Mang thai tháng thứ 8: Những chú ý mẹ bầu không thể bỏ qua

Giai đoạn cuối của thai kỳ đã đến, cả mẹ và bé đều đang chuẩn bị cho cho sự chào đời của em bé. Mẹ có thể hồi hộp và lo lắng trong khoản thời gian này. Mẹ hãy lưu ý một số điều dưới đây khi mang thai tháng thứ 8 để chuẩn bị tốt nhất đón bé chào đời nhé!

 

1. Sự phát triển của bé trong thai kỳ tháng thứ 8

Mang thai tháng thứ 8 (từ tuần thứ 29 đến tuần thứ 32) là thời điểm thai nhi phát triển rất mạnh mẽ để chuẩn bị chào đời.

  • 5 giác quan phát triển rõ rệt, bé nhận thức được ánh sáng, âm thanh, mùi vị. 
  • Bé đã luyện tập hô hấp bằng cách cử động lên xuống cơ hoành.
  • Não phát triển thuận lợi, hình thành các nếp nhăn trên đại não. Năng lực ghi nhớ hay cảm xúc đã hình thành ở mức sơ khởi.
  • Các cơ quan nội tạng cũng đang dần hoàn thiện. 
  • Có thể nhấp nháy mắt và cử động khuôn miệng đáng yêu.
  • Tiếp tục duy trì nhịp điệu của giấc ngủ, mẹ có thể cảm nhận được khi nào bé thức hay ngủ qua các cử động đạp của thai. 
  • Đã có sức đề kháng để tồn tại ở bên ngoài nhờ nhận được globulin (một loại protein miễn dịch) từ mẹ. 
  • Một số trường hợp thai nhi có thể quay đầu khá sớm từ tuần thứ 28 trở đi. 
    •  

Lúc này cân nặng và kích thước của thai nhi tăng nhanh chóng. Thai nhi có thể đạt chiều dài 40.5cm và nặng 2146 gam vào cuối tháng thứ 8. 

hình ảnh thai 8 tháng
Hình ảnh siêu âm thai nhi 32 tuần 2 ngày

2. Mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai tháng thứ 8?

Bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, cơ thể mẹ đang tăng tốc, chuẩn bị cho quá trình sinh nở cận kề. Các triệu chứng dưới đây mẹ có thể gặp phải trong khi mang thai tháng thứ 8:

  • Cơn co thắt tử cung giả trước sinh: các cơn co thắt đã xuất hiện ở tháng thứ 7 nhưng đến gần ngày dự sinh chúng xuất hiện thường xuyên hơn. Khi xuất hiện cơn co thắt tử cung mẹ hãy nằm xuống nghỉ ngơi nhé!
  • Đau vai và đau thắt lưng: do bụng to lên, cơ thể tròn trịa và tích nhiều mỡ hơn, tư thế có khuynh hướng bị cong vẹo.
  • Khó thở: khi tử cung của mẹ lớn hơn, không gian trong bụng của bạn sẽ chật hơn, đè lên phổi, điều này có thể khiến mẹ  khó thở.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn: do em bé di chuyển xuống thấp hơn, có thể gây áp lực nhiều hơn lên bàng quang của mẹ. 
  • Rạn da: ngoài bụng ra, các vị trí khác như đùi, mông, bầu ngực cũng có thể bị rạn da
  • Giãn tĩnh mạch: những mạch máu ở bắp chân, đùi nổi rõ lên. Giãn tĩnh mạch trực tràng gây nên bệnh trĩ, rất khó chịu đối với mẹ trong thời kỳ mang thai.
  • Chóng mặt, mệt mỏi: mẹ không chỉ mang thêm trọng lượng của em bé mà càng về cuối thai kỳ mẹ càng khó tìm được tư thế thoải mái để ngủ vào ban đêm. 
  • Huyết áp tăng dần lên trong phạm vi cho phép: do lưu lượng máu tăng hơn so với thời điểm trước.  
Cơn co thắt giả trước sinh xuất hiện thường xuyên hơn khi mang thai tháng thứ 8

3. Chăm sóc mẹ bầu tháng thứ 8 

3.1. Mang thai tháng thứ 8 nên ăn gì?

Càng gần ngày dự sinh, không chỉ thai nhi cần nhiều dưỡng chất mà bản thân cơ thể người mẹ cũng cần bổ sung dinh dưỡng để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn.

Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ nên bổ sung thêm 450Kcal mỗi ngày, tổng mức năng lượng cần cung cấp hàng ngày 2200Kcal – 2750Kcal.

Mẹ cần lưu ý các vấn đề trong chế độ ăn ở tháng thứ 8: 

  • Bổ sung tinh bột đầy đủ:

Thời điểm này, thai nhi bắt đầu dự trữ glycogen và chất béo trong gan và dưới da. Vì vậy, lượng tinh bột không đủ sẽ gây ra tình trạng thiếu protein hoặc nhiễm toan ceton.

