bé trong bụng
  • Thai nhi tụt xuống vùng xương chậu.
  • Lúc sắp chui qua đường sản đạo, thai nhi uốn cong lưng, khép 2 tay vào trước ngực, chui vào xương chậu. Nhìn qua có vẻ như bé đang bị gò bó nhưng bé vẫn tiếp tục cử động tay chân cho đến khi được sinh ra. 

Nếu mẹ sinh vào tuần 40 thì được coi là sinh đủ tháng, lúc này thai nhi sẽ có chiều dài khoảng 51.2cm và nặng trung bình 3,4kg. Tuy nhiên, thai nhi đủ 38 tuần tuổi đã trưởng thành và có thể dễ dàng nuôi sống ở môi trường bên ngoài. 

Trẻ sinh trước 37 tuần là trẻ sinh non, trẻ từ 42 tuần trở lên là trẻ sinh già tháng. Trẻ sinh sớm hoặc trẻ sinh già tháng thường sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn

hình ảnh thai nhi tháng cuối
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 40

2. Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tháng cuối cùng

Thời gian chờ đợi đến ngày dự sinh có lẽ là thử thách lớn nhất trong thời kỳ mang thai vì mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe trong tháng cuối thai kỳ.

Những thay đổi rõ rệt mà mẹ có thể cảm nhận được khi mang thai tháng cuối như sau:

  • Tử cung và thai nhi tụt thấp xuống: càng gần ngày sinh, thai nhi càng tụt xuống vùng xương chậu. Áp lực đè lên tim, ruột giảm đi làm thuyên giảm các hiện tượng hồi hộp hụt hơi. Mẹ có cảm giác thoải mái hơn và có cảm giác thèm ăn hơn. 
  • Cảm thấy đau, tê vùng mông, đùi và thắt lưng: do đầu của bé đã tụt thấp xuống nên gây chèn ép lên các vùng khớp mu, khớp háng và thần kinh vùng quanh xương chậu. 
  • Đi tiểu thường xuyên hơn: do bàng quang nằm bên dưới tử cung bị chèn ép nên sức chứa ít hơn, mẹ sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày và còn có thể tiểu són. 
  • Những cơn đau chuyển dạ giả xuất hiện dồn dập hơn: để chuẩn bị cho sinh nở, tử cung bắt đầu co bóp lặp đi lặp lại khiến mẹ cảm nhận các cơn đau hay cơn gò có chu kỳ không đều. 
  • Tiết dịch âm đạo nhiều hơn: đó là những chất dịch được tiết ra nhằm bôi trơn con đường bé đi qua để việc sinh nở dễ dàng hơn. 

Từ tuần 37 trở đi là vào thời kỳ sinh nên mẹ đừng lo lắng nếu thấy dấu hiệu chuyển dạ. Mẹ hãy sẵn sàng tâm lý để đón bé chào đời bất cứ lúc nào. 

vị trí thay nhi xoay đầu
Tháng cuối cùng thai nhi và tử cung tụt thấp xuống xương chậu

3. Chăm sóc mẹ bầu mang thai tháng cuối

Tháng cuối cùng của thai kỳ là giai đoạn quan trọng để sinh em bé ra đời. Vậy nên mẹ cần theo dõi kỹ lưỡng những thay đổi của mẹ và thai nhi trong giai đoạn này.

3.1. Mang thai tháng cuối nên ăn gì

Tháng cuối cùng, mẹ vẫn nên bổ sung thêm 450 Kcal so với lúc chưa mang thai, tức là mỗi ngày mẹ cần bổ sung từ 2100 – 2500 Kcal. Mẹ cần chú ý:

  • Đảm bảo ăn đầy đủ, đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng.
  • Bổ sung đầy đủ chất đạm và chất béo để xây dựng và hoàn thiện nốt các chức năng của bé. Nguồn chất đạm và chất béo mẹ nên bổ sung ở các loại thực phẩm như: thịt, cá, trứng, tôm, các loại đậu, ….
  • Nên sử dụng thêm các chế phẩm dạng sữa như sữa tiệt trùng, phô mai, sữa chua,… để bổ sung calci và các vitamin cho bé phát triển và phòng tránh loãng xương cho mẹ.
  • Ăn thành nhiều phần nhỏ mỗi ngày để đảm bảo cơ thể có thể hấp thụ đầy đủ và hiệu quả các chất dinh dưỡng. Mẹ mang thai tháng cuối không nên ăn quá no, không nên bỏ bữa sáng và ăn bù vào các bữa còn lại.
  • Uống đủ 2 – 2.5l nước mỗi ngày. Không nên uống nhiều nước vào buổi tối để giảm số lần đi vệ sinh, tránh gây mất ngủ.

3.2. Mẹ bầu tháng cuối sinh hoạt như thế nào? 

Khi mang thai tháng cuối, mẹ nên thu xếp công việc và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, đồng thời lưu ý các vấn đề sau:

  • Cẩn thận trong việc đi lại vì lúc này bầu to che khuất tầm nhìn.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 20p mỗi ngày giúp giảm đau tê vùng xương chậu. 
  • Hạn chế quan hệ vợ chồng: vẫn có thể quan hệ tình dục sau tuần 37, tuy nhiên đối với những mẹ bầu có sức khỏe không tốt thì không nên quan hệ trong thời gian này.
  • Nên đi khám thai 2 tuần 1 lần để theo dõi tình trạng thai kỳ. 

