Ba tháng cuối thai kỳ người mẹ có những thay đổi gì

Mang thai là một hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách đối với tất cả những người mẹ. Để có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc được làm mẹ và để bé yêu phát triển toàn diện cũng như chuẩn bị cho một cuộc vượt cạn thành công, người mẹ cần nhận biết và theo dõi những thay đổi của cơ thể trong ba tháng cuối thai kỳ một cách cẩn thận.

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ

Mẹ biết không thai nhi trong 3 tháng cuối sẽ phát triển rất nhanh. Trong thời gian này bé yêu của các mẹ đã bắt đầu hoàn thiện đầy đủ những bộ phận trên cơ thể, thêm vào đó cân nặng của bé cũng phát triển nhanh chóng. Những thay đổi của em bé được tính theo tuần chứ không phải theo tháng như trong những tháng trước đây. Do đó trong 3 tháng cuối thai kỳ này mẹ nên chăm sóc tốt bản thân đặc biệt là ăn uống đầy đủ để em bé phát triển tốt nhất.

Những thay đổi của người mẹ trong ba tháng cuối

Đây là thời gian chạy nước rút của cá em bé và mẹ, cùng với sự lớn lên của em bé trong bụng thì cơ thể người mẹ cũng có những thay đổi lớn. Trong 3 tháng cuối người mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy các hiện tượng như: 

  • Khó thở (do thai nhi lớn dần) nên mẹ sẽ thở nhanh và nông hơn, đôi khi có cảm giác bị hụt hơi.
  • Rốn sẽ bị lồi hẳn lên; 
  • Tay chân và mặt sẽ bị sưng lên và đôi khi sẽ cảm thấy tay chân bị tê; 
  • Đi tiểu nhiều lần hơn và mẹ bầu có thể gặp phải các cơn gò (cơn gò sinh lý), đây là dấu hiệu thật hoặc giả của việc chuẩn bị lâm bồn. Cảm giác gò bụng này có thể giống như đau khi tới kỳ kinh nguyệt.
  • Tăng áp lực tĩnh mạch do trọng lượng của cơ thể tác động lên hai chân và tim làm quá trình lưu thông máu chậm lại
  • Đau nhức vùng xương chậu, đau lưng
  • Ngực tăng trưởng nhanh, đau vú
  • Thường xuyên mất ngủ
  • Táo bón
3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu có những thay đổi lớn khiến cơ thể luôn cảm giác mệt mỏi

Ngoài ra, những tháng cuối thai kỳ người mẹ lưu ý để tránh gặp phải những tai biến sản khoa:

  • Thuyên tắc ối: là biến chứng nguy hiểm nhất trong các tai biến thai sản. Bởi vì sau khi bị thuyên tắc ối có đến 50% sản phụ tử vong trong giờ đầu tiên, 50% còn lại nếu sống sót cũng để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.
  • Tiền sản giật: sẽ dẫn đến sản giật hoặc co giật, suy thận và thậm chí là cả tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ trong 3 tháng cuối.Tỷ lệ xảy ra cơn sản giật là 50% trước sinh, 25% trong lúc sinh và 25% là sau sinh.
  • Nhau bong non: là biến chứng thai kỳ nguy hiểm, có thể gây ra hiện tượng chảy máu do giảm sinh sợi huyết, choáng do mất máu, thận cấp, sinh non và thậm chí dẫn đến tử vong với mẹ và bé. Theo thống kê có 10-15% trường hợp tử vong con trong 3 tháng cuối thai kỳ xuất phát từ nhau bong non.
  • Nhau tiền đạo: là tình trạng bánh nhau bám ở vị trí bất thường. Mẹ gặp phải nhau tiền đạo có thể bị băng huyết trong thai kỳ và đe dọa đến tính mạng cả mẹ và bé khi sinh.
Trong 3 tháng cuối người mẹ và em bé sẽ gặp những vấn đề nguy hiểm

Tai biến thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào trong quá trình mang thai nhưng nguy hiểm nhất là 3 tháng cuối thai kỳ. Những trường hợp biến chứng thai kỳ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, nhẹ thì cũng sẽ để lại những di chứng khó điều trị.

Những điều người mẹ cần làm trong thời gian này

  • Khám thai: mẹ cần đi khám thai thường xuyên và đúng lịch theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc khi cơ thể có những bất thường. 
  • Cảm nhận những thay đổi của cơ thể, nếu thấy khoảng cách những cơn gò tử cung càng lúc càng ngắn, trong cơn gò bụng cứng hơn, thời gian gò lâu hơn gây đau bụng hoặc ra chất nhầy lẫn ít máu ở âm đạo thì có nghĩa là mẹ đã gần chuyển dạ.
  • Mẹ cần giữ vệ sinh, tránh dùng thuốc khử mùi âm đạo, các loại xà phòng thơm. Tuy nhiên không nên thụt rửa sâu trong âm đạo vì có thể gây thuyên tắc hơi trong động mạch, tổn thương xuất huyết cổ tử cung.
  • Tham gia lớp tiền sản: mẹ sẽ được hướng dẫn cách hít thở, giảm đau khi chuyển dạ, cách nhanh phục hồi sau sinh và những lưu ý để chăm sóc em bé trong những ngày đầu tiên.
  • Tập đếm cử động thai: mỗi ngày đếm cử động thai nhi 3 lần theo hướng dẫn của bác sĩ để cảm nhận sự hiện hữu và theo dõi thời điểm sẵn sàng chào đời của bé.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội
  • Quan trọng nhất đó chính là chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian này cần được chú trọng.
Hãy chăm sóc bản thân thật tốt trong giai đoạn “nước rút” này mẹ bầu nhé!

Như vậy trong ba tháng cuối thai kỳ người mẹ sẽ có những thay đổi ‘thần tốc”. Do đó mẹ cần chú ý quan sát bản thân, tâm sự cùng người nhà để giảm bớt áp lực cũng như được hỗ trợ đúng lúc. Bên cạnh đó là mẹ cần đi khám thai đầy đủ để biết tình trạng cơ thể của cả mẹ và bé, từ đó có những thay đổi phù hợp để mẹ và em bé cùng “đến đích” thành công.