Các loại vitamin và khoáng chất cần cho mẹ bầu

1. Tại sao phụ nữ mang thai cần bổ sung vitamin và khoáng chất?

Phụ nữ có thai cần rất nhiều dưỡng chất. Do sự sinh trưởng của thai nhi nên dung lượng máu trong cơ thể mẹ tăng lên, lượng dinh dưỡng cần hấp thu cũng tăng lên rất nhiều. Nếu cung cấp dinh dưỡng không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, thai chết lưu… Ngoài ra, thai phụ rất dễ mắc các bệnh trong thai kỳ như: thiếu máu do thiếu sắt, đau bụng, đau lưng, tiểu khó, táo bón… Những căn bệnh này đều cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, vì thế phải hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng.

Vitamin và khoáng chất là những yếu tố cần thiết, không thể thiếu đối với cơ thể. Lượng vitamin, khoáng chất cần thiết rất nhỏ và đa số phải đưa từ bên ngoài vào nên được gọi là vi chất dinh dưỡng. Việc cung cấp dưỡng chất từ nguồn thực phẩm thường không đủ, vì thế phải bổ sung thêm bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Sự lạm dụng vi chất dinh dưỡng (thường gọi là thuốc bổ), thiếu hay thừa vi chất đều gây hậu quả nghiêm trọng.

Thai phụ không nên tự ý mua thuốc bổ về sử dụng, cần đi khám thai định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, hướng dẫn cụ thể và chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ và từng giai đoạn phát triển của thai nhi, tránh được các tác dụng phụ xảy ra ngoài ý muốn. 

2. Một số vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong thai kỳ

2.1. Canxi

Mẹ bầu có thể uống sữa để bổ sung canxi cho cơ thể

Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức năng thần kinh và sự đông máu của cơ thể diễn ra bình thường. Các quá trình chuyển hoá trong cơ thể, tạo xương cho thai nhi hay tiết sữa đều cần canxi. Phụ nữ mang thai và cho con bú mỗi ngày cần 1000 – 1300 mg canxi.

Cách tốt nhất là sử dụng canxi từ thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100 – 120 mg/100ml sữa nước pha chuẩn), tỷ lệ hấp thu cao. Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng canxi cũng khá phong phú.

2.2. Sắt  

Sắt có nhiều trong thịt đỏ, gan động vật, trứng và trong các loại rau xanh đậm

Sắt tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Sắt do các thức ăn động vật cung cấp dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thức ăn thực vật. Lượng vitamin C và chất đạm trong khẩu phần làm tăng khả năng hấp thu sắt, ngược lại, tanin và phytate lại cản trở sự hấp thu sắt.

Do nhu cầu sắt của người phụ nữ tăng cao khi mang thai nên khẩu phần hàng ngày không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được uống bổ sung viên sắt (30 – 60 mg sắt/ngày). Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh. 

2.3. Iod

Mẹ bầu có thể bổ sung Iod thông qua thực phẩm

Iod là một chất cần thiết trong cơ thể với một lượng rất nhỏ chỉ từ 15 đến 20 mg (WHO 1996). Iod là thành phần thiết yếu của các hormone tuyến giáp – Thyroxine (T4) và TriIodothyronine (T3). Thiếu Iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ.

Mẹ bầu ăn đủ Iod trong thời gian mang thai và cho con bú giúp giảm nguy cơ thiếu Iod cho thai nhi. Nhu cầu khuyến nghị Iod ở phụ nữ có thai là 220 mcg/ngày, bà mẹ cho con bú cần 250 mcg/ngày.

2.4. Magie 

Magie có tác dụng giải độc thai nghén. Magie có nhiều trong các loại rau xanh chứa nhiều chất diệp lục, lúa mỳ, các loại quả cứng, các loại đậu (đỗ), thịt, hải sản…. Khi theo thức ăn vào cơ thể, thường chỉ khoảng 30-40% lượng Magie được hấp thu và Vitamin D3 là chất có tác dụng giúp cơ thể hấp thu magie tốt hơn.

2.5. Vitamin A

Sữa, gan, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể cho mẹ bầu

Vitamin A ngoài tác dụng bảo vệ mắt, tăng sức đề kháng, còn có tác dụng tạo xương giúp cho trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng hay gây khô mắt ở trẻ.

Người phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, vitamin A liều cao trong thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, vì thế bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vitamin A. Sau khi sinh, người mẹ cần đủ vitamin A để cung cấp vitamin A cho sữa nuôi con.

Sữa, gan, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ đều là những thức ăn có nhiều caroten – tiền vitamin A, caroten khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.

2.6. Vitamin D

Bà bầu có thể sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như pho mát, cá, trứng, sữa,…

Vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, photpho vào cơ thể. Khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây ra các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ. Phụ nữ có thai nên dành thời gian tắm nắng khoảng 20-30 phút/ngày hoặc bổ sung vitamin D 15 mcg/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, sử dụng thêm các thực phẩm giàu vitamin D như pho mát, cá, trứng, sữa,…để tăng cường vitamin D cho cơ thể.