4. Những dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần biết

Khi bước vào tháng cuối của thai kỳ, mỗi thai phụ sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ khác nhau. Vì vậy, hãy chuẩn bị trước để bất cứ lúc nào thấy dấu hiệu chuyển dạ cũng đã sẵn sàng. 

4.1. Cơn đau chuyển dạ xuất hiện đều đặn

  • Đau chuyển dạ là do tử cung co thắt, cảm giác giống như đau bụng kinh nguyệt nhưng nặng nề hơn. Các cơn co thắt thường bắt đầu khi mẹ bầu cảm thấy đau lưng, sau đó di chuyển ra phía trước bụng, cơn đau lan từ đáy tử cung xuống phía dưới.
  • Mới đầu, các cơn đau xảy ra không đều kể cả về thời gian cũng như cường độ. Sau đó xuất hiện đều đặn có chu kỳ. Mỗi cơn co mẹ sẽ thấy bụng co cứng, cảm giác đau tăng dần.
  • Phân biệt với cơn co tử cung giả: Các cơn co tử cung giả thường diễn ra theo chu kỳ không đều và cách xa nhau. Các cơn co thắt giả thường được cảm thấy ở phía trước, ở bụng dưới khi đi bộ hoặc tăng hoạt động. Những cơn co thắt này có thể được cảm nhận nhưng thường không gây đau thắt từng cơn. Cơn co tử cung giả thường yếu hơn và có thể biến mất khi mẹ nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế.
Cơn đau chuyển dạ xuất hiện đều đặn, có chu kỳ, cường độ và thời gian tăng dần

4.2. Trong dịch nhầy âm đạo có lẫn máu

Càng đến gần ngày sinh, tử cung co bóp làm màng ối bao bọc quanh thai nhi bị xô lệch khỏi thành tử cung. Một phần của màng ối bong ra, xuất huyết và lẫn với dịch âm đạo đi ra ngoài.

4.3. Vỡ ối

  • Vỡ ối là hiện tượng màng ối bao bọc thai nhi bị rách, nước ối chảy qua âm đạo ra ngoài. 
  • Khi vỡ ối, một làn nước ấm nóng sẽ chảy ra ngoài. Nhưng khác với việc són tiểu thì ối vỡ có đặc trưng là chảy ra không ngừng. Trường hợp vỡ ối trên cao (vỡ ối ở vị trí xa tử cung), nước ối chảy ra ít, khó nhận biết, mẹ nên liên lạc với bệnh viện sản để được hướng dẫn. 

4.4. Các dấu hiệu chuyển dạ khác

  • Đau vùng thắt lưng và chuột rút: mẹ có thể cảm thấy khó chịu, căng tức hoặc bị chuột rút ở vùng chậu, trực tràng, khớp háng, thắt lưng đau âm ỉ. 
  • Tiêu chảy hoặc buồn nôn: một số mẹ xuất hiện tình trạng nôn không rõ lý do hoặc đi ngoài phân lỏng ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ. 
  • Xoá mở cổ tử cung: Các cơn co thắt tử cung sẽ làm xoá mở cổ tử cung. Khi các cơn co thắt diễn ra đều đặn và bác sĩ cho biết cổ tử cung của mẹ đã mở ra ≥ 2 cm thì mẹ đã thực sự bước vào cuộc chuyển dạ.

Nếu bị vỡ ối mẹ nên di chuyển đến bệnh viện ngay (kể cả khi các cơ đau chuyển dạ chưa xuất hiện. Khi xuất hiện các cơn đau chuyển dạ mẹ nên đo khoảng thời gian giữa các cơn đau và liên hệ với bệnh viện để được hướng dẫn theo dõi tình hình. 

Hãy chuẩn bị tâm lý cũng như vật dụng tốt nhất cho cuộc chuyển dạ mẹ nhé

5. Những dấu hiệu bất thường khi mang thai tháng cuối

  • Chảy máu hoặc tiết dịch từ âm đạo có màu đỏ tươi, không phải màu nâu hoặc màu hồng.
  • Nước ối vỡ ra, đặc biệt nếu nước ối có màu xanh lá cây hoặc nâu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nước ối có chứa phân su (phân đầu tiên của em bé) và rất nguy hiểm nếu em bé hít phải khi chuyển dạ.
  • Phù nề đột ngột, đau đầu dữ dội, nhìn mờ, nhìn đôi. Đây là dấu hiệu tiền sản giật, rất nguy hiểm với mẹ và bé cần được chăm sóc y tế đặc biệt. 
  • Cử động thai trong bụng bất thường, ít đạp/chuyển động so với bình thường mẹ theo dõi.

Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng trên, mẹ hãy đến bệnh viện ngay nhé. Hãy theo dõi kỹ lưỡng trong tháng mang thai cuối này để đón bé yêu thuận lợi mẹ nhé.