Chăm sóc bản thân và con yêu khi đang mang thai

Điều quan trọng là phải chăm sóc em bé ngay cả trước khi bé chưa được sinh ra. Mẹ bầu có thể làm điều này bằng cách sống một lối sống lành mạnh và đi khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai. Đây được gọi là chăm sóc sức khỏe trước khi sinh, việc này sẽ giúp mẹ sinh con khỏe mạnh và sức khỏe tốt để vượt cạn thành công.

Con đường để cải thiện sức khỏe

Ngay khi biết mình mang thai mẹ hãy tới gặp bác sĩ, lúc này bác sĩ sẽ giúp mẹ bằng cách làm các xét nghiệm cần thiết và xem xét tiền sử bệnh. Thông thường trong lần khám thai đầu tiên bạn sẽ được lấy mẫu nước tiểu và máu (Chúng cũng sẽ được thực hiện lại vào những lần khám sau). Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng tế bào máu, nhóm máu, nồng độ sắt thấp (thiếu máu) và các bệnh truyền nhiễm (như giang mai, HIV và viêm gan).

Bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm khác trong lần khám đầu tiên của mẹ. Những điều này có thể khác nhau dựa trên sức khỏe và rủi ro đối với các vấn đề mà mẹ đang gặp phải. Các kiểm tra có thể là:

  • Khám phụ khoa để kiểm tra kích thước và hình dạng của tử cung (dạ con).
  • Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung .
  • Siêu âm để xem sự phát triển và vị trí của em bé. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của em bé trên màn hình video.

Sau lần khám đầu tiên, mẹ bầu sẽ được khám thai 4 tuần một lần. Vào tháng thứ 7 và 8, sẽ được thăm khám 2 tuần một lần. Vào tháng cuối cùng của thai kỳ, việc thăm khám sẽ diễn ra hàng tuần cho đến khi con yêu của mẹ ra đời. Tại mỗi lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp và xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ sẽ lắng nghe nhịp tim của thai nhi và đo chiều cao tử cung của mẹ sau tuần thứ 20. Trong những lần khám này mẹ có thể thảo luận với bác sĩ bất kỳ vấn đề hoặc mối quan tâm nào mà mẹ và bé gặp phải.

Mẹ nên đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai

Dưới đây là một số hướng dẫn khác mà mẹ cần phải tuân theo trong thời kỳ mang thai.

1. Tôi nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai?

Khi mang thai mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về số cân cần đảm bảo theo từng tháng và trong suốt thai kỳ. Số cân sẽ khác nhau đối với mỗi người, nhưng hầu hết phụ nữ sẽ tăng khoảng 11 đến 14 kg. Nếu mẹ bị thiếu cân khi mang thai thì mẹ có thể cần phải ăn nhiều hơn. Nếu mẹ thừa cân, thì cần tăng ít hơn.

2. Tôi nên ăn gì?

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng là một trong những điều tốt nhất mẹ bầu có thể làm cho bản thân và thai nhi. Hãy cẩn thận những thực phẩm và đồ uống sau đây khi mang thai.

  • Thịt sống, trứng và cá: Thực phẩm không được nấu chín hoàn toàn có thể khiến mẹ bầu có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Không ăn nhiều hơn 2 hoặc 3 khẩu phần cá mỗi tuần (kể cả cá đóng hộp). Không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu, hoặc cá ngói. Những loại cá này có hàm lượng thủy ngân cao, có thể gây hại cho em bé trong bụng. Nếu mẹ ăn cá ngừ, hãy chắc chắn rằng đó là cá ngừ nhạt.
  • Trái cây và rau quả: Rửa tất cả các sản phẩm trước khi ăn và giữ cho thớt và bát đĩa sạch sẽ.
  • Ăn 4 khẩu phần sữa trở lên mỗi ngày: Điều này sẽ cung cấp đủ canxi cho mẹ và thai nhi. Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc ăn các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng. Chúng có thể có vi khuẩn gây nhiễm trùng. Các sản phẩm bao gồm các loại pho mát mềm như Brie, feta, Camembert và pho mát xanh, hoặc pho mát kiểu Mexico.
  • Chất thay thế đường: Một số chất làm ngọt nhân tạo có thể sử dụng ở mức độ vừa phải như aspartame và sucralose. Tuy nhiên, nếu mẹ đang bị phenylketon niệu (PKU), hãy tránh dùng aspartame.
  • Cà phê: Không uống nhiều hơn 1 hoặc 2 tách cà phê hoặc đồ uống khác có caffeine mỗi ngày.
Mẹ bầu nên hạn chế uống cà phê trong suốt quá trình mang thai

3. Tôi có thể uống thuốc không?

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mẹ bầu dùng bất kỳ loại thuốc nào. Một số loại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh, đặc biệt nếu dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

4. Tôi có thể uống vitamin không?

Phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày. Nó có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về não và cột sống của bé.

