Lịch tiêm phòng cho phụ nữ mang thai lần 2 khác gì so với lần mang thai đầu?

1. Tại sao mang bầu lần 2 vẫn phải tiêm phòng?

Lịch tiêm phòng và các mũi tiêm phòng cho bà bầu lần 2 phụ thuộc vào trước đây bạn đã tiêm hay chưa và cách nay đã bao lâu. Cũng như lịch tiêm phòng cho những bà bầu mang thai lần 2 phụ thuộc rất nhiều vào thời gian hiệu lực của vắc xin những lần bạn tiêm trước đó và những loại vắc xin mà bạn đã tiêm. 

Việc xem xét này nhằm đảm bảo bạn đã tiêm đủ loại vắc xin phòng bệnh hay chưa và nồng độ vắc xin bạn đã tiêm có còn hiệu lực phòng bệnh nữa hay không.

2. Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2 khác gì so với lần đầu?

Khi mang thai lần thứ 2, bà bầu cần chú ý việc tiêm nhắc các loại vắc xin mà chỉ có hiệu lực trong vài năm

Trong lần đầu mang bầu bạn sẽ được đề nghị tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh có thể ảnh hưởng đến trẻ trong quá trình mang thai: cúm, thủy đậu, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella, uốn ván,…

Tuy nhiên, khi mang thai lần thứ 2, bà bầu cần chú ý việc tiêm nhắc các loại vắc xin mà chỉ có hiệu lực trong vài năm. Ví dụ như nếu lần mang thai sau cách lần mang thai đầu 5 năm, mẹ bầu nên làm xét nghiệm kiểm tra kháng thể để tiêm nhắc các loại vắc xin như vắc xin ngừa viêm gan B, Rubella… nếu lượng kháng thể xuống thấp dưới mức bảo vệ. 

Đối với vắc xin ngừa cúm, Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm hằng nămvắc xin cúm có rất nhiều chủng loại và thời gian hiệu lực không cao nên được tiêm phòng trước khi tất cả các lần mang thai để dự phòng bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, lịch tiêm vắc xin uốn ván có nhiều thay đổi so với lần mang thai đầu. Số mũi tiêm phụ thuộc vào mũi tiêm cuối cùng cách đó bao lâu. Cụ thể là:

  • Nếu là mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, thai phụ cần tiêm mũi đầu tiên trong 3 tháng giữa của thai kỳ và mũi thứ 2 tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
  • Nếu là mang thai lần 2 hoặc những lần sau mà trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc vắc xin uốn ván, thai phụ cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ.
  • Nếu thai phụ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván từ nhỏ thì tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.
  • Nếu thai phụ đã được tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
  • Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã tiêm trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi.

3. Lưu ý khi tiêm phòng cho bà bầu

Mẹ bầu mang thai lần 2 cần được bác sĩ tư vấn kĩ trước khi tiêm phòng
  • Khi đi tiêm phòng, mẹ cần lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cho bản thân. Tốt nhất, mẹ nên lựa chọn một địa chỉ cố định để tiêm. Như vậy mẹ sẽ quản lý tốt lịch tiêm sau này.
  • Những mẹ bầu lần hai mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non có thể tiêm phòng uốn ván sớm hơn. Tuy nhiên mẹ cần hỏi bác sĩ về thời gian tiêm chủng thích hợp.

Trong một số trường hợp người được tiêm chủng vắc xin cúm hay uốn ván có thể cảm thấy sốt nhẹ, hơi đau nhức, sưng đỏ ở vết tiêm, gây ra hiện tượng giả cúm như hắt hơi, sổ mũi vài ngày. Đây đều là phản ứng phụ thông thường của vắc xin nên không cần quá lo lắng và cũng không nên sử dụng thuốc hay chườm lên vết tiêm bởi hiện tượng này sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý theo dõi sức khỏe, nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường thì nên đi đến các cơ sở y tế để theo dõi ngay lập tức. Ví dụ như thấy xuất hiện các triệu chứng như: chân tay lạnh, tim đập, cảm giác khó thở, da xanh xao, tiêu chảy… thì cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh tình trạng sốc phản vệ sau tiêm.

Để hạ sốt sau khi tiêm phòng (nếu có), mẹ bầu có thể tham khảo một số cách như:
  • Dùng khăn ấm lau qua người hoặc chườm lên các vị trí như: bẹn, nách hoặc lưng để giảm nhiệt độ cơ thể.
  • Uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin.
  • Tuyệt đối không tự ý mua và uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Lộ trình tiêm phòng cho bà bầu có thể sẽ hơi rắc rối với nhiều mũi tiêm, tuy nhiên, mẹ bầu nên sắp xếp thời gian để tiêm phòng đủ các mũi tiêm trong thời gian mang thai. Tiêm sau ít nhất từ tuần thai 20 trở đi và cách ngày sinh ít nhất 30 ngày để đảm bảo khả năng kháng bệnh của cơ thể. Mẹ bầu tuyệt đối không tự ý đi tiêm mà cần dựa trên tính toán số tuổi thai, số lần mang thai.