Dinh dưỡng cho bà bầu vào 3 tháng cuối thai kỳ

1. Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối như thế nào?

Các mẹ lưu ý, sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối rất nhanh, không những bé yêu của bạn đã bắt đầu hoàn thiện đầy đủ những bộ phận trên cơ thể mà cả về cân nặng của bé cũng phát triển rất nhanh chóng. Chính vì vậy mà khi khám thai nếu như bác sĩ cho biết em bé phát triển chậm, bị nhẹ cân thì mẹ cần phải xem xét và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của mình nhiều hơn trong thời điểm nước rút này. Vì mẹ phải hiểu được rằng chế độ dinh dưỡng của mẹ lúc này gắn liền với sự phát triển của bé yêu trong bụng.

2. Sự thay đổi của mẹ bầu trong 3 tháng cuối

Mẹ bầu có nhiều thay đổi về cơ thể trong tam cá nguyệt thứ 3

Chính vì những thay đổi của em bé trong bụng mà mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 này. Có thể tăng áp lực tĩnh mạch do trọng lượng của cơ thể tác động lên 2 chân và tim làm quá trình lưu thông máu chậm lại, đau nhức vùng xương chậu, đau lưng, ngực tăng trưởng nhanh, thường xuyên mất ngủ, phù nề, ngứa và tê tay chân, có cảm giác bị hụt hơi khó thở, táo bón… những hiện tượng này làm mẹ cảm thấy liên tục mệt mỏi, toàn thân ê ẩm, việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, giai đoạn 3 tháng cuối này mẹ bầu cần phải tăng cường chất dinh dưỡng để cơ thể mẹ khỏe mạnh, tăng cường sức để kháng đồng thời cũng cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho bé yêu trong giai đoạn cuối cùng trước khi bé yêu chào đời và tạo “đà” cho sự phát triển khỏe mạnh của bé về sau. Nhưng cụ thể mẹ nên bổ sung những gì để đáp ứng đúng và cần thiết cho cả hai mẹ con lúc này? Đây là câu hỏi được nhiều bà mẹ đặt ra, xin mời các mẹ tham khảo những kiến thức bổ ích dưới đây.

3. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối cùng

Với những kiến thức trên thì chắc chắn các mẹ cũng đã hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối cùng như thế nào? Mẹ bầu nhất định không được lơ là, vì chế độ dinh dưỡng của mẹ lúc này liên quan mật thiết đến cân nặng, thể trạng của con yêu sau khi ra đời.

3.1. Chế độ dinh dưỡng tháng thứ 7

Vào tháng thứ 7, mẹ bầu nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất béo tốt

Các mẹ có biết, tháng thứ 7 là lúc nào bộ của bé yêu phát triển nhanh nhất lúc này não bé có thể đạt đến khoảng 25% não người lớn, chính vì vậy mà hơn lúc nào hết bé cần được cung cấp nhiều axit béo để phát triển hệ thần kinh. Bên cạnh đó, axit béo cũng rất cần thiết để phát triển mắt cho bé. Ngoài axit béo ra thì mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung vitamin C nhé, vì nếu thiếu vitamin C rất dễ dẫn đến sinh non, vỡ ối sớm, ngoài ra vitamin C còn giúp hấp thu canxi và sắt tốt hơn.

  • Những thực phẩm có chứa nhiều chất béo: một số loại hạt để mẹ ăn vặt (hạt hướng dương, hạt bí, lạc, vừng…), các loại cá (cá hồi, cá thu, cá ngừ,…) hoặc khi chế biến thức ăn có thể cho thêm 1-2 muỗng dầu đậu nành, dầu cá hồi, bơ…
  • Thực phẩm giàu Vitamin C: cam, chanh, quýt, bưởi, dâu tây, ổi, đu đủ…

3.2. Chế độ dinh dưỡng tháng thứ 8

Để tránh táo bón vào những tháng cuối thai kỳ mẹ cần ăn nhiều rau củ và trái cây

Táo bón và một số bệnh về đường tiêu hóa như ợ nóng hoặc khó tiêu sẽ làm phiền mẹ bầu trong thời điểm này. Để giảm tình trạng táo bón cho mẹ bầu cần phải cung cấp nhiều chất xơ tiêu hóa, những thực phẩm tươi mát, dễ tiêu hóa như: rau quả, trái cây như: đu đủ chín, khoai lang, các loại rau xanh…

Nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng bị chuột rút trong tháng thứ 8 này thì hãy nhớ bổ sung ngay những thực phẩm giàu phốt pho và canxi trong bữa ăn của mình để nhanh chóng khắc phục tình trạng này như: súp lơ xanh, sữa, phô mai,… 

Đặc biệt, mẹ lưu ý không nên ăn những thực phẩm khó tiêu hóa, đồ cay nóng và khi ăn cũng không nên ăn quá no sẽ làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Thay vào đó mẹ bầu nên chia nhỏ nhiều bữa ăn khác nhau trong ngày để quá trình hấp thụ nhanh hơn và cũng đừng quên uống ít nhất 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày để cải thiện tình trạng táo bón.

