Thai 9 tuần tuổi phát triển ra sao và những thay đổi ở cơ thể mẹ

Thai 9 tuần tuổi phát triển như thế nào và mẹ bầu cần làm gì để giữ thai an toàn? Đó là câu lo lắng của rất nhiều bà mẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ này. Cùng 9thang10ngay tìm hiểu về tuần thai này nhé.

 

1. Dấu hiệu thai 9 tuần phát triển khỏe mạnh

Từ tuần thứ 9, mẹ đã bước sang tháng thứ 3 của thai kỳ, thuộc tam cá nguyệt đầu tiên. Đây là mốc thời gian mà em bé đang định hình những phần quan trọng nhất trong quá trình phát triển. 

1.1. Kích thước thai nhi tuần thứ 9

Chỉ số trung bình của thai 9 tuần tuổi như sau:

  • Cân nặng: khoảng 2g
  • Chiều dài đầu – mông (CRL): khoảng 2.3 cm

Khi thai được 9 tuần tuổi, thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi về kích thước và phát triển các bộ phận khác trên cơ thể. Lúc này, thai có kích thước bằng quả ô liu.

kích thước thai 9 tuần

1.2. Thai 9 tuần tuổi có nhịp tim là bao nhiêu?

Ở tuần thứ 9, tim thai đã hoàn thiện hơn và nhịp tim đạt đỉnh điểm, 140-170 nhịp/phút

Những lúc em bé cử động nhiều, nhịp tim có thể lên đến 180 nhịp/phút. 

1.3. Các phát triển khác của thai nhi

  • Phần đầu và mặt: Đầu của thai nhi phát triển lớn hơn so với phần còn lại của cơ thể. Có thể thấy rõ hơn về mắt, mũi, miệng, các chi tiết trên khuôn mặt bé. Phần da phía trên mắt bé cũng đang bắt đầu hình thành mí mắt.
  • Các cơ quan nội tạng chính: như tim, não, phổi, thận và ruột,…đang phát triển nhanh chóng.
  • Các cơ quan sinh dục: bắt đầu hình thành nhưng vẫn chưa đủ rõ để phân biệt giới tính của thai nhi là trai hay gái ở tuần thứ 9 này.
  • Chi và xương: Hình thành các ngón tay và ngón chân. Các khớp vai, đầu gối, mắt cá nhân, khuỷu tay của thai nhi bắt đầu chuyển động, có thể thấy cột sống đã lộ ra.
  • Đuôi của bé gần như tiêu biến hoàn toàn.
thai 9 tuần tuổi
Hình ảnh thai nhi 9 tuần tuổi

Ở tuần thứ 9, do hệ xương phát triển nên thai nhi đã có các cử động “thai máy”. Tuy nhiên, vì em bé còn rất nhỏ nên mẹ vẫn chưa cảm nhận được.

Lúc này, nhau thai vẫn chưa hoàn thiện, thai nhi vẫn nhận chất dinh dưỡng từ thể hoàng. Vì vậy thai 9 tuần vẫn chưa ổn định hoàn toàn và vẫn thuộc giai đoạn nhạy cảm mà mẹ cần cẩn thận.

2. Mẹ bầu thay đổi thế nào ở thai kỳ tuần thứ 9?

Trong giai đoạn thai 9 tuần tuổi, hormone hCG trong cơ thể mẹ có thể đạt mức cao nhất. Điều này có nghĩa là các triệu chứng ốm nghén của mẹ sẽ đạt đến đỉnh điểm, bao gồm các vấn đề sau:

  • Nôn mửa: Cơn buồn nôn có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào trong ngày. 
    • Nguyên nhân: do sự tăng nồng độ hormone sinh dục Progesteron và HCG gây giãn các cân cơ ở hệ tiêu hóa, khiến lượng thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn.
    • Giải pháp: Khi nôn nghén, mẹ có thể sử dụng một chút gừng hoặc thực phẩm chứa gừng (kẹo gừng, trà gừng) để giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, hãy ăn bất cứ khi nào mẹ cảm thấy muốn ăn. 
  • Tình trạng mệt mỏi, uể oải
    • Nguyên nhân: cơ thể mẹ đang nỗ lực rất nhiều để cung cấp chất dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển. Ngoài ra, tốc độ trao đổi chất và lượng hormone tăng cao dẫn đến giảm huyết áp và lượng đường trong máu, gây ra tình trạng vô cùng mệt mỏi. 
    • Giải pháp: Nghỉ ngơi đầy đủ là biện pháp rất hiệu quả trong việc giảm những triệu chứng khó chịu khi mang thai. Ngoài ra, luyện tập nhẹ nhàng, đều đặn cũng giúp mẹ bầu bớt cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
  • Ngực căng tức khó chịu:
    • Nguyên nhân: Do cơ thể mẹ đang thúc đẩy quá trình phát triển tuyến sữa tạo cảm giác ngực mẹ đang to lên đau và khó chịu. 
    • Giải pháp: Cảm giác căng tức ngực sẽ giảm đi sau 3 tháng đầu của thai kỳ. Mẹ bầu hãy sử dụng loại áo ngực dành riêng cho bà bầu, làm từ cotton hoặc sợi tự nhiên, với kích cỡ vừa vặn, để tránh gây cảm giác khó chịu.
Hình ảnh thai 9 tuần trong bụng mẹ
Hình ảnh thai 9 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 9