Tốt nhất mẹ nên bắt đầu bổ sung axit folic trước khi mang thai và uống chúng mỗi ngày. Không dùng các loại vitamin hoặc chất bổ sung khác mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

5. Tôi có thể tiếp tục làm việc trong bao lâu?

Thời gian làm việc muộn như thế nào trong thai kỳ khác nhau ở mỗi người. Công việc và môi trường làm việc của mẹ sẽ là yếu tố quyết định thời gian làm việc của mẹ trong thai kỳ. Ví dụ, những công việc liên quan đến bức xạ, chì và các vật liệu khác chẳng hạn như đồng và thủy ngân có thể gây hại cho em bé.Do đó, mẹ có thể không có khả năng làm việc lâu dài. Những công việc văn phòng được cho là không gây hại cho em bé, tuy nhiên mẹ không nên làm việc nhiều bên máy tính và các thiết bị điện tử cũng như không để máy tính nằm trên bụng

Sức khỏe cũng là một yếu tố quyết định vào thời gian làm việc của mẹ. Nếu mẹ có nguy cơ mắc một số vấn đề hoặc chuyển dạ sinh non, thì có thể nằm nghỉ trên giường và không nên tiếp tục làm việc cho tới khi sức khỏe ổn định trở lại.

6. Còn tậm thể dục thì sao? 

Trừ khi mẹ bầu gặp vấn đề trong khi mang thai, còn lại mẹ nên tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục thúc đẩy lối sống lành mạnh và có thể giúp giảm bớt sự khó chịu. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Một số phụ nữ nói rằng tập thể dục khi mang thai giúp quá trình chuyển dạ và sinh nở dễ dàng hơn. Đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tuyệt vời. Nếu mẹ bầu đã hoạt động trước khi mang thai, thì vẫn nên tiếp tục. Nếu mẹ không hoạt động trước khi mang thai, hãy bắt đầu từ từ bằng cách lắng nghe cơ thể và không tập luyện quá sức. Uống nhiều nước để tránh bị quá nóng hoặc mất nước, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai mẹ nhé!

Gọi cho bác sĩ nếu mẹ có các triệu chứng khi tập thể dục, chẳng hạn như:

  • Mờ mắt
  • Chóng mặt
  • Tức ngực
  • Đau bụng

7. Tôi có thể quan hệ tình dục được không?

Quan hệ tình dục khi đang mang thai là an toàn. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu mẹ có lo lắng hoặc có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe.

8.Tôi có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn?

Dưới đây là những vấn đề thường gặp khi mang thai với những lời khuyên về cách kiểm soát chúng.

8.1 Ốm nghén

Buồn nôn hoặc nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày (hoặc đêm). Do đó mẹ hãy:

  • Thử ăn nhiều bữa nhỏ.
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay hoặc có tính axit.
  • Một số phụ nữ buồn nôn hơn khi bụng rỗng, do đó nên có sẵn đồ ăn nhẹ để tránh trường hợp bụng đói.
  • Hãy khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi cân nặng và tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình ốm nghén đặc biệt là nghén nặng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

8.2  Mệt mỏi

Mệt mỏi là điều phổ biến khi mang thai, do đó mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ hoặc chợp mắt nếu có thể.

8.3 Chuột rút chân

Hoạt động tích cực có thể giúp giảm chuột rút ở chân: Kéo căng bắp chân bằng cách gập bàn chân về phía đầu gối.  Ngoài ra, mẹ hãy uống nhiều nước.

Tập luyện tích cực để giảm chuột rút ở bà bầu

8.4 Táo bón

  • Uống nhiều nước.
  • Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Đừng dùng thuốc nhuận tràng mà không hỏi trước ý kiến của bác sĩ.

