Lịch khám thai định kỳ mà mẹ bầu cần ghi nhớ

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần nắm rõ lịch khám thai định kỳ và đi khám đầy đủ theo lịch mà bác sĩ đưa ra, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Khám thai định kỳ giúp theo dõi được sức khỏe của mẹ và em bé, đồng thời nếu có những bất thường xảy ra mẹ và người nhà có thể phản ứng và xử lý kịp thời, tránh những hệ quả đáng tiếc xảy ra. Vậy lịch khám thai của mẹ bầu như thế nào?

Tại sao nên khám thai định kỳ?

Những lợi ích mang lại khi mẹ bầu khám thai định kỳ:

  • Nắm rõ được sự phát triển của thai nhi 
  • Biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hay những điều cần tránh khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh
  • Cho kết quả chính xác của các xét nghiệm ( những xét nghiệm đúng ở trong một khoảng thời gian nhất định)
  • Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy những bà mẹ tuân thủ lịch khám thai định kỳ có tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn 5 lần, và cân nặng của trẻ đúng tiêu chuẩn nhiều hơn khi được sinh ra

Khám thai 3 tháng đầu thai kỳ

Thời gian đi khám tốt nhất trong thời điểm này là thai nhi từ 5 tới 8 tuần tuổi.  Lần khám này sẽ xác nhận xem thai vào tử cung hay chưa, có một thai hay đa thai, đặc biệt là tuổi thai (thai được mấy tuần) cũng như ngày dự sinh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của thai trong suốt thai kỳ (có bị suy thai, sinh non, sinh thiếu tháng hay không).

Cụ thể trong lần khám thai đầu sẽ gồm những nội dung sau:

  • Xác nhận rằng mẹ thật sự có đang mang thai hay không.
  • Tính xem thai bao nhiêu tuần và dự tính thời gian sinh nở. Mẹ có thể được đề nghị cho làm siêu âm nếu không rõ ngày mang thai.
  • Huyết áp, chiều cao và cân nặng của mẹ. Xác định chỉ số BMI (dựa vào chiều cao và cân nặng): đánh giá mẹ có bị thừa cân, béo phì hay không
  • Xét nghiệm máu tổng quát, để kiểm tra nhóm máu, kiểm tra thiếu máu, miễn dịch rubella, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, chlamydia và HIV.
  • Xét nghiệm nước tiểu để xem bạn có bị nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu không. Ngoài ra xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (hCG) nhằm xác định sự phát triển của thai nhi
  • Sàng lọc cổ tử cung để kiểm tra papillomavirus ở người (HPV) và / hoặc bất kỳ dấu hiệu ung thư cổ tử cung nào.
  • Nếu có nguy cơ thiếu vitamin D, bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm.
Khám thai lần đầu để xác nhận rằng mẹ thật sự có đang mang thai hay không

Qua các bước khám thai giúp bác sĩ của bạn có được những chẩn đoán ban đầu. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc thai kỳ cho mẹ và bé, đồng thời hẹn lịch khám lần kế tiếp. Đây là lần khám thai vô cùng quan trọng do đó mẹ bầu cần phải ghi nhớ nhé!

Khám thai ba tháng giữa thai kỳ (từ tuần 14 – 27 tuần 6 ngày)

Trong đợt khám thai lần này bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện hơn, thông qua siêu âm xác định tim thai, các vấn đề của phôi thai, những dị tật thai nhi cũng được phát hiện rõ trong thời gian này. Đây là thời điểm khám thai định kỳ cần thiết để có những can thiệp phù hợp nhằm điều trị hoặc chấm dứt thai kỳ sớm, giảm những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu cũng như gia đình.

Lần khám thai thứ hai trong thai kỳ bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện hơn

Các xét nghiệm cần thiết khi bác sĩ phát hiện ra những bất thường trong sức khỏe của mẹ và em bé:

  • Sinh thiết nhau thai (CVS):  một lượng nhỏ nhau thai được lấy ra để kiểm tra các vấn đề về nhiễm sắc thể như hội chứng Down hoặc các bất thường khác. Điều này thường được thực hiện trong khoảng từ 10 đến 11 tuần của thai kỳ, hoặc tại một thời điểm khác nếu nghi ngờ có vấn đề liên quan tới sức khỏe. 
  • Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT): đây là xét nghiệm rất chính xác để phát hiện hội chứng Down và một số bất thường khác. Nó được thực hiện trong khoảng từ 11 tuần đến 13 tuần và 6 ngày của thai kỳ.
  • Siêu âm đo độ mờ da gáy hay da phía sau cổ thai nhi: đánh giá nguy cơ mắc hội chứng Down. Thử nghiệm này được thực hiện trong khoảng từ 11 tuần đến 13 tuần và 6 ngày.
  • Chọc dò nước ối:  trong đó một lượng nhỏ nước ối (dịch xung quanh em bé) được thu thập để kiểm tra xem em bé có vấn đề về nhiễm sắc thể hay bất thường khác. Điều này thường được thực hiện vào lúc 15-18 tuần hoặc vào một thời điểm khác nếu phát hiện ra vấn đề

Đồng thời, việc đi khám thai giai đoạn này còn giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi, từ đó bác sĩ có lời khuyên về dinh dưỡng thai kỳ; theo dõi huyết áp để dự phòng biến chứng tiền sản giật, sản giật

Lịch khám thai ba tháng cuối thai kỳ

Ở chặng đường cuối của thai kỳ, lịch khám thai càng dày hơn để bác sĩ theo dõi sự phát triển của em bé sức khỏe của mẹ nhằm tiên lượng những biến chứng có thể xảy ra trong lúc sinh, từ đó có hướng giải quyết tốt nhất. 

Do đó, từ tháng 7, 8 của thai kỳ mẹ bầu cần đi khám thai mỗi tháng 1 lần; tháng thứ 9 cứ cách 2 tuần khám thai định kỳ 1 lần và cuối cùng là khám 1 lần nữa trước khi sinh. Mẹ bầu cần nắm rõ lịch này để đi khám đúng lịch.

Ở các lần khám thai định kỳ cuối cùng này, mẹ bầu sẽ được biết ngôi thai có thuận hay không, khung xương chậu người mẹ có khả năng cho thai nhi lọt qua không, độ phát triển của bánh nhau, lượng nước ối… từ đó tiên lượng cuộc sinh dễ hay khó, có thể sinh thường hay phải mổ lấy thai, thời gian nhập viện, mẹ có thể sinh tại các cơ sở y tế thuộc tuyến dưới hay cần phải đến tuyến trên…

Càng về cuối thai kỳ mẹ bầu càng có nhiều đợt khám thai hơn

Như vậy, dù ở giai đoạn nào, việc khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ đều rất quan trọng, giúp thai phụ chủ động trong việc dưỡng thai, từ đó có những điều chỉnh, can thiệp kịp thời nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra cho cả mẹ và bé. 

 

*Nguồn tham khảo:

  1. tamanhospital.vn

https://tamanhhospital.vn/lich-di-kham-thai-dinh-ky-cho-bau/

2. vinmec.com

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/11-lan-kham-thai-dinh-ky-me-bau-can-ghi-nho/

3. hongngochospital.vn

https://hongngochospital.vn/lich-kham-thai/