2.7. Acid folic

Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu máu, khuyết tật của ống thần kinh ở thai nhi. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung 400-1000 mcg/ngày khi mang thai bằng viên uống.

3. Thời điểm thích hợp uống vitamin và khoáng chất

3.1. Các vitamin nhóm B

Vitamin B nên uống vào buổi sáng, trước bữa ăn là tốt nhất

Đây là những vitamin có thể hòa tan trong nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo. Nhóm này giúp tăng cường năng lượng, giảm stress… Khi uống vitamin nhóm này nên uống vào buổi sáng, trước bữa ăn là tốt nhất, giúp tăng cường năng lượng vào ngày mới.

3.2. Vitamin C

Vitamin C nên được uống vào cùng bữa ăn sẽ hấp thu tốt nhất. Do vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.

3.3. Vitamin tổng hợp

Sau bữa ăn sáng hoặc trưa là thời gian thích hợp để uống vitamin nhóm B, C và vitamin tổng hợp. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp các vitamin và vi chất dinh dưỡng tan trong chất béo được cơ thể hấp thu một cách tốt nhất. Vitamin tổng hợp cũng có thể giúp gia tăng năng lượng để bắt đầu một ngày mới.

3.4. Các vitamin tan trong dầu như A, D, K, E

Vitamin tan trong dầu như A, D, K, E nên uống trong bữa ăn vì sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa.

Nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu tối đa.

3.5. Canxi

Việc uống canxi nên được tiến hành vào buổi sáng (sau bữa ăn sáng khoảng 1 giờ) hoặc buổi trưa với nhiều nước, giúp mẹ bầu có cơ hội tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (da tổng hợp vitamin D cho cơ thể), giúp hấp thu canxi hiệu quả cao hơn. 

Ngoài ra, khi bổ sung canxi, cần sự vận động của cơ thể để lượng canxi đưa vào có thời gian kịp chuyển vào đích là khung xương. Việc dùng canxi vào buổi chiều hoặc tối có thể làm canxi tích tụ lại, hình thành canxi oxalat dễ tăng nguy cơ gây sỏi thận, sỏi tiết niệu. Không nên bổ sung quá nhiều canxi trong một lần mà nên chia làm nhiều lần trong ngày.

3.6. Sắt

Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng

Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (lúc đói). Vì vậy, nên uống viên sắt trước bữa ăn 30 phút. Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, do vậy có thể uống nước cam sau đó để tăng hấp thu chất sắt vào cơ thể. 

Cần tránh các thức uống gây kích thích như trà, cà phê, nước giải khát có gas vì chúng cản trở quá trình hấp thụ của sắt. Không uống sắt cùng với canxi vì các khoáng chất này cản trở sự hấp thụ lẫn nhau trong cơ thể, nên bổ sung vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

4. Lưu ý khi dùng thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu

Bà bầu cần tìm hiểu kĩ các loại vitamin và khoáng chất trước khi uống
  • Chỉ sử dụng thuốc bổ khi cần thiết: Nên ăn uống đúng và đủ chất vì trong thực phẩm có sẵn nhiều vitamin hỗ trợ và bù trừ lẫn nhau một cách tự nhiên. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc bổ khi cần thiết.
  • Không sử dụng quá lâu một loại vitamin: Trong quá trình mang thai, tất cả các loại vitamin đều quan trọng đối với mẹ bầu. Do đó, phụ nữ mang thai không nên dùng quá lâu 1 loại vitamin, vì nếu dùng lâu ở liều bình thường cũng có thể gây thiếu các vitamin khác.
  • Lưu ý khi sử dụng Vitamin C: Vitamin C khi dùng thường xuyên, đặc biệt ở liều cao (trên 1 gram/ngày) có thể gây kích thích dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận.
  • Lưu ý khi sử dụng Vitamin A: Đối với phụ nữ mang thai, Vitamin A không sử dụng quá 10.000 UI/ngày
  • Đồ ăn thức, uống không nên dùng chung:
    • Thuốc chứa sắt với trà, cà phê, trứng, sữa: làm giảm hấp thu sắt.
    • Thuốc chứa canxi với nhiều loại rau có oxalat (cải bó xôi): làm giảm hấp thu canxi. 
  • Thuốc cần tránh kết hợp với nhau:
    • Canxi + Sắt: làm giảm hấp thu sắt. Sắt là dưỡng chất rất khó hấp thu và canxi làm giảm tiến trình này. Do đó, các mẹ bầu không nên uống chung thuốc sắt và canxi.
    • Thuốc chứa sắt + Thuốc chống loét dạ dày: giảm hấp thu sắt.
    • Thuốc chứa sắt + Doxycylin, Quinolon: giảm hấp thu do tạo phức.
    • Magie-Vitamin B6 + Muối phosphat, Canxi: ức chế hấp thu magnesi tại ruột non.