8.5 Bệnh trĩ

  • Cố gắng tránh bị táo bón.
  • Đừng gắng sức khi đi vệ sinh và sau khi đi xong mẹ nên vệ sinh sạch sẽ.
  • Khăn ướt có thể cảm thấy dễ chịu hơn giấy vệ sinh.
  • Tắm nước ấm (ngâm mình trong bồn nước ấm) nếu cần.

8.6 Đi tiểu thường xuyên hơn

Mẹ có thể phải đi tiểu thường xuyên hơn khi mang thai. Thay đổi nội tiết tố có thể là một yếu tố, bên cạnh đó khi em bé của lớn lên, bé sẽ gây áp lực lên bàng quang của mẹ.

8.7 Suy tĩnh mạch

  • Mẹ tránh quần áo ôm sát vào eo hoặc chân.
  • Nghỉ ngơi và gác chân lên cao nhất có thể.
  • Tránh ngồi hoặc đứng yên trong thời gian dài.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ của về vớ hỗ trợ hoặc ống nén khi tình trạng giãn tĩnh mạch nhiều.

8.8 Tâm trạng

Khi mang thai hormone thay đổi nên khiến toàn bộ cuộc sống của mẹ thay đổi theo. Đừng quá khắt khe với bản thân mà hãy nhận sự giúp đỡ ngay lập tức của những người xung quanh nếu mẹ cảm thấy buồn hoặc nghĩ đến việc tự tử.

8.9 Phù

  • Nằm duỗi thẳng chân hết mức có thể.
  • Nằm nghiêng bên trái khi ngủ, tư thế này giúp máu từ chân lưu thông về tim tốt hơn.
  • Không sử dụng thuốc lợi tiểu (thuốc nước) khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

8.10 Các vấn đề về da

Rạn da xuất hiện như những vết đỏ trên da của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ.  Kem dưỡng da với bơ hạt mỡ có thể giúp giữ ẩm cho da và giảm ngứa, khô da. Mặc dù rạn da không thể tránh khỏi nhưng chúng thường mờ dần sau khi mang thai nên mẹ đừng quá lo lắng nhé.

Ngoài ra mẹ sẽ có những thay đổi khác trên da như sạm da trên mặt hoặc quanh núm vú, một số khác thì có một đường sẫm màu dưới rốn. Cố gắng tránh nắng hoặc sử dụng kem chống nắng để giúp làm mờ các vết thâm này và hầu hết các chúng sẽ mờ dần sau khi mang thai.

9. Những điều cần cân nhắc

  • Không hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Không sử dụng ma túy: Cocain, heroin, cần sa và các loại ma túy khác làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh. Em bé có thể sinh ra đã nghiện loại thuốc mà mẹ đã lạm dụng. Đây được gọi là hội chứng kiêng cữ ở trẻ sơ sinh.
  • Đừng uống rượu: Uống rượu là nguyên nhân chính gây ra các dị tật bẩm sinh có thể ngăn ngừa được, bao gồm cả chứng rối loạn rượu ở thai nhi .
Rượu, bia gây nguy hiểm tới sức khỏe cho mẹ và em bé
  • Không dọn vệ sinh cho mèo hoặc ăn thịt đỏ sống, nấu chưa chín: Bạn có thể bị nhiễm toxoplasma , một căn bệnh có thể gây dị tật bẩm sinh.
  • Đừng thụt rửa: Âm đạo của mẹ không cần phải làm sạch ngoài việc tắm bình thường.

10. Khi nào đến gặp bác sĩ

Gọi cho bác sĩ nếu mẹ có các biểu hiện sau:

  • Máu hoặc chất lỏng chảy ra từ âm đạo.
  • Sưng mặt hoặc tay chân một cách đột ngột hoặc quá mức.
  • Đau đầu dữ dội, không biến mất.
  • Buồn nôn và nôn sẽ không biến mất.
  • Chóng mặt.
  • Nhìn mờ.
  • Đau dữ dội hoặc chuột rút ở bụng dưới.
  • Ớn lạnh hoặc sốt.
  • Sự thay đổi chuyển động của bé.
  • Nước tiểu ít hoặc nóng rát khi đi tiểu.
  • Bệnh tật hoặc nhiễm trùng.
  • Bất kỳ triệu chứng nào khác khiến mẹ bầu khó chịu và mệt mỏi.