Mẹ nên bổ sung thêm một phần tinh bột vào thực đơn mỗi ngày để đảm bảo cho thai nhi phát triển (tương đương 2-3 bát cơm mỗi ngày). Mẹ nên ăn một số loại ngũ cốc thô như kê, ngô và bột yến mạch. Tuy nhiên, chế độ ăn phải được điều chỉnh để tăng cân không quá 350 g mỗi tuần.

Riêng với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng tinh bột phù hợp nên ăn hằng ngày.

  • Bổ sung acid béo Linolenic:  

Não bộ của thai nhi phát triển rất mạnh trong tháng thứ 8. Vì vậy, cơ thể mẹ cần có một lượng axit béo nhất định, đặc biệt là giàu axit linoleic để đảm bảo sự phát triển não bộ của thai nhi. Loại acid béo này có nhiều trong các loại cá biển.

  • Bổ sung đầy đủ sắt:

Phụ nữ mang thai cần ăn nhiều thực phẩm chứa sắt để tăng đảm bảo đủ lượng máu cần thiết nuôi dưỡng thai nhi cũng như lượng máu mất đi trong quá trình sinh nở sắp tới. Các loại thực phẩm giàu sắt như các loại thịt đỏ, rau cải, hải sản,… Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng viên uống bổ sung sắt.

  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin K như súp lơ, bắp cải, kiwi, rau mùi,… Vitamin K là loại vitamin cần thiết cho đông máu, rất quan trọng để chuẩn bị cho quá trình đông máu.
Mẹ có thể bổ sung thêm viên uống sắt để đảm bảo bổ sung đủ Sắt, đảm bảo đủ lượng máu cần thiết chuẩn bị cho sinh nở

3.2. Chế độ sinh hoạt của mẹ bầu tháng thứ 8

  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt: hãy nghỉ ngơi ngay lập tức nếu thấy mệt mỏi hay áp lực. Mẹ cũng nên nằm xuống nghỉ ngơi nếu thấy cơn co thắt giả xuất hiện. 
  • Giảm mức độ căng thẳng: Khi ngày dự sinh đến gần, mẹ có thể dễ dàng rơi vào tình trạng căng thẳng lo lắng về việc sinh nở. Để giúp giảm mức độ căng thẳng, mẹ nên tìm một số phương pháp như nghe nhạc nhẹ nhàng, đọc một cuốn sách hay, đi dạo hoặc thiền định. Chia sẻ với bố và người thân cũng là một cách giải tỏa áp lực cho mẹ. 
  • Vận động thường xuyên và đúng cách: mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng, yoga hay bài tập Kegels dành riêng cho phụ nữ có thai (đây là một dạng bài tập có thể giúp mẹ làm giảm áp lực lên khung chậu, tuy nhiên mẹ cần có giáo viên chuyên môn hướng dẫn tập nhé)
  • Tư thế nằm: tư thế Sims – nằm nghiêng sang trái, hơi co chân và đặt lên gối – được khuyên dùng cho mẹ khi thai phát triển to. Tuy nhiên khi nằm nghiêng một bên khiến cơ thể quá mỏi, mẹ có thể thay đổi tư thế linh hoạt để cảm thấy thoải mái nhé.

4. Các chú ý quan trọng khi mang thai tháng thứ 8

4.1. Chuẩn bị đồ dùng đi sinh

Mẹ hãy lên danh sách các đồ dùng dành cho mẹ và bé, kiểm tra một lần nữa xem đã đầy đủ chưa. Đồng thời, mẹ nên bắt đầu chuẩn bị thủ tục nghỉ thai sản ngay từ lúc này.

4.2. Khám thai 2 tuần/ lần

Trong tháng thứ 8 này, mẹ bầu nên tăng số lần khám thai lên 2 tuần 1 lần để theo dõi tình trạng của trẻ, xác định trẻ đã quay đầu hay chưa, làm các cận lâm sàng để biết được mình có bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật hay không để có hướng điều trị phù hợp. 

Thời điểm này mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc nên sinh thường hay sinh mổ để bắt đầu chuẩn bị.

Kiểm tra thai sản định kỳ 2 tuần 1 lần

4.3. Những triệu chứng cần đi khám ngay

  • Vỡ ối sớm 
  • Đau bụng dưới
  • Chảy máu âm đạo 
  • Bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào ( sốt, tăng nhịp tim của cả mẹ lẫn thai nhi, đau tử cung,…)
  • Cơn co thắt thường xuyên, dữ dội hoặc các dấu hiệu chuyển dạ sớm khác
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng
  • Dấu hiệu của tiền sản giật (đau đầu, mờ mắt, tăng cân nhanh > 500g một tuần)

Trên đây là những thay đổi của mẹ và bé khi mang thai tháng thứ 8. Ngày sinh nở đang đến rất gần rồi, mẹ hãy bớt lo lắng căng thẳng và chuẩn bị tốt nhất để đón bé yêu chào đời nhé!

>> Đọc tiếp: Mang thai tháng thứ 9: mẹ bầu cần chuẩn bị gì để sinh con an toàn