Đây cũng là lúc mẹ cần quan tâm đến nguồn sữa mẹ để cung cấp cho bé sau khi sinh. Mẹ bầu nên tăng cường ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng protein vì chúng giúp kích thích sản sinh nguồn sữa mẹ. Những thực phẩm có chứa nhiều protein như: thịt, sữa, cá, giò heo, các loại hạt,…

3.3. Chế độ dinh dưỡng tháng thứ 9

Vào tháng cuối cùng, mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, sẵn sàng đón bé yêu ra đời

Đây là tháng cuối cùng của thai kỳ, chắc chắn là các mẹ cũng đang nôn nóng chờ đợi sự ra đời của bé yêu đúng không nào? Thời điểm này các mẹ lưu ý phải cung cấp nhiều năng lượng, chuẩn bị sức đề kháng khỏe mạnh để trải qua kỳ vượt cạn sắp tới.

  • Những thực phẩm có chứa nhiều năng lượng như: thịt gà, cá và những thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate như gạo, ngũ cốc,…
  • Ngoài ra, lúc này mẹ nên tăng cường ăn uống những thực phẩm có chứa nhiều canxi, hàm lượng canxi cần thiết cho giai đoạn 3 tháng cuối này là khoảng 1200mg/ngày. Nguồn canxi dồi dào có trong hải sản, sữa, sữa chua…
  • Tháng thứ 9 khi người mẹ sắp sinh cần phải tăng cường cung cấp sắt để giúp mẹ tránh tình trạng thiếu máu sau khi sinh. Những thực phẩm có chứa nhiều sắt như: trái cây khô, thịt bò, đậu, rau lá xanh,… Nếu cảm thấy cần thiết bác sĩ sẽ kê thêm thuốc sắt cho mẹ bầu.
  • Mẹ bầu cũng phải duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày nhằm ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, hỗ trợ hoạt động hệ bài tiết. Nếu thiếu nước rất dễ dẫn đến sinh non, em bé sinh ra sẽ yếu và nhẹ cân hơn những em bé sinh đúng ngày.

Các mẹ lưu ý, đến tháng thứ 9 các bác sĩ khuyên mẹ nên tăng cân chậm cho nên mẹ cũng nên hạn chế những thức ăn có chứa quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn ngọt như đồ chiên rán hay nước ngọt, kẹo, bánh,…

Nếu như trước đây những loại trái cây mẹ phải hạn chế hoặc không được ăn thì giờ có thể sử dụng nhằm co bóp tử cung hiệu quả hơn như: quả thơm, lá tía tô, rau húng quế,… Nhưng mẹ chỉ nên dùng vào khoảng 1-2 tuần cuối cùng để tránh tình trạng tác dụng ngược nhé!

4. Những thực phẩm nên tránh trong 3 tháng cuối của thai kỳ

Chế độ dinh dưỡng 3 tháng cuối của thai kỳ không chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn những thực phẩm tốt, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và bé mà còn phụ thuộc vào việc tránh những loại thực phẩm không nên sử dụng cho mẹ ở giai đoạn này.

Chứng ợ nóng, bàn chân và bàn tay sưng, mệt mỏi, táo bón là một số vấn đề thường gặp ở thời kỳ mang thai. Nếu dung nạp một số thực phẩm không có lợi sẽ làm cho các vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bà mẹ nên tránh sử dụng:

Mẹ bầu cần tránh các thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ gây khó tiêu
  • Thực phẩm cay và béo: Thực phẩm giàu chất béo và gia vị đặc biệt là thực phẩm chiên sẽ làm tăng sự khó chịu của chứng ợ nóng. Chúng rất khó tiêu hóa và có thể cản trở giấc ngủ. Nên tránh những đồ chiên rán đặc biệt là không ăn vào buổi đêm.
  • Thực phẩm giàu natri: Lượng natri cao sẽ dẫn đến sưng và đầy hơi. Bà bầu nên tránh ăn khoai tây chiên giòn, dưa chua, nước sốt, thực phẩm đóng hộp và sốt cà chua. Đồng thời nên uống thêm nhiều nước để điều chỉnh nồng độ natri trong cơ thể.
  • Đồ uống có ga và caffeine: Cà phê và trà nên tránh hoàn toàn trong thai kỳ. Vì nó có thể là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Đồ uống có ga được nạp đường và chất ngọt nhân tạo nên chất dinh dưỡng của nó hoàn toàn bằng không.
  • Rượu: Ở giai đoạn này, bắt buộc không được sử dụng rượu vì nó có thể cản trở quá trình sinh nở.
  • Đồ ăn vặt: Bà bầu có thể thèm ăn gà rán hay hamburger nhưng những đồ ăn vặt này tốt nhất nên tránh khi mang thai. Hãy lựa chọn những thức ăn nhẹ như: bánh mì, các loại hạt…

Chế độ dinh dưỡng 3 tháng cuối thai kỳ có vai trò rất lớn đến sự hoàn thiện cấu trúc cơ thể của trẻ cũng như sức khỏe của người mẹ để chuẩn bị đến giai đoạn vượt cạn. Vì thế ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, mẹ bầu cần chú ý và hạn chế các thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất nên thực hiện theo chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo từ các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.