Các mốc siêu âm thai định kỳ

Siêu âm thai là gì?

Siêu âm thai là một xét nghiệm sử dụng sóng cao tần để vẽ lại hình ảnh của em bé đang phát triển cũng như cơ quan sinh sản của bà mẹ. Siêu âm thai vừa dõi sự phát triển của em bé vừa tầm soát một số vấn đề sức khỏe của người mẹ. Bên cạnh siêu âm tiêu chuẩn còn có siêu âm nâng cao như siêu âm 3D, siêu âm 4D, siêu âm tim thai cũng ngày càng phát triển và phổ biến và mang lại những lợi ích nhất định.

Siêu âm là phương pháp giúp người mẹ biết biết được sức khỏe của mình và em bé trong bụng

Các mốc siêu âm thai trong thai kỳ

Phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ và em bé mà bác sĩ se có thể chỉ định thời điểm và số lần siêu âm cho mẹ bầu, nhưng thường có 3 thời điểm siêu âm trong thai kỳ mà các chuyên gia khuyến cáo thật sự cần thiết: 

  • Từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày
  • Từ 18 tuần đến 22 tuần
  • Từ 30 tuần đến 32 tuần
1. Siêu âm từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày.

Thời điểm này thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy nên siêu âm trong thời điểm này có mục đích:

  • Đánh giá tuổi thai và dự kiến sinh theo chiều dài đầu mông (là thời điểm đánh giá theo siêu âm chính xác nhất)
  • Chẩn đoán số lượng thai và số lượng bánh nhau, số lượng buồng ối nếu thai của bạn là đa thai.
  • Quan sát sớm các cấu trúc giải phẫu của thai như tay, chân, thành bụng, tim, hộp sọ, bánh rau… để phát hiện các bất thường lớn của thai
  • Sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể để chẩn đoán các bệnh như hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward
  • Đánh giá khoảng mở trong não theo tiêu chuẩn FMF để có thể phát hiện sớm dị tật ống thần kinh.
  • Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
Đánh giá tuổi thai thông qua phương pháp siêu âm
2. Siêu âm tầm soát dị tật thai 18 tuần đến 22 tuần 

Ở giai đoạn này những cơ quan bên trong thai nhi đã hình thành đầy đủ. Khi quan sát hình ảnh thu được từ siêu âm các bác sĩ có thể đánh giá các bất thường về cấu trúc của thai nhi. Khi này các cột sống, hộp sọ, não,…. của thai nhi đều có thể được nhìn thấy. Bác sĩ cũng có thể phát hiện được các bất thường về hình thái của thai nhi như dị dạng cơ quan nội tạng, sứt môi,… Ngoài ra siêu âm giai đoạn này có thể: 

  • Quan sát cột sống của bé, đảm bảo các xương đều đầy đủ, thẳng hàng và không có khe hở cột sống.
  • Quan sát thành bụng, đảm bảo thành bụng liên tục, che phủ tất cả các cơ quan bên trong.
  • Quan sát tim thai, đánh giá các động mạch và tĩnh mạch lớn đưa máu đến và đi của tim.
  • Quan sát dạ dày của bé.
  • Quan sát 2 thận và bàng quang của bé. Đảm bảo có đủ 2 thận, cấu trúc bình thường, hoạt động của hệ tiết niệu bình thường.
  • Quan sát cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân của bé. Là thời điểm tốt nhất để đánh giá, đảm bảo bàn tay, bàn chân đủ ngón, chân tay hoạt động bình thường
  • Quan sát bánh rau, dây rốn và nước ối.
  • Đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ đẻ non
  • Đánh giá tình trạng phát triển của bé, đo các chỉ số sinh học của bé,..để đánh giá xem bé phát triển có tương ứng với tuổi thai hay không, có bị nhỏ không và nếu nhỏ thì có những nguy cơ gì.
Siêu âm ở tuần thai từ 18 đến 22 tuần để tầm soát dị tật của em bé

Khi siêu âm, tùy từng bệnh lý mà có những bệnh lý dễ phát hiện, có bệnh lý tùy thuộc mức độ biểu hiện. Siêu âm tầm soát dị tật thai tuy có thể loại trừ phần lớn các dị tật: nhưng không thể loại trừ tất cả các bất thường của thai nhi.

3. Siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần 

Đây là giai đoạn siêu âm để đánh giá tăng trưởng của thai và phát hiện các dị tật xuất hiện muộn. Cụ thể là: 

  • Giống như thời điểm 22 tuần, bác sĩ sẽ đo các chỉ số sinh học của thai để đánh giá thai phát triển bình thường hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường
  • Phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như nhẵn não, tắc ruột… 
  • Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chính xác hơn: xác định rau có bám thấp, che lấp đường ra của thai nhi hay không.
Những tháng gần cuối bác sĩ siêu âm cho mẹ bầu để xác định kích thước em bé

Ngoài ra khi gần sinh nếu cần thiết bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một lần siêu âm nữa để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu thai phụ thấy biểu hiện bất thường có thể đi khám và siêu âm để bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

 

*Nguồn:

  1. bvquanhoa.ytethanhhoa.gov.vn

http://bvquanhoa.ytethanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/tin-tuc/tin-trong-nganh/ba-bau-sieu-am-nhieu-co-gay-hai-cho-thai-nhi.html

2. vinmec.com

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-moc-sieu-am-thai-dinh-ky-me-bau-can-ghi-nho/