3.1. Khám thai tuần 9

  • Nếu trong giai đoạn tuần 5-8, mẹ đã đi khám thai và không có gì bất thường cũng như không có dấu hiệu nguy hiểm nào, mẹ có thể không cần đi siêu âm lại vào tuần 9 này
  • Nếu mẹ mới phát hiện mình mang thai ở tuần này, hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra kỹ càng, bao gồm:
    • Siêu âm để kiểm tra vị trí phôi thai
    • Kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu
    • Kiểm tra một số bệnh nguy hiểm có thể di truyền

Ở buổi này, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho mẹ bầu cần bổ sung các vi chất như thế nào và lịch hẹn khám tiếp theo. 

Ảnh siêu âm thai 9 tuần
Ảnh siêu âm thai 9 tuần

3.2. Mang thai 9 tuần nên ăn gì?

Ở thời điểm này, mẹ đang trải qua cao điểm ốm nghén. Dù chán ăn và mệt mỏi, mẹ vẫn cần ăn uống đa dạng, bổ sung đầy đủ chất dưỡng để thai nhi khoẻ mạnh hơn.

Khẩu phần ăn của mẹ cần tăng thêm 50Kcal so với trước khi mang thai, tổng năng lượng trong ngày mẹ cần cung cấp khoảng 1800-2100 Kcal.

Mẹ cần ăn đầy đủ các nhóm chất bao gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn thêm rau củ và trái cây để hỗ trợ tiêu hoá ngăn ngừa tình trạng táo bón. 

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như phô mai và bông cải xanh vì thai nhi cần nhiều canxi để phát triển hệ xương

3.3. Chế độ sinh hoạt

Mặc dù khi thai 9 tuần tuổi, bụng mẹ chưa to ra nhưng cũng gặp nhiều bất tiện khác trong sinh hoạt. Mẹ hãy áp dụng những biện pháp sau nhé:

  • Giảm nôn nghén bằng cách: sử dụng thực phẩm chứa gừng (trà gừng, kẹo gừng, gừng mật ong,…), chia nhỏ bữa ăn, chuẩn bị thức ăn (bánh mì, bánh bích quy, …) để có thể ăn bất cứ lúc nào muốn ăn,…
  • Giảm bớt khối lượng công việc, dành nhiều thời gian hơn để thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Tránh mang vác đồ vật nặng và làm việc gắng sức
  • Uống đủ lượng nước trong ngày (2-2.5l), đừng vì đi tiểu tiện nhiều mà hạn chế uống nước.
  • Chọn đi những đôi giày đế bằng thấp thay vì đi giày cao gót để tránh trượt ngã, hạn chế nơi đông người để tránh chen lấn xô đẩy. 
  • Thay mới áo ngực rộng rãi hơn để tránh đau nhức ngực. 
  • Hạn chế quan hệ tình dục vì giai đoạn này em bé vẫn chưa cố định vị trí trong bụng mẹ.
Mẹ bầu hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và uống đủ lượng nước trong ngày

4. Những dấu hiệu bất thường mẹ nên đi khám ngay

  • Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi
  • Sốt từ 38.5 độ C trở lên, ớn lạnh
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Đau bụng hoặc xương chậu dữ dội
  • Bất kỳ triệu chứng nào của trầm cảm hoặc lo lắng
  • Ốm nghén thể nặng: nôn ba lần (hoặc nhiều hơn) mỗi ngày và không thể giữ thức ăn hoặc nước uống, nôn ra máu, ngất xỉu, sút cân nhiều, giảm đi tiểu hoặc không đi tiểu được, tim đập loạn. 

Trên đây là những thay đổi của mẹ và thai nhi cùng những lưu ý khi mẹ mang thai tuần thứ 9. Mẹ hãy lắng nghe cơ thể mình, tìm hiểu thêm những kiến thức để chăm sóc thai nhi được tốt hơn nhé!